GBU-43/B Massive Ordnance Air Blast (MOAB) được mệnh danh là “Mẹ của các loại bom. Các quan chức quân đội Mỹ từng tiết lộ rằng, MOAB được phát triển như một vũ khí dùng trong “chiến tranh tâm lý” tại Iraq. Họ hy vọng rằng MOAB sẽ tạo ra một vụ nổ lớn như vậy mà nó sẽ làm rung chuyển quân đội Iraq và ép họ phải đầu hàng hoặc thậm chí không còn tâm lý chiến đấu. Vào thời điểm đó, MOAB là vũ khí phi hạt nhân mạnh nhất thế giới, trị giá ước tính 15,7 triệu USD.
GBU-43/B Massive Ordnance Air Blast.
Vào ngày 15.3.2003, tại căn cứ Eglin Air Force ở Florida, Mỹ đã ném thử nghiệm quả bom MOAB từ máy bay C-130 Hercules. Quân đội Mỹ đã phát triển để chuẩn bị cho cuộc chiến tại Iraq nhưng chưa bao giờ được triển khai trong chiến tranh.
Mỗi quả MOAB dài 9,1 m, đường kính 1,03 m và nặng 10,3 tấn. Nó được nhồi 8.164 kg thuốc nổ H-6, cho sức nổ tương đương 11 tấn TNT.
GBU-43 không phải là bom chuyên dùng để diệt các hầm ngầm kiên cố sâu, mà nó là loại bom nhiệt áp, GBU-43 phá hủy mục tiêu bằng sóng xung kích cũng như hút hết dưỡng khí trong khu vực nổ, khiến đối phương trong hang động, đường hầm bị chết ngạt.
Mới đây, Mỹ đã thả bom GBU-43 xuống tỉnh Nangahar, miền đông Afghanistan vào lúc 19 giờ ngày 13.4. Mục tiêu là hệ thống hầm ngầm và các thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Đây là lần đầu tiên loại bom khổng lồ này được Mỹ sử dụng trong thực chiến. Nó được triển khai bởi một chiếc máy bay MC-130 nhằm mục tiêu IS và các phần tử cực đoan. Vụ nổ này tương đương với 11 tấn TNT, để dễ hình dung so sánh, vụ nổ hạt nhân tại Hiroshima của Nhật Bản tương đương 15 tấn TNT.
Bom GBU-43 được thả từ độ cao lớn, tăng tốc trong quá trình rơi xuống mục tiêu và tích hợp hệ thống dẫn đường GPS nhắm vào mục tiêu cài đặt sẵn. Khi cách mục tiêu khoảng 1,8 mét, ngòi nổ Tritonal gồm bột nhôm trộn với thuốc nổ TNT sẽ được kích hoạt, tạo ra một đám mây bột nhôm dạng nấm bao phủ bán kính 10 mét quanh điểm nổ.
Chỉ trong vài mili giây tiếp theo, đám mây bột nhôm này bắt cháy, tạo thành quả cầu lửa khổng lồ siêu nóng, thiêu đốt và hút sạch dưỡng khí trong bán kính hàng trăm mét xung quanh, khiến tất cả những người ở trong phạm vi ảnh hưởng gần như bị cháy phổi và chết ngay lập tức trong đau đớn. Việc sử dụng bột nhôm giúp tăng uy lực của thuốc nổ TNT lên khoảng 20%.
Ngay sau đó, lượng thuốc nổ sẽ được kích hoạt, tạo ra sóng xung kích khổng lồ di chuyển với tốc độ âm thanh, tiêu diệt toàn bộ các sinh vật sống trong phạm vi hơn 900 m. Quả bom này có thể làm bốc hơi con người ở tâm nổ, san bằng mọi mục tiêu trong phạm vi bán kính gần một km và thổi bay xe tăng khỏi mặt đường từ khoảng cách 2,7 km. Những người còn lại sống sót có thể sẽ bị sốc và để lại những vết sẹo tâm lý mãi mãi.
Tuệ Minh (Báo Khoa Học)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.