Xã biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) là một trong những địa phương có số lượng tàu, thuyền nhiều nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình với 594 chiếc, trong đó, hơn 320 tàu đánh bắt xa bờ (công suất từ 90 CV trở lên). Hiện đang vào vụ đánh cá, nhưng hàng trăm tàu, thuyền ở xã này vẫn nằm bờ.
Clip: Ngư dân Quảng Bình chia sẻ việc giá xăng dầu tăng cao khiến tàu thuyền không thể vươn khơi.
Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Võ Đức Anh (ở xã Cảnh Dương) cho biết: "Đang vào vụ cá nhưng tôi nào dám cho thuyền ra khơi. Giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí mỗi chuyến đi biển đội lên gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, cá đánh bắt về bán giá thấp làm chúng tôi thất thu".
Ông Hồ Quang Hường – Phó Chủ tịch Hội Ngư dân xã Cảnh Dương, cho hay: "Hàng năm, sau lễ ra quân đánh bắt ngày 15/1 âm lịch, hầu hết tàu cá trên địa bàn xã Cảnh Dương vươn khơi bám biển khai thác thủy, hải sản. Nhưng sau Tết Nhâm Dần đến nay, đội tàu xa bờ của ngư dân Cảnh Dương vẫn chưa thể mở biển đầu năm do thời tiết không thuận lợi và đặc biệt là giá xăng dầu tăng chóng mặt".
"Hiện hàng trăm tàu, thuyền của ngư dân vẫn đang nằm bờ. Chủ tàu không dám ra khơi, lo ngại thu không đủ bù chi, cùng với đó, kéo theo hàng ngàn lao động nghề biển mất việc làm", ông Hường nói.
Trúng vụ cá nhưng không dám ra khơi
Ngư dân Nguyễn Thành Lung (SN 1971, ở xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) cho biết: "Thời điểm này các năm trước, khi làm lễ mở biển, tàu của tôi đã vươn khơi đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, đánh được nhiều cá lắm. Nhưng năm nay do xăng dầu tăng giá mạnh cùng với việc thiếu bạn thuyền nên tàu của tôi vẫn nằm bờ".
"Những chuyến đi biển trước, chi phí mỗi chuyến vào khoảng 120 - 130 triệu đồng, tôi thu về từ 180 - 200 triệu đồng. Anh em ngư dân lãi từ 50 - 70 triệu đồng. Nhưng giờ dầu lên giá, mỗi chuyến tốn gần 8.000 lít, chi phí tăng lên đến 220 - 230 triệu đồng/chuyến, nên ra khơi chỉ có lỗ", ông Lung nói.
Ông Trương Văn Cam (SN 1965, ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) cho hay: "Tôi dùng thuyền công suất nhỏ để đánh cá gần bờ mấy hôm nay và trúng đậm cá trích. Nhưng giá dầu đèn tăng cao cùng với giá bán thấp khiến ngư dân thất thu. Chúng tôi thuyền nhỏ, đánh gần bờ mới dám ra khơi chứ các thuyền công suất lớn nằm bờ hết".
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phạm Văn Liệu - Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, cho biết: "Toàn xã có 830 tàu, thuyền nhưng đợt này chỉ có 300 thuyền công suất nhỏ ra khơi đánh cá trích. Ngư dân cập bờ với khoang đầy cá trích nhưng giá bán 10.000 đồng/kg và giá dầu đèn cao khiến thu nhập của ngư dân giảm mạnh. Để giúp bà con yên tâm bám biển khai thác thủy, hải sản, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có chính sách bình ổn giá xăng, dầu để hỗ trợ ngư dân vươn khơi".
"Hiện nay giá dầu tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Một chuyến đi biển, chi phí dầu là lớn nhất, tùy theo nghề khai thác có thể lên đến 70%. Do vậy nhiều tàu cá, đặc biệt, tàu đánh bắt xa bờ không thể cân đối để có lãi cho một chuyến biển và phải nằm bờ, có địa phương tàu nằm bờ trên 30%. Trước tình hình đó, Chi cục Thủy sản khuyến cáo cho bà con vùng đánh bắt có hiệu quả, kết hợp khai thác với hậu cần nghề cá để trung chuyển cá, vật tư khai thác nhằm kéo dài cho một chuyến biển giảm chi phí, tăng lợi nhuận", ông Lê Ngọc Linh - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình, cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.