Mong ước của nữ đại biểu Quốc hội trẻ nhất ngành giáo dục Nàng Xô Vi
Mong ước của nữ đại biểu Quốc hội trẻ nhất ngành giáo dục Nàng Xô Vi
Thứ sáu, ngày 05/11/2021 14:30 PM (GMT+7)
Cô Nàng Xô Vi mong muốn đem tiếng nói, tâm tư tình cảm của giáo viên Kon Tum đến với Quốc hội. Qua đó, giúp phát triển ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục dân tộc.
Năm 25 tuổi, cô giáo Nàng Xô Vi (thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) trở thành đại biểu Quốc hội khóa XV. Cô cũng là đại biểu trẻ nhất trong ngành Giáo dục và là người dân tộc ít người Brâu đầu tiên trúng cử đại biểu Quốc hội.
Cô Nàng Xô Vi tâm sự,ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cô đã ước mơ được trở thành giáo viên để đem con chữ đến với học sinh vùng sâu vùng xa. Khi ước mơ trở thành hiện thực cô rất vui mừng và hạnh phúc khi có thể góp chút sức của mình để giúp tương lai của học trò vùng khó sáng lạn hơn.
Sau 2 năm công tác tại TP Hồ Chí Minh, cô Nàng Xô Vi trở về Kon Tum và thi đỗ vào chính ngôi trường Phổ thông DTNT tỉnh Kon Tum mà trước đây từng theo học. Sau đó, cô được phân về Phân hiệu Phổ thông DTNT tỉnh tại huyện Ia H’Drai công tác.
Cô Vi tâm sự, ngôi trường cô đang công tác vừa mới thành lập năm 2017 nên cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Bên cạnh đó, địa bàn huyện Ia H’Drai rất rộng, có những học sinh từ nhà đến trường phải đi khoảng 60km đường rừng. Đặc biệt trên 80% học sinh đều là đồng bào các dân tộc phía Bắc theo bố mẹ di cư vào khai hoang vùng đất mới. Thêm nữa, phong tục tập quán các dân tộc rất đa dạng, tư tưởng gắn bó miền đất mới chưa ổn định nên vẫn còn tình trạng học sinh bỏ học.
Do đó để học sinh đến lớp chuyên cần, cô Vithường xuyên quan tâm, chỉ bảo và phân tích cho các em biết tầm quan trọng của tri thức. Bên cạnh đó, cô lấy những tấm gương người đồng bào DTTS thành đạt để truyền cảm hứng, lan toả nguồn năng lượng tích cực để các em cố gắng hơn trong học tập.
“Bản thân tôi cũng là người con của dân tộc thiểu số nên trong quá trình giáo dục bên cạnh tiếng phổ thông, tôi có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ các dân tộc thiểu số khác nên rút ngắn khoảng cách giữa giáo viên với học trò. Đây là điều kiện thuận lợi để tôi thấu hiểu học sinh cũng như gia đình các em. Từ đó tôi dễ dàng truyền dạy kiến thức và vận động các em cố gắng vươn lên trong học tập cũng như cuộc sống”, cô Nàng Xô Vi nói.
Theo cô Vi, để học sinh có động lực và cố gắng trong học tập, trước tiên mỗi giáo viên phải công bằng với tất cả các em. Chỉ như thế học sinh mới thấy mình không phải là người bị bỏ lại phía sau. Đồng thời giáo viên phải thấu hiểu và cảm thông từng hoàn cảnh của học sinh để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp. Bên cạnh đó, phân hóa học sinh theo đúng năng lực để có phương pháp truyền đạt phù hợp và khuyến khích, động viên kịp thời để học sinh có thêm động lực phấn đấu. Ngoài ra, phát hiện năng khiếu của từng học sinh để động viên các em phát triển thế mạnh của mình.
Mong ước phát triển giáo dục dân tộc
Bên cạnh cương vị là một giáo viên, cô Nàng Xô Vi còn là nữ đại biểu Quốc hội khóa XV. Do đó, cô Vi mong muốn có thểđem tiếng nói, tâm tư tình cảm của giáo viên tỉnh Kon Tum đến với Quốc hội. Qua đó tìm ra những giải pháp phù hợp nhất nhằm giúp nền giáo dục nước nhà nói chung và giáo dục tỉnh Kon Tum nói riêng đạt những điều tốt đẹp nhất có thể.
Cô Nàng Xô Vi tâm sự, hiện nay ngành Giáo dục ở tỉnh Kon Tum và các khu vực vùng sâu vùng xa khác, vấn đề khó khăn luôn gặp phải là cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và trang thiết bị học tập còn thiếu thốn. Do đó, việc truyền dạy kiến thức cũng là một thách thức lớn đối với giáo viên trên địa bàn. Chính vì vậy, việc đầu tư các thiết bị dạy học rất cần thiết để tạo điều kiện cho giáo viên có thể thực hiện các phương pháp giảng dạy hiện đại triệt để hơn.
Theo cô Vi, từ khi trở thành đại biểu của dân cử cô đã cố gắng thực hiện trách nhiệm việc giám sát, truyền đạt nguyện vọng và trách nhiệm của mình đến với cử tri thông qua các buổi tiếp xúc cử tri.
Tuy nhiên, về vấn đề khó khăn tại địa phương cũng là trăn trở của bản thân cô. Chính vì vậy, cô mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ quan tâm hơn nữa đối với giáo dục trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng và vùng đồng bào DTTS nói chung. Qua đó, để phát triển ngành Giáo dục, đặc biệt là giáo dục dân tộc. Bên cạnh đó, cô Vi cũng mong muốn các nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn để cùng chia sẻ với ngành giáo dục.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.