Một con động vật quái ác đầu đen phá vườn của 569 hộ nông dân đất Chợ Gạo ở Tiền Giang

Thứ tư, ngày 14/08/2024 12:55 PM (GMT+7)
Theo điều tra, thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Gạo và UBND các xã, diện tích dừa bị nhiễm sâu đầu đen trên địa bàn huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang là 220,6 ha của 569 hộ.
Bình luận 0
Trong số các địa phương đang bị sâu đầu đen phá hại dừa thì xã Xuân Đông 189 ha với 476 hộ, mức độ bị hại 60% - 80%; xã Hoà Định 29,6 ha với 80 hộ, tỷ lệ hại là 60% - 70%; xã An Thạnh Thủy 2 ha với 12 hộ, tỷ lệ hại là 5% - 10%.
img

Nông dân xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) phun thuốc phòng, chống dịch bệnh sâu đầu đen.

Vào giữa tháng 6-2024, tình hình sâu đầu đen lại bùng phát trở lại tại xã Xuân Đông và diễn biến nặng hơn, tốc độ lây lan nhanh hơn, mật độ sâu dày đặc hơn.

Diện tích dừa trên địa bàn xã Xuân Đông khá lớn khoảng 668 ha, dừa trung bình từ 10 đến 20 năm tuổi, phần lớn dừa thân cao gây khó khăn trong việc phun xịt và chặt mé rửa bỏ tàu sâu, nên công tác phòng trị chưa kịp thời làm sâu lây lan nhanh.

Đến nay, tổng diện tích nhiễm bệnh trên địa bàn xã Xuân Đông là 189 ha với 476 hộ, tỷ lệ hại là 60% - 80%; 3 ấp nhiễm nặng là Tân Thuận, Tân Ninh, An Lạc Trung, một số cây dừa thiệt hại 100%, người dân phải đốn bỏ.
img

Nông dân xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) chủ động phun thuốc phòng, chống dịch bệnh sâu đầu đen.


UBND xã Xuân Đông phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện điều tra, thống kê diện tích dừa bị nhiễm sâu đầu đen.

UBND xã chỉ đạo công chức Văn hóa - Thông tin tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến tất cả cán bộ, người dân về tác hại cũng như những mối nguy hiểm, đường lây lan do bệnh sâu đầu đen gây ra và các biện pháp chủ động ngăn chặn dịch bệnh sâu đầu đen; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh trên cây dừa.

Bên cạnh đó, UBND xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân cách phòng, chống sâu đầu đen trên cây dừa. 

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức tuyên truyên cho đoàn viên, hội viên tại các buổi sinh hoạt, các cuộc họp chi hội, đoàn thể để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt việc phòng trừ hạn chế lây lan do sâu đầu đen gây hại. Đồng thời, tổ chức thả ong ký sinh, bọ đuôi kìm nhằm tạo thiên địch đối với sâu gây hại trên cây dừa.

img

Ông Trần Việt Hùng, nông dân trồng dừa ở xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) đang ngâm lá dừa bị nhiễm sâu đầu đen dưới nước.

Đồng thời, UBND xã đã thành lập Đội phun xịt thuốc phòng trừ sâu đầu đen với 15 máy phun, phối hợp với các hộ dân chủ động phun thuốc trừ bệnh sâu đầu đen tại các vườn dừa.

Để phòng, chống bệnh sâu đầu đen gây hại trên vườn dừa, hiện nay, người dân đang tích cực, chủ động phun thuốc thường xuyên, liên tục để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Đồng chí Nguyễn Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Xuân Đông cho biết: "Nhằm bảo vệ tốt diện tích dừa trên địa bàn xã, giúp hộ dân trồng dừa kịp thời phát hiện và xử lý tốt dịch bệnh, UBND xã Xuân Đông tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân thường xuyên kiểm tra vườn, kịp thời phát hiện và xử lý khi bị sâu ăn hại. 

UBND xã Xuân Đông đã chỉ đạo Trưởng các ấp theo dõi giám sát tại địa bàn, phát hiện sớm những trường hợp phát sinh mới nhiễm để báo cáo kịp thời cho UBND xã và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện”.

Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân thăm vườn nhằm phát hiện sớm sự xuất hiện của sâu đầu đen để có biện pháp quản lý kịp thời.

Ngành chức năng huyện Chợ Gạo của tỉnh Tiền Giang cũng khuyến cáo nông dân trồng dừa thường xuyên, liên tục cắt tỉa và tiêu hủy những lá dừa chết, tàu dừa bị sâu gây hại bằng cách đốt hoặc ngâm trong nước ngay sau khi cắt xuống, việc này có tác dụng tiêu diệt ấu trùng, nhộng và trứng sâu. 

Đối với những hộ có vườn dừa bị nhiễm sâu đầu đen, nông dân chủ động phun thuốc trừ sâu đầu đen hại dừa để ngăn chặn sự lây lan của sâu đầu đen sang diện rộng.

Ông Trần Việt Hùng (ấp Tân Thuận, xã Xuân Đông) trồng 9,2 công dừa, diện tích dừa bị nhiễm sâu đầu đen nặng nên ông đã đốn bỏ một số cây bị nhiễm nặng không còn khả năng phục hồi và ngâm trong nước tại các rãnh dừa.
Ông Trần Việt Hùng chia sẻ, dịch bùng phát mạnh nên gia đình ông chỉ để số diện tích dừa vừa trồng có thể phòng bệnh và diện tích dừa bị sâu ăn hại có thể phục hồi. 

Gia đình ông tiếp tục thực hiện theo khuyến cáo ngành chức năng. Gia đình ông đã phun 4 đợt thuốc và tiếp tục phun trong thời gian tới. 

Ông mong muốn các vườn dừa lân cận cũng phun xịt để sâu đầu đen có thể bị tiêu diệt trong thời gian tới.

Để hạn chế sự gây hại của bọ cánh cứng và sâu đầu đen trên cây dừa, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tiếp tục nhân nuôi ong ký sinh tại cơ sở 2 cụ thể: Với ong ký sinh bọ cánh cứng, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thả 1.300 mummy tại các vườn dừa trên địa bàn huyện. 

Với ong ký sinh nhộng sâu đầu đen, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đã thả 1.000 mummy. Ong ký sinh sâu đầu đen giai đoạn ấu trùng, trong tuần, đơn vị thả 2.000 con tại xã Hòa Định. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đã thả 19.900 con. 

Ngọc Duyên-P.Mai (Báo Ấp bắc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem