|
Ông Bình với vật kỷ niệm là lọ thuốc ghi lại tên tuổi của đồng đội được chính tay ông chôn cất. |
30 năm làm việc nghĩa
Ông là Trần Thanh Bình (sinh năm 1950, ở Hoà Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng), tham gia chiến tranh không nhiều nhưng đã trải qua những trận đánh ác liệt, đồng đội nằm lại rất nhiều. Thời bình lẽ ra ông có quyền thanh thản sống, nhưng tình đồng đội thôi thúc, ông bỏ tiền bạc, thời gian, công sức quay lại những trận đánh ngày xưa tìm hài cốt anh em. Ông âm thầm làm việc đó đã hơn 30 năm.
Ngày trước, mỗi lần tham gia một trận đánh, anh em chiến sĩ hay mang theo chiếc lọ đựng thuốc bằng thủy tinh đã qua sử dụng, trong đó bỏ mảnh giấy ghi thông tin về mình, để có hy sinh, đồng đội chôn theo. Cẩn thận như vậy nhưng rồi "vật đổi sao dời", mọi dấu tích đều bị vùi dập bởi bom đạn và thời gian.
Tôi nguyện với lòng mình, ngày nào còn sức lực ngày đó sẽ cố gắng tìm và đưa hết các đồng đội về với quê hương, gia đình.
Ông Trần Thanh Bình
Ngay chính mộ của anh trai ông là Trần Điểm cũng phải hơn 10 lần "vắt sức" lên Hòn Đá - khu căn cứ cách mạng Huyện uỷ Hoà Vang (Đà Nẵng), ông Bình mới tìm được.
Để tìm được một hài cốt đồng đội, ông phải đi đi lại lại nhiều lần. Không có năng lực ngoại cảm nào ngoại trừ trí nhớ và tấm lòng với những người đã khuất, vì vậy việc tìm kiếm của ông Bình rất gian nan.
Mỗi tháng, gom hết tiền lương hưu và chế độ thương binh, ông thực hiện 2 hoặc 3 chuyến "về nguồn". Cũng có những tháng ông phải "ứng" thêm tiền của vợ. Vừa rồi ông có chuyến lên huyện heo hút nhất Quảng Nam - Tây Giang.
Ông cùng vài người bạn phải cắt đường lên sát biên giới Việt- Lào, nơi Bệnh viện Quân y 79 (Quân khu 5) đóng chân. Tại đây, ông Bình khoanh vùng, phát dọn cây cối, lần tìm từng dấu vết dù nhỏ nhất để phát hiện nơi đồng đội đang nằm. Qua 7 ngày chịu đựng gió Lào, rừng thiêng nước độc, ông đã phát hiện, quy tập được 18 hài cốt đồng đội.
Lật đá, rẽ cây tìm bạn
Trong suốt nhiều năm qua, ông Bình đã trải qua rất nhiều chuyến đi vất vả mà chỉ mình ông mới hiểu được những gian nan mình đã phải vượt qua. Ví dụ như chuyến đi tìm liệt sĩ Đỗ Xuân Tiền (Hưng Yên). Ông Bình kể, khi đánh tiểu đội biệt kích ngụy tại hồ Đồng Nghệ vào tháng 5 - 1969, ông Tiền bị thương nặng và hy sinh.
Dù trực tiếp chôn cất đồng đội nhưng khi ông Bình lên tìm lại thì chỉ thấy toàn nước và đá. Nhớ lời bạn trăn trối là muốn được về quê cho gần vợ, gần con, nên trong nhiều năm liền, ông Bình lặng lẽ lên đây lật từng hòn đá, rẽ từng bụi cây để tìm. Nhiều năm như vậy nhưng ông quyết không bỏ cuộc. Một lần tình cờ ngồi nghỉ chân bên khe đá, ông lại tìm ra nơi bạn đang yên nghỉ bên trong. Ngày làm lễ truy điệu, ông Bình vui mừng khôn tả vì đã thực hiện được tâm nguyện cuối đời của bạn.
Cho đến nay, khi đã tìm kiếm, đưa về quê an táng trên 110 hài cốt liệt sĩ, nhưng ông Bình vẫn còn nhiều trăn trở. Chỉ có những người như ông mới biết, trên dãy Trường Sơn trùng điệp kia vẫn còn điệp trùng những hài cốt người lính chưa được tìm thấy.
"Tôi nguyện với lòng mình, ngày nào còn sức lực ngày đó sẽ cố gắng tìm và đưa hết các đồng đội về với quê hương, gia đình" - ông Bình quả quyết. Niềm hy vọng chưa bao giờ tắt trong đôi mắt của ông khi nói với chúng tôi điều đó. Chia tay ông Bình, chúng tôi thấy ấm lòng hơn rất nhiều khi nghĩ về những ngôi mộ liệt sĩ vô danh trải khắp chiều dài cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc ta. Họ không hề cô đơn khi còn có những người bạn chí tình chí cốt như ông Bình.
Vũ Vân Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.