Trồng măng cụt, ông nông dân Đắk Nông cho ra trái nghịch tự nhiên nên lúc nào cũng thu lãi khủng

Thứ năm, ngày 15/02/2024 13:02 PM (GMT+7)
Trồng măng cụt theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP, ông Trần Quang Đông, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã nâng tầm lên thành sản phẩm OCOP.
Bình luận 0

Dẫn tôi đi giữa rừng măng cụt rộng 10ha, cao hơn 7m, ông Trần Quang Đông, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) nói về hành trình khởi nghiệp của mình: “Tôi biết ơn vùng đất này. Nó đã cho tôi gặt hái được thành quả như ngày hôm nay”.

Năm 1997, ông Đông bắt đầu những nhát cuốc đầu tiên để khởi nghiệp trên vùng đất đỏ bazan Đắk Nông này. Ngày ấy ông chỉ trồng cà phê để kiến tạo thu nhập.

Sau 3 năm, cà phê bắt đầu cho thu hoạch cũng là lúc giá cà phê trên thị trường rớt thê thảm. Đứng trước khó khăn đó, ông Đông quyết định chuyển đổi giống cây trồng.

Năm 2000, sau nhiều tính toán và lựa chọn, ông chuyển sang trồng cây ăn trái. Vốn đã sống và lớn lên ở Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) - "cái nôi” của các giống cây ăn trái - nên ông Đông có nhiều kinh nghiệm và quyết định trồng măng cụt.

Lợi thế của cây măng cụt là tuổi thọ của cây lên đến cả trăm năm. Nhưng đầu tư ban đầu của nó dài cũng ngày, phải 6 - 7 năm sau mới cho thu hoạch. “Tôi đã phải trồng xen kẽ các giống cây ngắn ngày để duy trì thu nhập trong giai đoạn đầu," ông Đông chia sẻ.

Trồng măng cụt, ông nông dân Đắk Nông cho ra trái nghịch tự nhiên nên lúc nào cũng thu lãi khủng- Ảnh 1.

Ông Trần Quang Đông, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh học để đáp ứng các thị trường khó tính và phát triển bền vững.

Nắm bắt nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng, ngay từ khi trồng măng cụt, ông đã áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ. Năm 2013, vườn măng cụt đạt chuẩn VietGAP và ông đã đăng ký sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu độc quyền “Gia Ân” cấp quốc gia. Ông Đông phấn khởi: "Đây là đứa con tinh thần của tôi sau bao lâu ấp ủ".

Khi quả măng cụt đã có chỗ đứng trên thị trường, ông liên kết với công ty đối tác để xúc tiến xuất khẩu đi Hà Lan. Năm 2016, ông đã nâng cấp sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP và duy trì cho tới nay.

Sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đòi hỏi các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, đất, môi trường luôn được kiểm tra, thực hiện theo đúng quy trình, ghi chép đầy đủ và đặc biệt chỉ sử dụng những thứ trong danh mục cho phép.

Tháng 12/2023, măng cụt của trang trại Gia Ân được tỉnh Đắk Nông công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là bước ngoặt quan trọng góp phần nâng cao giá trị sản phẩm của ông trên thị trường.

Cây măng cụt trồng ở Đắk Nông phát triển tốt. Cây trồng đúng vụ, nhưng ra quả lại nghịch tự nhiên. Ở miền Tây Nam bộ, măng cụt thường ra vụ tháng 4. Nhưng với vườn măng cụt của gia đình ông Đông cho quả từ tháng 7 - 10 hàng năm.

"Đây chính là lợi thế tự nhiên mà vùng đất này ưu đãi đối với người trồng măng cụt", ông Đông chia sẻ.

Để khai thác tối đa lợi thế sẵn có, ông Đông không ngừng củng cố thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm. Măng cụt của trang trại Gia Ân được dán tem truy xuất nguồn gốc có thương hiệu, chất lượng rõ ràng. Bình quân mỗi năm ông Đông xuất bán ra thị trường khoảng 70-80 tấn măng cụt, với giá trung bình 80.000 đồng/kg.

Để tăng giá trị nông sản, tìm hướng đi cho trang trại, ông Đông đang hướng tới đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Ông sẽ xây dựng kho lạnh để trữ hàng và phát triển công nghệ sấy thăng hoa cho sản phẩm

Đứng giữa rừng măng cụt, tôi cảm nhận được sự lạc quan, hứng khởi, tâm huyết và niềm đam mê của một người nông dân hiện đại. Người đã chọn đối mặt với thách thức để tạo ra một hành trình khởi nghiệp thành công.

Hưng Nguyên (Báo Đắk Nông)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem