Những nỗi đau còn đó
Một doanh nhân Trung Quốc tên là Li Hua có con gái mất tích trên chuyến bay MH370 đã trải qua một năm ác mộng. Ông đã quá đau đớn đến mức đột quỵ, còn vợ ông thì vật lộn với những cơn đau tim. "Hiện giờ tôi cảm thấy rất mệt mỏi và từng nghĩ đến chuyện tự tử, nhưng tôi vẫn phải sống vì vợ mình và cố tìm ra sự thật", ông Li Hua chia sẻ.
Ở một nơi khác tại Malaysia, bà A. Amirtham, một cán bộ hưu trí, thỉnh thoảng lại ngất xỉu, mất ngủ và chán ăn vì thương nhớ đứa con trai duy nhất, Puspanathan, hiện vẫn bặt vô âm tín cùng 238 người khác trên chiếc máy bay tử thần của hãng hàng không Malaysia Airlines.
Ông Wen Wancheng, một thân nhân hành khách xấu số trên chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines bật khóc trong đau khổ bên ngoài văn phòng của Thủ tướng Malaysia Najib Razak tại Kuala Lumpur.
Còn bà Li Jiuying, người có anh trai có mặt trên chuyến bay xấu số MH370 cảm thấy một năm qua như bị "tra tấn" bởi luôn phải nói dối với người mẹ già yếu rằng, anh trai cô không có mặt trên chuyến bay ấy và vẫn bận đi công tác nên chưa thể về nhà.
Bi kịch hơn cả có lẽ là các gia đình Trung Quốc khi nhiều gia đình đã mất đi đứa con duy nhất. Đa phần các hành khách có mặt trên chuyến bay MH370 đều mang quốc tịch Trung Quốc.
Bà Wang Rongxuan vẫn đỏ mắt chờ cậu con trai trở về.
Theo tờ Daily Mail, thân nhân của nhiều nạn nhân Trung Quốc tới Malaysia từ 8.3.2014 đã không về nhà suốt một năm nay. Họ cho biết, họ ở lại đây để tìm kiếm câu trả lời về số phận của người thân.
"Làm sao chúng tôi có thể quay về nhà? Chúng tôi lại thấy những vật dụng của con mình. Điều đó là quá đau đớn", Bà Wang Rongxuan, 60 tuổi, người đã mất đi cậu con trai duy nhất Hou Bo nghẹn ngào cho biết.
Những cơn giận dữ
Nỗi đau của các thân nhân hành khách trên chuyến bay Mh370 chuyển sang sự giận dữ và thất vọng khi họ muốn có câu trả lời từ giới chức Malaysia nhưng đáp lại họ chỉ là con số không.
Suốt nhiều tháng, giới chức Malaysia không tiết lộ thêm thông tin gì mới về vụ việc, và thậm chí còn từ chối các cuộc phỏng vấn khiến nhiều thân nhân hành khách gặp nạn cho rằng, toàn bộ sự thật về vụ mất tích vẫn chưa được công khai.
Thân nhân gia đình các hành khách Trung Quốc có mặt trên chuyến bay MH370 đứng bên ngoài văn phòng Thủ tướng Malaysia Najib Razak để yêu cầu có câu trả lời thỏa đáng.
Thân nhân gia đình các hành khách Trung Quốc có mặt trên chuyến bay Mh370 đứng bên ngoài văn phòng Thủ tướng Malaysia Najib Razak để yêu cầu có câu trả lời thỏa đáng.
Grace Nathan có mẹ là hành khách trên chuyến bay MH370. Suốt một năm qua, cô và gia đình liên tục gõ cửa đến các cơ quan chức năng ở Malaysia để tìm thông tin về vụ việc nhưng hoàn toàn bị thất vọng.
"Có một sự thiếu minh bạch ở đây. Bất kỳ khi nào chúng tôi viết thư hỏi xin thông tin từ các nhà chức trách, họ đều không bao giờ trả lời, giống như là họ không hề quan tâm những gì chúng tôi nói hay cảm nhận. Họ chỉ muốn nhanh cho xong chuyện", cô Nathan bức xúc..
Gần đây chính quyền Malaysia cũng đó có quyết định gây tranh cãi khi cuối tháng 1 vừa qua, chính phủ nước này tuyên bố, vụ mất tích MH370 là một "tai nạn" và toàn bộ 239 người trên máy bay được cho là đã chết.
Tuyên bố này ngay lập tức đã dấy lên sự phẫn nộ từ phía các thân nhân gia đình nạn nhân bởi họ cho rằng, họ không nhận được bất kỳ thông báo hay thông tin nào trước đó từ phía chính phủ về kết luận nói trên cũng như không có bằng chứng nào đảm bảo cho kết luận trên là chính xác.
Hội Tiếng nói 370 (Voice370), hội những thân nhân các nạn nhân của MH370 tuyên bố: “Nhận định như vậy chỉ mang lại sư đau đớn và là điều tàn nhẫn đối với các gia đình nạn nhân và khiến chúng tôi mất niềm tin vào nỗ lực tìm kiếm".
Ngoài ra, việc chính phủ Malaysia công bố quyết định trên vào thời điểm sắp đến Tết âm lịch cũng bị dư luận chỉ trích gay gắt. Cuối tháng 2 vừa qua, hơn 20 thân nhân người Trung Quốc có mặt ở Malaysia để ép giới chức sở tại phải có câu trả lời minh bạch, nhưng cũng đã bị từ chối.
Hy vọng mong manh
Tuy nhiên, vượt lên trên những nỗi đau ấy, thân nhân nhiều nạn nhân vẫn duy trì niềm hy vọng. Theo CNN, hầu hết gia đình các nạn nhân mà hãng tin này tiếp xúc vẫn nuôi hy vọng, dù là mong manh nhất về việc người thân của họ vẫn còn sống và sẽ có lúc trở về.
Bà Jaquita Gonzales (phải) vẫn không nguôi hy vọng tìm thấy tung tích của chồng.
Kể từ ngày 8.3.2014 đến nay, suốt 12 tháng qua, ngày nào bà Jaquita Gonzales, người có chồng là hành khách trên chuyến bay định mệnh MH370 cũng đều cố gọi vào điện thoại của chồng dù bà biết đầu dây bên kia chỉ là giọng nói vô hồn của tổng đài thông báo lại. Đôi giày của chồng bà vẫn đặt bên ngoài cửa như đợi chờ chủ nhân trở về. Bộ đồng phục vẫn được treo ngay ngắn trong tủ áo.
"Mỗi lần gọi vào điện thoại của ông ấy, cuộc gọi đều tự động chuyển vào hộp thư thoại nhưng tôi vẫn gọi bởi biết đâu được sẽ có ngày ông ấy nghe máy hay ai đó nhặt được điện thoại và cung cấp manh mối. Hy vọng vẫn còn đó”, bà Gonzales chia sẻ.
Không chỉ bà Gonzales mà tất cả các thành viên trong gia đình cũng như bạn bè thân thiết vẫn không thể tin vào thực tế và không nguôi hy vọng. "Không có bằng chứng nghĩa là vẫn còn một chút hy vọng. Chúng tôi sống từng ngày bằng những hy vọng đó”, bà Gonzales tin tưởng.
Còn bà Wang RongXuan cũng khăng khăng cho rằng cậu con trai Hou sẽ trở về và sẽ không bao giờ chấp nhận việc tuyên bố anh đã chết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.