Một ông nông dân Thủ đô nuôi gà kiểu nhàn tênh, xuất 45 vạn con giống, thu 4,5 tỷ đồng/năm

Bình Minh Thứ năm, ngày 08/07/2021 19:02 PM (GMT+7)
Chỉ bằng một phần mềm cài đặt trên điện thoại thông minh có thể quản lý, điều hành trang trại hơn 15 vạn con gà, kể cả khi đang công tác nước ngoài... Đó là mô hình sản xuất gà giống ứng dụng công nghệ cao bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo của ông Hoàng Mạnh Ngọc (ở xã Liên Hà, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội).
Bình luận 0

Ứng dụng công nghệ cao

Tâm sự với chúng tôi, ông Ngọc nhớ lại, ngày ông còn niên thiếu, Liên Hà là vùng đất chiêm trũng, người dân quanh năm chăm chỉ cấy hái mà cái nghèo, cái đói vẫn cứ bám riết. Gia đình ông cũng không nằm ngoài số đó. Đến khi trưởng thành, ông Ngọc bươn chải với đủ thứ nghề nhưng cuộc sống cũng chẳng dễ dàng. Sau nhiều năm tìm kiếm cơ hội từ nhiều nghề khác nhau, với khát vọng làm giàu, năm 2000, ông Ngọc đã quyết định lập nghiệp ở vùng đất chôn nhau cắt rốn, dồn hết tâm sức với công việc của một nông dân chăn nuôi gà.

"Thời điểm bấy giờ, khi chăn nuôi gà ở huyện Đông Anh còn phát triển nhỏ lẻ, manh mún, tôi đã bàn với vợ quyết định chuyển hướng sang đầu tư vào lĩnh vực này nhưng là với hướng đi khác. Đó là sản xuất con giống chứ không phải nuôi gà thịt như nhiều hộ vẫn đang làm" - ông Ngọc chia sẻ.

Ứng dụng công nghệ 4.0, chăm trại gà từ xa vạn dặm  - Ảnh 1.

Ông Ngọc kiểm soát nhiệt độ, thức ăn nước uống trong chuồng nuôi, nhiệt độ trạm ấp qua phần mềm kết nối mạng internet trên điện thoại thông minh. Ảnh: B.M

Tuy nhiên, để có được thành công như ngày hôm nay, ông Ngọc đã phải "nếm" đủ cay, đắng của sự thất bại trong "cái nghiệp" làm nông dân của mình. Hơn 15 năm chăn nuôi gà, không ít lần ông nếm mùi thất bại.

Năm 2015, khi thực hiện chính sách về dồn điền đổi thửa, định hướng phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, quy mô lớn ngoài khu dân cư; chăn nuôi an toàn sinh học và chủ trương sản xuất giống để có hiệu quả kinh tế, được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, ông Ngọc đã mạnh dạn vay vốn đầu tư 40 tỷ đồng mở trang trại chăn nuôi, sản xuất giống gia cầm xa khỏi khu dân cư. Sang năm 2016, ông quyết định "chơi lớn" khi thành lập Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng.

Ông Ngọc cho biết, để công ty phát triển bền vững, hướng đến sản xuất con giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Nhận thấy đây là công nghệ tiềm năng, cùng bản tính tò mò, ông đã lặn lội sang Trung Quốc để tìm hiểu về phương pháp thụ tinh nhân tạo cho gà.

Trở về sau thời gian tìm hiểu phương pháp thụ tinh nhân tạo cho gà ở Trung Quốc, tận dụng kiến thức được học, ông Ngọc đã ứng dụng lai tạo thành công giống gà ta lai hồ tím, mía đen và giống gà siêu đẻ M310. Các thử nghiệm ban đầu đều cho kết quả khả quan, tiến hành mở rộng quy mô trang trại của mình.

Đến nay, trang trại của ông Ngọc đã đi vào hoạt động ổn định, với quy mô rộng 5ha, nuôi 152.000 con gà bố mẹ và hơn 50 máy ấp trứng. Hiện công ty là địa chỉ cung cấp giống đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP.

Xuất 45 vạn con giống, thu 4,5 tỷ đồng/năm

Ứng dụng công nghệ 4.0, chăm trại gà từ xa vạn dặm  - Ảnh 2.

Công nhân tại xưởng chọn lọc những quả trứng trước khi đưa vào máy ấp nở, sau 30 ngày có thể cho ra con giống chất lượng tốt nhất. Ảnh: B.M

"Thời đại số bùng nổ, không chỉ đơn giản bắt gà về thả vườn như trước đây, chúng ta cần thay đổi tư duy từ chăn nuôi kiểu truyền thống sang tiếp cận công nghệ thông tin, ứng dụng kỹ thuật mới".

Ông Hoàng Mạnh Ngọc

Dẫn chúng tôi đi 1 vòng trang trại, ông Ngọc giới thiệu về dây chuyền sản xuất gà giống đều áp dụng công nghệ khép kín, sử dụng điều chỉnh nhiệt bằng điện.

Ông đầu tư hệ thống ăn, uống cho gà tự động, ứng dụng công nghệ thông tin 4.0 vào các khâu kiểm soát nhiệt độ trong chuồng nuôi, trạm ấp được điều khiển qua phần mềm kết nối mạng internet.

Điều đặc biệt khi bước chân vào trang trại là tất cả đều được xây dựng khép kín, thoáng mát, không hề có mùi phân gà. Chuồng trại được phân chia một cách rất khoa học, từng khu tách biệt như: Khu ấp nở, phòng tiêm vaccine, khu nuôi gà, phòng xuất gà giống.

Một điều làm chúng tôi thắc mắc, đó là vì sao nuôi gà đẻ trứng đem ấp nở mà gà trống lại nhốt trong lồng sắt tạo thành một hàng dài bao quanh chuồng. Lý giải điều này, ông Ngọc cho hay, bình thường trong đàn gà phải ghép 8 - 10 gà mái với 1 gà trống tỷ lệ trứng có phôi nở chỉ đạt 70%.

Việc nuôi gà theo kiểu này rất tốn diện tích, công việc vệ sinh chuồng trại khó khăn và việc phòng dịch cũng mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, với việc thụ tinh nhân tạo, 1 gà trống có thể "phục vụ" được từ 70-75 gà mái, tỷ lệ trứng có phôi đạt 90 - 95%, tỷ lệ gà nở 85 - 90%, cao hơn hẳn so với cách gà tự phối giống tự nhiên.

Để nâng cao giá trị sản phẩm, công ty của ông Ngọc đã đầu tư máy ấp sản lượng 1,5 vạn con gà con xuất chuồng/ngày. Hiện nay, thị trường tiêu thụ gà con trên khắp các tỉnh, thành cả nước. Với sản lượng trung bình hàng năm 45 vạn con, doanh thu của công ty ước đạt 4,5 tỷ đồng.

"Yếu tố quyết định là gia đình"

Trò chuyện với chúng tôi về hành trình trải qua rất nhiều gian nan trước khi thành công, ông Ngọc cho rằng, yếu tố quyết định nhất vẫn là gia đình.

"Phấn khởi vì tất cả các thành viên đều đồng lòng hướng về nông nghiệp, thấy nông nghiệp ở Việt Nam mãi mãi vẫn phát triển, chỉ là mình lựa chọn theo hướng nào thôi…" - ông Ngọc chia sẻ.

Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi, ông Ngọc cho rằng, muốn gà đẻ đều, chất lượng trứng tốt, con giống đẹp thì thức ăn cho gà phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng để gà mẹ khỏe mạnh. Thời tiết thay đổi, gà dễ bị loại dịch bệnh tấn công có thể gây chết hàng loạt hoặc giảm tỷ lệ đẻ trứng. Vì vậy, kỹ thuật chăm sóc và phòng ngừa dịch bệnh cho gà phải thực hiện nghiêm ngặt.

Không chỉ tự tay thiết kế thành công xưởng ấp, máy móc trong chuồng trại, giảm thiểu chi phí đầu tư, ông còn sáng chế men đặt tên là chế phẩm men sinh học đặc biệt "Ngọc Hoàng". Sau 7 ngày ủ men thành phẩm, một phần cho gà uống nước để kích thích hệ tiêu hóa. Phần còn lại, phun vào chuồng, con men ăn phân sẽ bị phân hủy luôn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem