Một số luận án tiến sĩ chưa tương xứng với bậc đào tạo nhưng vẫn được thông qua

Tào Nga Thứ ba, ngày 24/10/2023 12:11 PM (GMT+7)
Một vài đề tài, luận án tiến sĩ có hàm lượng khoa học chưa tương xứng với bậc đào tạo trình độ tiến sĩ nhưng vẫn được chấp nhận thông qua, tạo ra những ý kiến lo ngại, bức xúc trong dư luận xã hội.
Bình luận 0

Thực hiện Chương trình công tác năm 2023, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (Ủy ban) tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ. 

Triển khai chương trình, kế hoạch giám sát, Đoàn giám sát của Ủy ban đã yêu cầu các bộ, ngành trung ương và hơn 60 cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu báo cáo tình hình; tổ chức khảo sát thực tiễn tại 15 cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ. 

Tuy nhiên, đánh giá chung của Ủy ban, việc đánh giá chất lượng luận án tiến sĩ nói riêng, chất lượng đào tạo tiến sĩ nói chung không đồng đều trong toàn hệ thống, còn nhiều bất cập. Một số đơn vị, cơ sở đào tạo chưa tuân thủ nghiêm túc, chặt chẽ quy chế đào tạo. Có hiện tượng dễ dãi trong thành lập hội đồng đánh giá luận án; còn tình trạng nể nang. Quy trình đánh giá lại luận án còn nặng về thủ tục, hình thức và chưa thật sự phát huy hiệu quả. 

Một số luận án tiến sĩ chưa tương xứng với bậc đào tạo nhưng vẫn được thông qua - Ảnh 1.

Tính đến năm 2022, toàn hệ thống có 196 cơ sở đào tạo được phép đào tạo trình độ tiến sĩ. Ảnh minh họa: HN

Một vài đề tài, luận án tiến sĩ có hàm lượng khoa học, giá trị thực tế, phạm vi tác động hẹp chưa tương xứng với bậc đào tạo trình độ tiến sĩ nhưng vẫn được chấp nhận thông qua, tạo ra những ý kiến lo ngại, bức xúc trong dư luận xã hội. Tinh thần trách nhiệm, tính nghiêm minh, khách quan, việc ràng buộc trách nhiệm của các bên liên quan đối với bảo đảm chất lượng đào tạo tiến sĩ thể hiện trong quy định còn chưa chặt chẽ.

Tính đến năm 2022, toàn hệ thống có 196 cơ sở đào tạo được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, tăng 1,66 lần so với năm học 2014-2015, trong đó có 39 viện nghiên cứu, trường của tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang và trường của bộ, ngành với tổng số 267 ngành và 1.110 lượt ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.

Theo quy định hiện hành, quy trình đánh giá luận án tiến sĩ được thực hiện qua 3 bước: đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn; đánh giá, phản biện độc lập và bảo vệ luận án tại Hội đồng cấp cơ sở đào tạo (trường/viện). Nghiên cứu sinh có thể được bảo vệ lại (1 lần) luận án trong trường hợp không đạt yêu cầu trong thời gian không quá 6 tháng từ thời điểm bảo vệ luận án lần thứ nhất.

Về quy mô tuyển sinh và đào tạo, giai đoạn 2000-2022, các cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ đã thực hiện tuyển mới được 32.517 nghiên cứu sinh; tỉ lệ tuyển mới tăng gần 5,5 lần (từ 303 nghiên cứu sinh năm học 2000-2001 lên 1.661 người năm học 2021-2022). Quy mô đào tạo tăng gần 6 lần vào thời điểm cao nhất (năm học 2017-2018) và hiện gấp khoảng 3,5 lần so với thời điểm năm học 2000-2001. Số lượng nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình, được công nhận trình độ và cấp bằng tiến sĩ hằng năm ở giai đoạn này cũng tăng hơn 10,5 lần.

Báo cáo kết quả giám sát cũng đã chỉ ra, việc đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đại học nói chung, đào tạo trình độ tiến sĩ nói riêng còn thấp. Mặc dù tỉ trọng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học của Việt Nam giai đoạn 2018-2020 tăng từ 0,25% lên 0,27% GDP song còn thấp hơn nhiều so với khu vực và thế giới[1]. Chi phí đào tạo 1 tiến sĩ ở Việt Nam tại các trường đại học công lập hiện nay trung bình khoảng 16 triệu đồng/năm (trừ lĩnh vực khoa học sức khỏe, khoảng gần 32 triệu đồng/năm), thấp hơn rất nhiều so với chi phí đào tạo tiến sĩ ở một số nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, các cơ sở đào tạo tiến sĩ trong nước gặp rất nhiều khó khăn trong bảo đảm điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu sinh thực hiện nghiên cứu, tiếp cận với tài liệu, công bố khoa học mới nhất để tham khảo và nâng cao chất lượng luận án.

Cơ chế, chính sách học bổng và hỗ trợ kinh phí đào tạo cho nghiên cứu sinh của Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức. Ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, nghiên cứu sinh không những không phải đóng học phí mà còn được cấp học bổng với mức đủ bảo đảm chi phí sinh hoạt hằng tháng và kinh phí hỗ trợ cho việc hoàn thiện luận án tiến sĩ, thậm chí còn được nhận lương khi tham gia trợ giảng hoặc nghiên cứu cùng người hướng dẫn (như ở Mỹ, Hàn Quốc, Singapore…). 

Trong khi đó, nghiên cứu sinh ở Việt Nam vừa phải đóng học phí, vừa bị hạn chế tiếp cận các nguồn tài trợ nghiên cứu từ cơ sở đào tạo. Đồng thời, chưa có các chính sách hỗ trợ, thu hút người học tiến sĩ ở các ngành, lĩnh vực nghiên cứu khoa học tự nhiên và công nghệ rất cần thiết nhưng kén chọn người học, không hấp dẫn nghiên cứu sinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem