Hai nam thanh niên đang đấu vật tay phân định thắng thua. (Ảnh: Tất Định)
Trước con số thống kê này, PGS.TS. Nguyễn Xuân Thùy, Khoa Chấn thương Chỉnh hình II, Bệnh viện Việt Đức cho biết, tai nạn gãy tay trong lúc đấu vật tay nhập viện không phải hiếm gặp. Mỗi năm Khoa tiếp nhận khoảng chục ca, độ tuổi nhập viện chủ yếu là thanh niên. Đặc biệt, thỉnh thoảng Khoa cũng tiếp nhận những trường hợp nặng phải chỉ định mổ xếp xương, bó bột. Tuy nhiên, sau phẫu thuật không phải bệnh nhân nào cũng trở lại bình thường. Tay bệnh nhân có thể bị yếu. Họ có thể chỉ được phép vận động hoặc mang vác vật dụng nhẹ.
Theo PGS Thùy, tai nạn đấu vật tay tuy không nguy hiểm như tai nạn giao thông nhưng người chơi có thể liệt dây thần kinh quay, khiến bàn tay của người bệnh rũ xuống, các ngón tay không thể cử động được. Nếu bệnh nhân bị liệt thần kinh quay sẽ phải theo dõi, tập luyện trong thời gian dài cho tới khi hồi phục.
“Nếu tính về kinh tế, ước tính trung bình một ca phẫu thuật chi phí lên tới 15 triệu chưa kể người bệnh mất khả năng lao động trong thời gian dài”, BS Thùy chia sẻ.
Trong khi đó, TS.BS. Võ Tường Kha, Phó Giám đốc Bệnh viện Thể thao cảnh báo, phong trào thể dục thể thao có tính chất tự phát (đấu vật tay, nhảy dây….) ở Việt Nam đang lên cao. Những môn này hiện vẫn chưa có Luật thi đấu nên người tham gia rất dễ bị tai nạn.
TS.BS. Võ Tường Kha
Phó Giám đốc Bệnh viện Thể thao cho biết, đối với môn đấu vật tay rất dễ xảy ra chấn thương nếu người chơi không tương đồng về thể lực, tuổi tác.
Chẳng hạn, một người già (60 tuổi) đấu vật tay với thanh niên (20 tuổi) thì tất nhiên thanh niên trẻ, khỏe mạnh (đang ở độ tuổi trưởng thành về xương cốt) sẽ đánh bại đối phương. Đối phương có thể bị gãy xương nặng.
Cũng theo TS.BS. Võ Tường Kha, hiện nay rất nhiều người chơi trò đấu vật tay chỉ vì thách đố chứ không nhằm mục đích rèn luyện sức khỏe.
“Đối với những người một ăn một thua, chơi trò đấu vật tay cực kỳ nguy hiểm. Họ dùng hết sức để hạ đối phương. Do đó, chấn thương xảy ra là điều chắc chắn”, bác sĩ Kha lo ngại.
Ngoài ra, vật tay sai tư thế hoàn toàn có thể dẫn đến trật khớp, bong gân, thoát vị đĩa đệm, gãy xương tay..
Lãnh đạo Bệnh viện Thể thao lý giải, trò vật tay huy động rất nhiều cơ, khớp như: Cơ lưng, cơ ngực, cơ vai, cơ cẳng tay, khớp vai, cột sống, cánh tay, các khớp tay…Do đó, nếu ngồi tư thế không phù hợp lưng có thể kéo căng và vặn lưng, làm giảm tính đàn hồi ở khe giữa cột sống. Lúc này cột sống sẽ bị chấn thương do đĩa đệm không còn mềm mại, vòng sụn bên ngoài bị xơ hóa, rạn nứt và có thể rách. Trên cơ sở đó nếu có một lực tác động mạnh vào cột sống (chấn thương, gắng sức trong lúc vật tay...) sẽ chèn ép vào cột sống gây thoát vị đĩa đệm.
Lãnh đạo Bệnh viện Thể thao khuyến cáo, thể dục thể thao vận động rất tốt cho sức khỏe. Mọi người có thể chơi một số môn ngay cả môn tự phát như đấu vật tay. Tuy nhiên, chơi trò này phải tuân thủ các nguyên tắc như: Tương đồng về tuổi tác, thể lực; Thiết bị thi đấu phải chuẩn (bàn ngồi tương ứng với trọng lượng và chiều cao); Người chơi phải ngồi đúng tư thế; Nịt cổ tay, tránh chật khớp; Người chơi phải khởi động thật kỹ trước khi vật tay.
Qua thực tế, BS. Kha thấy những trường hợp bị gãy tay chủ yếu do không phải vận động viên. Trong khi đó, những người tập luyện thể thao chuyên nghiệp không gặp phải tai nạn này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.