Mùa đông trong tương lai sẽ ấm nóng và rút ngắn hơn, khả năng tuyết rơi giảm (ảnh minh họa)
Theo các nhà khoa học của Cơ quan môi trường châu Âu (EFA), năm 2050, hiện tượng ấm lên toàn cầu, nóng kéo dài có thể khiến 3/4 sông băng của châu Âu tan ra. Đến năm 2080, hầu hết các nước châu Âu có thể sẽ không còn mùa đông. Mùa hè nắng nóng, hạn hán, mưa đá sẽ xảy ra thường xuyên.
Tại Việt Nam, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, nhiệt độ trung bình toàn quốc từ tháng 5-9/2016 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C. Đặc biệt, nửa đầu tháng 12 năm nay, nhiệt độ tại Hà Nội cao hơn tới 4 độ C so với cùng kì năm ngoái. Và so với mức nhiệt độ của tháng 12 trong 10 năm qua, đây là mức cao kỉ lục.
Thông thường, ở khu vực Bắc Bộ từ tháng 12 hằng năm trở đi, những đợt gió mùa tràn về, thời tiết chuyển rét, có nơi rét đậm, rét hại. Nhưng năm nay, có gió mùa về, người dân vẫn cảm nhận thấy thời tiết ngột ngạt, nắng gắt và hanh khô.
Nhiều người cũng đang lo ngại trong tương lai không xa, Việt Nam có thể cũng sẽ không còn mùa đông, thời tiết nắng nóng. Việc này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống con người, cây trồng, vật nuôi.
Trao đổi với PV, ông Mai Văn Khiêm – Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Hiện chưa có cở sở khoa học nào để đưa ra nhận định mùa đông ở Việt nam sẽ biến mất trong tương lai”.
Theo ông Khiêm, nghiên cứu của Ủy ban Liên minh Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) và nghiên cứu ở Việt Nam đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu chỉ khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên, làm cho mùa đông trong tương lai ấm hơn, thời gian rút ngắn hơn so với hiện nay. Các đợt nắng nóng có nhiều khả năng xuất hiện với tần suất nhiều hơn và khắc nghiệt hơn.
Ông Lưu Minh Hải – Giám đốc Đài KTTV Lào Cai cho biết thêm: “Dự báo không còn mùa đông năm 2080 là ở Châu Âu còn ở Việt Nam thực tế là chưa có một nghiên cứu hay dự báo nào “siêu dài” như thế. Tôi nghĩ trong những năm tới, Việt Nam vẫn sẽ có mùa đông”.
Tuy nhiên, theo ông Hải, do ảnh hưởng của El Nino nên những năm tới, chu kì của mùa hè dài ra còn mùa đông thì ngắn lại. Mùa đông năm nay cũng đến muộn và có thể kết thúc sớm hơn so với mọi năm.
Ông Hải lo ngại, sự nóng lên của trái đất, trong tương lai không xa cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới Sa Pa- nơi tuyết rơi nhiều nhất tại Việt Nam. Khả năng tuyết rơi sẽ giảm xuống hoặc có thể rơi bất thường, không theo một quy luật nào dẫn đến khó khăn trong công tác dự báo.
“Thời tiết ấm nóng, tuyết ít rơi khiến du lịch, dịch vụ ở Sa Pa sẽ giảm. Một số cây trồng, rau màu đặc trưng của vùng lạnh bị mất đi. Tuy nhiên, đối với người dân ở vùng cao lại không bị ảnh hưởng nhiều đến đời sống, sản xuất”, ông Hải phân tích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.