Ngày 1.9 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt các đối tượng trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) PVN.
Đồng thời, quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt, khám xét đối với Ninh Văn Quỳnh - nguyên Kế toán trưởng, hiện nay là Phó tổng giám đốc PVN và Nguyễn Xuân Thắng - nguyên Thành viên HĐTV PVN. 2 nguyên Thành viên HĐTV khác của PVN là Nguyễn Thanh Liêm và Vũ Khánh Tường của cũng bị khởi tố, khám xét và cấm đi khỏi nơi cư trú.
Việc khởi tố, bắt giữ và khám xét trên là một phần của quá trình điều tra mở rộng (giai đoạn II) đại án OceanBank, trong đó đáng chú ý là cơ quan công an xác định ông Ninh Văn Quỳnh và các đối tượng trên đã có hành vi Cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc PVN góp vốn điều lệ vào OceanBank.
Một trong những mấu chốt quan trọng nhất để xác định xem các nguyên lãnh đạo PVN có “gây thiệt hại 800 tỷ đồng” khi góp vốn vào OceanBank hay không nằm ở việc: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có đúng không khi mua lại OceanBank với giá 0 đồng.
Theo giải trình từ phía NHNN, năm 2013, cơ quan này đã gửi phương án cơ cấu lại OceanBank giai đoạn 2013 – 2015, yêu cầu OceanBank chỉnh sửa bổ sung và khắc phục nội dụng yếu kém còn tồn tại, đề nghị OceanBank gửi kết quả khắc phục về NHNN. Đồng thời, không xem xét mở rộng chi nhánh, ngân hàng đại diện, mở các công ty con, liên kết…
Theo kết luận thanh tra năm 2014, vốn điều lệ của OceanBank là 4.000 tỷ đồng. Nợ xấu tại thời điểm 31/3/2014 là hơn 14.923 tỷ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ của nhà băng này. Lợi nhuận trước thuế lỗ lũy kế hơn 10.188 tỷ đồng, bằng gần 250% vốn chủ sở hữu, tức âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần.
Cơ sở quan trọng nhất để NHNN mua lại OceanBank với giá 0 đồng chính nằm ở việc OceanBank “âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần”, nôm na là NHNN mua OceanBank với giá 0 đồng là “chịu lỗ nặng”.
Thế nhưng OceanBank có âm vốn thật không?
Phản pháo từ Hà Văn Thắm tại phiên tòa đại án OceanBank ngày 1/9 vừa qua cho thấy một góc nhìn khác so với kết luận thanh tra của NHNN.
Theo bị cáo Hà Văn Thắm, khi OceanBank được kết luận có nợ xấu trên 14.000 tỷ, ông Thắm đã báo cáo lên NHNN. Thống đốc sau đó có triệu tập đoàn thanh tra, đại diện OceanBank lên báo cáo. Ông Thắm cho biết có làm văn bản, có dẫn chứng, trích lục, hoá đơn, chứng từ. Oceanbank sau đó làm việc với khách hàng đã tất toán 8.000 tỷ rồi, chỉ còn 6.000 tỷ và cam kết sẽ tiếp tục tất toán nốt.
“Trích lập dự phòng không có nghĩa là lỗ. Đa số các khoản nợ của Oceanbank đều có tài sản đảm bảo”, bị cáo Hà Văn Thắm nêu quan điểm.
Cần lưu ý thêm rằng, sở dĩ OceanBank bị kết luận lỗ lũy kế hơn 10.000 tỷ, dẫn đến âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần chủ yếu là do trích lập dự phòng nợ xấu theo đúng quy định. Tình hình “lỗ thật” còn phụ thuộc vào tình trạng tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu.
Tại phiên tòa, ông Thắm nêu ví dụ về trường hợp của công ty Trung Dung. Trong kết luận thanh tra thì khoản nợ của Trung Dung tài sản đảm bảo chỉ khoảng 134 tỷ, tuy nhiên, theo Hà Văn Thắm, tài sản đảm bảo cao hơn rất nhiều. Nguyên nhân là trong hợp đồng tín dụng có ghi rõ bên thế chấp sẽ phải thế chấp các quyền lợi liên quan. Theo bị cáo Thắm, những khoản phát sinh từ tài sản thế chấp của khoản này trong ba năm qua đã được hơn 200 tỷ và OceanBank có quyền thu lại khoản này.
“Tới tháng 3/2016, số nợ xấu OceanBank còn khoảng 4.900 tỷ đồng, trong đó có khoản nợ Trung Dung là 500 tỷ - đây là khoản nợ xấu xấu nhất tại Oceanbank. Nói chung theo bị cáo nghĩ chỉ mất ngàn mấy đến 2 ngàn tỷ thôi. Theo giám định của NHNN, bị cáo không đồng ý cho lắm, OceanBank không bị âm vốn chủ sở hữu, không xấu như trong kết luận Thanh tra NHNN”, bị cáo Thắm cho hay.
Một cách công bằng, theo luật, các ngân hàng phải trích lập dự phòng theo đúng quy định và OceanBank không nằm ngoài các quy định này. Tuy nhiên, nhìn sang các ngân hàng khác, có thể thấy nhiều ngân hàng có nợ xấu rất lớn mà nếu trích lập dự phòng theo đúng quy định thì lỗ nặng, thậm chí âm vốn chủ sở hữu.
Các trường hợp này đều đang được NHNN cho phép giãn lộ trình trích lập dự phòng để có thêm thời gian xử lý tài sản bảo đảm cũng như huy động nguồn lực tài chính bù đắp một phần hao hụt do nợ xấu, tránh tình trạng vốn điều lệ xuống dưới mức quy định, hoặc âm vốn chủ sở hữu, nguy cơ phá sản hoặc bị mua lại bắt buộc với giá 0 đồng (hay một mức giá tượng trưng khác).
Nhưng kể cả khi OceanBank bị lỗ lũy kế, khiến vốn chủ sở hữu âm thì nếu PVN có thể bán lại khoản vốn góp với giá 800 tỷ (thậm chí thấp hơn), việc khép tội “Cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc PVN góp vốn điều lệ vào OceanBank” với các nguyên lãnh đạo PVN khó có thể xảy ra.
Tại phiên tòa 1.9 vừa qua, Hà Văn Thắm cho biết, khi có Nghị định giảm tỷ lệ góp vốn của các doanh nghiệp tại TCTD tối đa từ 20% xuống 15%, ông Thắm đã trao đổi với đại diện PVN. Theo đó, ông Thắm đề nghị PVN không cần bán bớt vốn mà ngân hàng sẽ nâng vốn điều lệ lên 5.300 tỷ, khi đó, vốn góp của PVN sẽ tự động giảm xuống 15%. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó đã không thành công.
“PVN sau đó cũng cho biết có chủ trương thoái hết vốn tại ngân hàng. Bị cáo đã ngồi thương thảo với một doanh nghiệp Singapore và một doanh nghiệp Việt Nam, họ đã gửi văn bản cho PVN đề nghị mua lại 20% vốn với số tiền 800 tỷ đồng. Bị cáo đã báo cáo trực tiếp Thủ tướng. Ông Đỗ Văn Hậu sau đó làm văn bản gửi lên Chính phủ và được đồng ý cho bán”, bị cáo Thắm cho biết.
Lời khai của Hà Văn Thắm cần kiểm chứng, nhưng rõ ràng lời khai ông Thắm đưa ra cho thấy góc nhìn khác về hệ lụy có thể có từ động thái mua lại OceanBank với giá 0 đồng.
Trong phiên tòa hồi tháng 3, trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử về số tiền 800 tỷ từng là khoản vốn góp đầu tư của PVN tại OceanBank nhưng nay đã mất trắng, đại diện ủy quyền Tổng Giám đốc PVN, luật sư Hoàng Văn Dũng cho rằng quyết định mua lại OceanBank với giá 0 đồng là quyết định đơn phương của NHNN, không phải là sự thỏa thuận.
Mâu thuẫn từ lâu đã nhen nhóm. Với việc khởi tố các nguyên lãnh đạo PVN do “gây thiệt hại 800 tỷ đồng”, chắc chắn mâu thuẫn giữa NHNN và PVN trong việc OceanBank bị mua lại với giá 0 đồng sẽ ngày càng lớn và bộc phát. Quyết định mua lại ngân hàng với giá 0 đồng sẽ được lật lại tính pháp lý cũng như mổ xẻ mức độ phù hợp với tình hình ngành ngân hàng thời điểm đó.
Kình Dương (Vietnamfinance)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.