Mưa lũ lịch sử vừa qua, Nam Bộ đối diện hạn hán và xâm nhập mặn

Triệu Quang Thứ sáu, ngày 16/08/2019 15:55 PM (GMT+7)
Chuyên gia thời tiết cho rằng, gió mùa Tây Nam được tạo bởi khối không khí lạnh ở Nam bán cầu chính là nguyên nhân gây mưa lũ cho các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ vừa qua.
Bình luận 0

img

Mưa lũ lịch sử đầu tháng 8/2019 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ. Ảnh CAND.

Một đợt mưa lũ bất thường

Mới đây, những ngày đầu tháng 8, các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ đã trải qua một đợt mưa lũ khủng khiếp gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nhiều nơi lượng mưa đo được đã thiết lập các mốc lịch sử.

Cụ thể, tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), trung bình trong 10 ngày đầu tháng 8 hàng năm lượng mưa chỉ khoảng 111mm nhưng 10 ngày đầu tháng 8 năm nay, lượng mưa đo được là 402mm.

Tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), tổng lượng mưa trung bình mỗi năm khoảng 2.800mm nhưng chỉ trong 10 ngày đầu tháng 8 năm nay, lượng mưa trung bình đã lên tới 1.167mm, bằng gần một nửa so với lượng mưa cả năm. Đây cũng là số liệu mưa đo được cao nhất trong lịch sử quan trắc tại đây từ năm 1978 đến nay.

Báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, mưa lũ ở Tây Nguyên và Nam Bộ đã khiến ít nhất 10 người chết; hàng ngàn ngôi nhà bị hư hỏng; hoa màu, gia súc, gia cầm bị cuốn trôi… Ước tính thiệt hại ban đầu hơn 1.000 tỷ đồng.

Lý giải về nguyên nhân gây ra đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, TS Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, tình trạng mưa lũ lớn ở các tỉnh phía nam trong thời gian qua là do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam.

img

TS Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia

Về nguồn gốc của gió mùa Tây Nam, ông Lâm cho hay, có 2 nguồn gốc. Thứ nhất, gia đoạn tháng 5 và 6 hàng năm, gió mùa Tây Nam xuất phát từ trung tâm áp thấp Ấn Độ - Myanmar hút gió từ Bắc Ấn Độ Dương qua vịnh Bengan vào nước ta.

Thứ hai, giai đoạn từ tháng 6 trở đi, gió mùa Tây Nam xuất phát từ cao áp cận chí tuyến bán cầu Nam hoạt động mạnh (được tạo ra bởi khối không khí lạnh ở phía Nam bán cầu). Khi vượt qua vùng biển xích đạo, khối khí này trở nên nóng ẩm hơn, gây mưa lớn và kéo dài cho các vùng đón gió ở Tây Nguyên và Nam Bộ.  

“Đợt mưa lớn ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ vừa qua là do gió mùa Tây Nam gây ra bởi nguồn gốc thứ 2, từ Nam bán cầu đi lên. Tại Nam bán cầu trong những ngày vừa qua, liên tiếp có những đợt gió mùa tràn qua nước Australia. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Australia có tuyết rơi dày đặc, bang Victoria phải đưa ra cảnh báo đặc biệt nguy hiểm do gió mạnh và tuyết dày.

Gió mùa hoạt động mạnh ở Australia, thổi vượt qua xích đạo làm cho gió mùa Tây Nam ở khu vực Việt Nam, biển Đông liên tục mạnh, gây mưa to đến rất to trên diện rộng ở Tây Nguyên và Nam Bộ, trong đó có đảo Phú Quốc”, TS Lâm chia sẻ.

Ngoài việc gió mùa Tây Nam năm nay hoạt động mạnh hơn so với các năm trước cùng thời kỳ, ông Lâm cho biết thêm, cùng thời điểm này còn tồn tại một dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Nam Trung Bộ và một vùng hội tụ gió ngay trên khu vực Tây Nguyên và phía nam Lào. Tương tác của gió mùa Tây Nam mạnh và dải hội tụ nhiệt đới phát triển đã tạo ra những cơn mưa cực lớn ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ.

Mùa mưa kết thúc sớm, hạn hán và xâm nhập mặn tấn công Nam Bộ

TS Hoàng Phúc Lâm cho biết thêm, theo dự báo mới nhất, mùa mưa ở Nam Bộ năm nay có thể kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Cụ thể, các năm trước, mùa mưa ở Nam bộ thường kết thúc vào khoảng ngày 15/10 thì năm nay có thể trong những ngày đầu tháng 10 mùa mưa đã kết thúc.

Tuy nhiên, ông Lâm nhấn mạnh: “Không phải mùa mưa kết thúc thì sẽ hết mưa, mà mùa mưa kết thúc có nghĩa là các đợt mưa liên tục và kéo dài nhiều ngày như chính mùa sẽ không còn nhưng vẫn có những đợt mưa ngắn 3 -5 ngày. Thậm chí, nếu có tác động của xoáy thuận nhiệt đới (ATNĐ/bão) thì ở Nam Bộ vẫn cần phải đề phòng hiện tượng mưa lớn”.

Theo ông Lâm, do mùa mưa kết thúc sớm nên dự báo, đỉnh lũ năm 2019 trên sông Cửu Long (tại trạm Tân Châu và Châu Đốc) ở mức thấp hơn năm 2018. Tổng lượng dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông về khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm, đặc biệt sau tháng 9/2019. Lượng mưa giảm nhanh dẫn đến dòng chảy vùng trên sông cũng suy giảm nhanh.

img

Hạn hán và xâm nhập mặn có thể đến sớm với khu vực Nam Bộ. Ảnh minh họa.

Trong mùa mùa khô năm 2019-2020, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Nguy cơ cao xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ, tình trạng xâm nhập mặn có thể diễn ra rất sớm từ đầu mùa khô năm 2019-2020.

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia cảnh báo, các địa phương ở ĐBSCL nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.

Chuyên gia lý giải nguyên nhân gây mưa lũ đang hoành hành Tây Nguyên và Nam Bộ

Mưa to cộng với nước sông lên cao đã khiến lũ quét, sạt lở đất diễn ra nhiều nơi ở Tây Nguyên và Nam Bộ, gây thiệt...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem