Mưa lũ ở Quảng Ninh: Dành dụm nhiều năm, trắng tay sau vài giờ

Hoàng Anh Tuấn Thứ năm, ngày 30/07/2015 07:23 AM (GMT+7)
Mưa lớn trút xuống Quảng Ninh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại và đang tiếp tục gây ra ngập lụt, sạt lở, lũ quét... Nhiều nông dân ở đây nhiều năm dành dụm, nay đã trắng tay chỉ sau một vài giờ....
Bình luận 0

Trắng tay vì mưa lũ

Mặc dù lượng mưa đã giảm và nước đã rút, nhưng trong sáng (29.7) thành phố Hạ Long vẫn còn hàng trăm nhà dân bị ngập chìm, nhiều khu dân cư biến thành đầm lầy. Do tuyến đường từ Hà Khánh dẫn vào khu dân cư giáp ranh giữa 3 phường Hà Khánh – Hà Lầm – Cao Thắng bị tê liệt, chúng tôi phải đi tắt qua khu chợ phường Hà Lầm. Từ cầu nước mặn (Hà Lầm) đến khu vực cống Hai Cô (phường Hà Khánh) dài chừng hơn 1km nhưng mặt đường sình lầy dầy hơn 20cm. Ông Nguyễn Thanh Bình - Bí thư Chi bộ khu phố 2, phường Hà Khánh cho biết: Thời điểm lũ về, toàn bộ khu dân cư 3 phường ngập sâu từ 2-5m, lên tận nóc nhà. Riêng 300 hộ dân khu 2 phải nhờ lực lượng cứu hộ mang áo phao vào ứng cứu. Do lũ về đột ngột nên toàn tài sản của toàn bộ dân cư nơi đây bị nước nhấn chìm.

img

Đàn cá trong ao nuôi trôi theo nước lũ khiến gia đình anh Nguyễn Văn Hải (phường Cao Thắng, TP.Hạ Long) trở nên trắng tay. Ảnh:  H.A.T

Lội nước cao ngang người từ ngôi nhà của mình ra, anh Đàm Thanh Diệp (phường Cao Thắng) rầu rĩ: “Ao nuôi cá và tài sản vợ chồng tôi có được từ hơn chục năm nay đã trôi theo nước, giờ lại hoàn trắng tay”. Hàng chục hộ chạy dọc đường nhà Thắng đều chung tình cảnh. Nói về tác nhân gây ngập lụt nặng nề, anh Nguyễn Văn Hải ở phường Cao Thắng cho rằng do cống thoát nước Hai Cô bị hỏng, dự án mương thoát nước cánh đồng Bãi Muỗi ở tổ 79, khu 9 vừa xong nhưng lại thu hẹp mương thoát. Tại nơi đây sáng 29.7 có hàng chục chiến sĩ bộ đội đến giúp dân khai thông các tuyến đường bị ách tắc do ứ đọng bùn lầy.  

Phường Mông Dương (TP. Cẩm Phả) - nơi bị ngập nặng nhất trong trận mưa đầu có 3 mẹ con thiệt mạng- đến sáng 29.7 tiếp tục xảy sự cố Đập nước 790 lớn treo trên đầu hàng trăm hộ dân bị suy yếu trầm trọng, nguy cơ bị vỡ cao. Chính quyền Cẩm Phả phải di dời toàn bộ người dân khu 4 phía dưới.

Cũng trong sáng 29.7, ở huyện đảo Vân Đồn đã gây ra sạt lở 400m mái ta luy làm hơn 2.000m3 đất đá đổ tràn xuống đường gây chia cắt giao thông giữa Cẩm Phả với Vân Đồn; 30m vai đập hồ Lòng Dinh đang thi công đã bị vỡ; gần 1.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản và  300ha nuôi nhuyễn thể bị chết, thiệt hại lên đến hơn 100 tỷ đồng… Ở huyện Hoành Bồ: 91ha lúa và hoa màu bị ngập lụt và bồi lấp, diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hại là 25,3ha; vỡ 10m đê địa phương và đập bị đất đá bồi lắng hơn 600m3. Ở TP.Móng Cái khoảng 100ha đầm nuôi thủy sản bị ngập bờ, 600ha lúa mùa mới gieo cấy bị ngập úng. 5 ao cá giống rộng khoảng 1ha của Trạm lưu giữ cá qua mùa đông thuộc Trung tâm KHKT Sản xuất giống thủy sản Quảng Ninh bị ngập.

Tăng lực lượng, phương tiện cứu hộ

Với lượng mưa đo được trong 4 ngày (từ  25 đến 28.7) bằng cả tháng 7 cộng lại khiến nhiều địa phương của Quảng Ninh chìm trong biển nước; giao thông bị chia cắt, khắp nơi đất đá sạt lở; số người chết đã lên tới 17 và mất tích 6; thiệt hại về kinh tế hàng nghìn tỷ đồng… 

Với thiệt hại quá lớn, tỉnh Quảng Ninh liên tục đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và Bộ Công an tăng cường lực lượng và phương tiện cứu hộ, vận chuyển nhu yếu phẩm và di chuyển dân, giải quyết vấn đề giao thông bị ách tắc. Tỉnh đã dừng tất cả các công việc để tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả do mưa lũ. Tất cả lãnh đạo tỉnh đến các địa phương để chỉ đạo, xử lý khắc phục hậu quả. Trước mắt, tỉnh Quảng Ninh đã trích ngân sách tỉnh 15 tỷ đồng để hỗ trợ 3 địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn; hỗ trợ thân nhân các trường hợp bị chết do ảnh hưởng của mưa lũ với mức 6 triệu đồng/người và hỗ trợ toàn bộ chi phí mai táng; hỗ trợ 3 triệu đồng/người bị thương. 

Tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ngày 29.7, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương lưu ý các địa phương miền núi phía Bắc cần đặc biệt đề phòng sạt lở đất, lũ ống lũ quét; vùng đồng bằng cần đề phòng ngập úng. Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã chỉ đạo các đơn vị và lực lượng huy động hơn 2.800 cán bộ, chiến sĩ, dân quân, với 73 phương tiện tham gia sơ tán 1.166 hộ ở tỉnh Quảng Ninh (khoảng 3.600 người) từ khu vực ngập lụt, sạt lở đến nơi an toàn. Về phía địa phương, Quảng Ninh đã di dời 134 hộ dân khỏi vùng nguy hiểm và cung cấp lương thực, thực phẩm nước uống và nhu yếu phẩm cần thiết  cho nhân dân.      


Phi Long

Ngày 29.7, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã quyết định cứu trợ khẩn cấp bước đầu tiền và hàng trị giá 160 triệu đồng cho tỉnh Quảng Ninh.   Cụ thể: Hỗ trợ 3 triệu đồng cho thân nhân mỗi người thiệt mạng; và 200 thùng hàng gia đình (chăn, màn, thùng đựng nước, bộ đồ nấu ăn, viên khử khuẩn Aquatabs).     

H.D

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem