1.200 hồ chứa xuống cấp nghiêm trọng
Theo thống kê, cả nước đã đầu tư xây dựng 6.648 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 702 hồ chứa lớn. Hồ chứa nước thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần ổn định phát triển bền vững tài nguyên nước.
Tràn xả lũ Nam Thạch Hãn (Quảng Trị) bị hư hỏng nghiêm trọng, xói lở tạo hàm ếch rất lớn, gây mất an toàn hồ đập nhưng chưa được sửa chữa vì thiếu vốn. Ảnh: N.V
Hiện cả nước có khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp, các hình thái xuống cấp của 1.200 hồ chứa thủy lợi chủ yếu là thấm thân đập, nứt tràn xả lũ, hư hỏng cống lấy nước, xói lở tiêu năng… Chỉ tính riêng trong năm 2017, đã xảy ra sự cố ở 23 hồ, đập trên địa bàn 11/45 tỉnh có hồ. |
Tuy nhiên, phần lớn các đập tạo hồ chứa thủy lợi đều là đập đất, xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước. Do hạn chế về kỹ thuật và vốn đầu tư, tuổi đời đã quá lâu nên đã xảy ra hoặc tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố.
Hiện cả nước có khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp, các hình thái xuống cấp của 1.200 hồ chứa thủy lợi chủ yếu là thấm thân đập, nứt tràn xả lũ, hư hỏng cống lấy nước, xói lở tiêu năng… Chỉ tính riêng trong năm 2017, đã xảy ra sự cố ở 23 hồ, đập trên địa bàn 11/45 tỉnh có hồ.
Những năm qua, công tác bảo đảm an toàn hồ đập, hồ chứa thủy lợi được các bộ ngành, các địa phương đặc biệt quan tâm. Trong đó, các giải pháp công trình rất được quan tâm, chú trọng. Cụ thể, đối với 1.200 hồ chứa hiện đang hư hỏng, có 40 hồ chứa được đưa vào danh mục đầu tư trong dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập của Ngân hàng Thế giới trị giá 433 triệu USD. Tuy nhiên, 750 hồ chứa còn lại chưa được bố trí nguồn vốn.
Nhận định diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu và sự suy giảm của chất lượng rừng, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng yêu cầu, đối với những hồ, đập đã quá xuống cấp, Tổng cục Thủy lợi phải chủ động phương án không tích nước, thậm chí phải tính đến phương án phá đập tràn trước mùa mưa lũ. Cần chú trọng việc phân cấp quản lý trong bối cảnh địa phương, phải dành nguồn lực nhất định để củng cố năng lực quản lý sau đó phân cấp trở lại đúng hướng, nếu không đủ năng lực thì không phân cấp.
Bên cạnh đó, cần phải làm ngay việc thực hiện kiểm tra đánh giá tất cả các hồ đập. Các tỉnh lớn như Thanh Hóa, Nghệ An, Đăk Lăk phải tổ chức kiểm tra, đánh giá khối lượng lớn các hồ đập, với các hồ đập có nguy cơ cao yêu cầu phải tập trung hơn.
Ngay trước thời điểm mưa lũ, Tổng cục Thủy lợi đã có các đoàn đi kiểm tra đánh giá các hồ đập tại nhiều địa phương trong những tháng đầu năm 2018. Sau khi đi kiểm tra tình hình an toàn hồ chứa tại các địa phương, ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đánh giá: Các địa phương đã chủ động, quyết liệt trong việc chuẩn bị để ứng phó trước mùa mưa lũ.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của ông Tỉnh, trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay và trong bối cảnh khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường Tổng cục đã đề nghị các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát, đánh giá lại tất cả tình hình về an toàn hồ chứa trên địa bàn. Những công trình cũng như hạng mục công trình hư hỏng, xuống cấp cần phải bố trí kinh phí của địa phương để tu sửa, nâng cấp.
Đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân ở vùng hạ du là một trong những đòi hỏi cấp thiết. Đề cập đến vấn đề này, ông Tỉnh yêu cầu địa phương phải chú trọng kiểm tra về hệ thống thông tin liên lạc để thông báo cho người dân ở vùng hạ du cũng như có những phương án chủ động di dời dân trong những tình huống xả lũ.
Đối với những hồ chứa không đảm bảo an toàn thì tuyệt đối không tích nước. Các công trình đang thi công cần phải chuẩn bị sẵn sàng những điều kiện để thi công chủ động vượt lũ.
500 tỷ đồng để nâng cấp hồ chứa
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đăng Hà – Vụ trưởng Vụ An toàn đập, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) khẳng định, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý hỗ trợ 500 tỷ đồng cho các địa phương có nhiều hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp và các địa phương có khó khăn về kinh tế.
“Dự kiến sẽ có 83 hồ chứa của 28 tỉnh thành được nâng cấp sửa chữa ngay. Vì vậy, các địa phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo thời gian thi công ngắn nhất, đưa công trình vào sử dụng. Đồng thời trong quá trình thi công phải đảm bảo về chất lượng, kỹ thuật và hiệu quả đầu tư”- ông Hà thông tin.
Vấn đề đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy lợi trước mùa mưa bão đã được Bộ NNPTNT quan tâm và chỉ đạo đốc thúc các địa phương. Ông Nguyễn Đăng Hà cho hay ngay từ cuối tháng 3, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã ban hành chỉ thị yêu cầu tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2018.
Bộ trưởng nhấn mạnh việc phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền các cấp trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn công trình thủy lợi. Đồng thời, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật, xử lý kiên quyết đối với các đơn vị không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn.
Các địa phương cần xây dựng, phê duyệt phương án ứng phó thiên tai cho công trình và vùng hạ du đập, hồ chứa nước; tổ chức hướng dẫn, diễn tập phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp, đặc biệt là vùng hạ du các đập, hồ chứa nước xung yếu.
Ông Nguyễn Đăng Hà cũng cho rằng, một nội dung quan trọng nữa là phải cập nhật thường xuyên thông tin vận hành hồ chứa. “Chúng ta phải duy trì cơ chế cập nhật thông tin, tối thiểu 1 lần/ngày khi không có mưa, lũ và 15 phút một lần với hồ chứa thuộc quy trình liên hồ, 3 lần/ngày đối với các hồ chứa thủy lợi lớn khác khi có mưa lũ trên trang điện tử thu thập thông tin điều hành hệ thống thủy lợi của Tổng cục Thủy lợi.
“Phát hiện sớm nguy cơ gây mất an toàn”
Tình hình an toàn đập trong những năm vừa qua diễn biến hết sức nghiêm trọng, mặc dù đã có nhiều nỗ lực quản lý nhưng cũng rất may là chưa có sự cố ảnh hưởng đến con người. Với bối cảnh thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay, với sự điều tiết của rừng cũng suy giảm, việc đảm bảo an toàn đập luôn đòi hỏi phải có hành động cụ thể.
Chủ tịch UBND các tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các hoạt động đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn; thường xuyên theo dõi, kiểm tra đập, hồ chứa nước trước, trong và sau mùa mưa lũ nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình.
Ông Hoàng Văn Thắng – Thứ trưởng Bộ NNPTNT
Xây dựng phương án ứng phó
Tổng cục Thủy lợi vừa có công văn gửi các Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ năm 2018. Theo đó, các Sở NNPTNT tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình thuỷ lợi trên địa bàn; thống kê các công trình có nguy cơ mất an toàn trong mùa lũ năm 2018; xây dựng phương án ứng phó thiên tai trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện. Các công trình có nguy cơ mất an toàn phải báo cáo UBND tỉnh, thành phố, Bộ NNPTNT và Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai để có phương án xử lý kịp thời.
Ông Nguyễn Đăng Hà – Vụ trưởng Vụ An toàn đập, Tổng cục Thủy lợi
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.