Tết Nguyên đán 2025: Mua sắm online lên ngôi, cửa hàng truyền thống "lao đao"

Thái Nguyễn Thứ năm, ngày 16/01/2025 14:43 PM (GMT+7)
Người dân ngày càng ưu tiên mua sắm trực tuyến thay vì đến cửa hàng theo cách truyền thống. Đặc biệt, dịp sát Tết Nguyên đán 2025, khi đường phố trở nên đông đúc, mua sắm online không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn mang lại sự thuận tiện vượt trội.
Bình luận 0

Người dân thích mua sắm trực tuyến để "tránh tắc đường"

Hoạt động mua sắm trực tuyến ngày càng sôi động vào những ngày cận Tết Nguyên đán 2025. Đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết online gia tăng, các sàn thương mại điện tử lớn như: TikTok Shop, Shopee, Lazada "chạy đua" tung ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho Tết từ các mặt hàng thực phẩm, thời trang, đồ gia dụng,... Cùng với đó, kèm thêm những ưu đãi miễn phí vận chuyển, giảm giá sản phẩm khi mua số lượng lớn, đa dạng phương thức thanh toán để kích cầu.

Ngoài các chương trình "Mua 1 tặng 1", giảm giá lên tới 70%,... các sàn điện tử cũng đưa ra những ưu đãi với tính năng cụ thể như: Giá cước vận chuyển 0 đồng, đổi hàng trong 5 - 7 ngày, hủy đơn hàng dễ dàng, quét mã QR nhận thưởng, săn hàng đồng giá,… nhằm thu hút khách hàng.

Chị Thùy Dương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) - người thường xuyên mua sắm trực tuyến cho biết, bản thân là một nhân viên văn phòng nên việc mua hàng chủ yếu là phương thức online. Đây là cũng là thói quen của chị Dương suốt nhiều năm gần đây.

"Tôi làm ở cơ quan từ sáng đến chiều muộn, nếu phải ra ngoài sắm Tết thì rất ngại. Đặc biệt dịp cận Tết tình trạng tắc đường thường xuyên khiến việc đi mua sắm mất nhiều thời gian. Mua sắm online được miễn phí giao hàng thì tội gì phải ra tận nơi mua sắm", chị Dương chia sẻ.

Chị Dương cũng cho biết, mua sắm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử vào các dịp Lễ, Tết lại có nhiều ưu đãi. Các chủ shop thường sẽ có các đợt giảm giá sản phẩm và nhất là các mặt hàng cần thiết như: bánh kẹo, thực phẩm,...

Mua sắm trực tuyến "áp đảo" thị trường truyền thống dịp Tết Nguyên đán 2025 - Ảnh 1.

Hoạt động mua sắm trực tuyến ngày càng sôi động trên các sàn thương mại điện tử vào những ngày cận Tết Nguyên đán 2025

Đồng quan điểm, anh Thái Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, việc mua sắm trực tuyến giúp những người làm việc văn phòng như anh tiết kiệm được thời gian ra ngoài mua sắm, nhất là giai đoạn cuối năm.

"Mua hàng trực tuyến hiện nay vừa rẻ lại tiện hơn khi đến những cửa hàng truyền thống hay siêu thị. Hàng hóa cũng đảm bảo chất lượng, nếu không hài lòng thì có thể hoàn trả. Quan trọng nhất là thuận tiện và tránh phải đi ra đường vào thời điểm sát Tết, thường rất tắc đường", anh Sơn chia sẻ.

Những ngày cận Tết Nguyên đán 2025, số đơn mua hàng trực tuyến tăng mạnh, các shipper luôn là những người bận rộn, thường phải làm việc từ sáng sớm tới tận khuya.

Anh Mai Tiến Thành (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, từ trước Tết Dương lịch năm nay, anh cùng các đồng nghiệp thường phải làm việc tăng ca từ 6h sáng cho đến 10h đêm. Điều này do số lượng đơn giao hàng tăng mạnh so với ngày thường.

"Vài năm gần đây, cứ vào dịp Tết là những người giao hàng như chúng tôi đều phải làm từ sáng sớm đến khuya, vừa là công việc bận rộn cũng như tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Điện thoại thường trong tình trạng nóng máy, vì liên tục các cuộc gọi không ngừng nghỉ. Có những ngày làm việc không có thời gian ăn nghỉ và có hôm 10h tối vẫn chưa về nhà là chuyện bình thường", anh Thành chia sẻ.

Cửa hàng truyền thống lo ngại vì xu hướng mua sắm trực tuyến

Trái ngược với khung cảnh sôi động trên các chợ thương mại điện tử, thời điểm này, các chợ truyền thống, siêu thị lại vắng người mua, nhiều mặt hàng kinh doanh, buôn bán thường rơi vào tình trạng ế ẩm.

Khảo sát của phóng viên Dân Việt tại một số tuyến phố chuyên kinh doanh mặt hàng trang trí Tết như: Hàng Mã, Lương Văn Can,… cho thấy, sản phẩm trang trí Tết Nguyên đán 2025 được các cơ sở sản xuất trong nước đầu tư cải tiến mẫu mã, mang đến sự mới lạ cho thị trường. Tuy nhiên, các tiểu thương có chung lo ngại là tình trạng ế ẩm tiếp diễn.

Mua sắm trực tuyến "áp đảo" thị trường truyền thống dịp Tết Nguyên đán 2025 - Ảnh 2.

Còn khoảng 10 ngày là đến Tết Nguyên đán 2025, nhưng không khí mua sắm đồ trang trí Tết diễn ra ảm đạm. Ảnh: Thái Nguyễn

Bà Lan Hương, chủ cửa hàng bán lẻ trên phố Hàng Lược cho biết, một vài năm gần đây người dân đến mua sắm Tết ít hơn trước rất nhiều, nhất là từ sau dịch Covid-19.

"Các cửa hàng trên phố bây giờ khó bán hơn trước rất nhiều, khách qua lại chủ yếu là đi chơi Tết, chụp ảnh, hưởng không khí là chính. Số lượng khách mua không nhiều, chủ yếu là những người trung tuổi trở lên họ còn hay mua. Còn giới trẻ hiện nay tôi thấy là thích mua hàng trực tuyến hơn", bà Hương chia sẻ.

Mua sắm trực tuyến "áp đảo" thị trường truyền thống dịp Tết Nguyên đán 2025 - Ảnh 3.

Không khí sắm Tết ảm đạm cũng len lỏi vào một số hệ thống siêu thị mặc dù hiện bước vào cao điểm mua sắm. Ảnh: Thái Nguyễn

Ông Vũ Vinh Phú, Nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho biết, những năm gần đây, xu hướng mua sắm trực tuyến "lên ngôi" do phương thức bán hàng giúp các chủ kinh doanh không tốn mặt bằng thuê cửa hàng, bớt chi phí nhân công và còn quảng bá sản phẩm đến gần với khách hàng hơn.

"Việc cắt giảm nhiều chi phí giúp so với bán hàng trực tiếp, nên giá các mặt hàng bán online cũng có thể thấp hơn so với hàng mua trực tiếp. Mua hàng trực tuyến hiện nay khi nhận hàng, người mua có thể kiểm tra, ưng ý mới trả tiền là điểm cộng lớn cho mô hình bán hàng online", ông Phú nhận định.

Đặc biệt, ông Phú nhận định, xu hướng mua hàng trực tuyến sẽ khiến nhiều chủ cửa hàng truyền thống phải chuyển đổi phương thức kinh doanh đa dạng hơn, từ đó, tạo sự cạnh tranh trên thị trường. Những người tiêu dùng sẽ là người có lợi khi những chủ kinh doanh bắt buộc phải tạo ra uy tín mới giữ chân được người mua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem