Ủy ban ATGT Quốc gia: Bất cập giao thông không phải do Nghị định 168
Ủy ban ATGT Quốc gia: Bất cập giao thông không phải do Nghị định 168
Thế Anh
Thứ năm, ngày 16/01/2025 08:07 AM (GMT+7)
TS. Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (ATGT), khẳng định Nghị định 168 đã đi đúng hướng và các bất cập phát sinh trên đường sau khi Nghị định có hiệu lực không xuất phát từ chính Nghị định.
Từ ngày 1/1/2025, khi Nghị định 168/2024 của Chính phủ có hiệu lực, ý thức người tham gia giao thông cải thiện rõ rệt, tình trạng vượt đèn đỏ giảm đáng kể.
Trao đổi với PV Dân Việt, TS. Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, nhấn mạnh: "Các vấn đề ùn tắc giao thông phát sinh sau khi Nghị định 168 có hiệu lực chủ yếu do hạ tầng".
Thưa ông, việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Quan điểm của ông thế nào?
- Có thể khẳng định, từ khi Nghị định 168 có hiệu lực, ý thức của người tham gia giao thông đã cải thiện rõ rệt. Trước đây, tại các ngã tư đèn đỏ, tình trạng vượt đèn diễn ra phổ biến, nhưng nay hầu như không còn.
Hiệu quả này xuất phát từ việc tăng mức phạt vi phạm. Người dân dần hình thành văn hóa tham gia giao thông an toàn hơn. Các lỗi như vượt đèn đỏ, đi xe trên vỉa hè, đi ngược chiều, hoặc dùng điện thoại khi lái xe bị phạt từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, khiến nhiều người cân nhắc, nhiều người đã biết sợ và tuân thủ hơn.
Có ý kiến cho rằng, mức xử phạt vi phạm quá cao so với thu nhập của người dân, ông có quan điểm gì về vấn đề này?
- Các mức xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 168 đã được xây dựng đúng lộ trình, đảm bảo đủ sức răn đe để duy trì trật tự an toàn giao thông. Việc áp dụng các quy định này không chỉ nâng cao ý thức của người tham gia giao thông mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho chính họ và những người xung quanh.
Nếu không tuân thủ các quy tắc an toàn giao thông, xung đột tại các điểm giao cắt dễ xảy ra, gây tắc đường, lãng phí thời gian và tiền bạc. Để tránh bị phạt nặng, người dân cần nghiêm túc chấp hành luật và các quy định giao thông.
Như ông đề cập, ý thức của người tham gia giao thông được nâng cao kể từ khi Nghị định 168 có hiệu lực. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông vẫn đang diễn ra?
- Trước khi Nghị định 168 có hiệu lực, ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân còn kém, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, nơi mật độ phương tiện cao và ùn tắc thường xuyên. Tình trạng coi thường luật, lưu thông tùy tiện diễn ra phổ biến, thậm chí ngay trước mặt CSGT vẫn có người vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. Đây là nguyên nhân chủ quan dẫn tới các vụ tai nạn giao thông.
Về khách quan, do hạ tầng giao thông còn chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng phương tiện giao thông, tốc độ tăng trưởng của kinh tế xã hội.
Nghị định 168 có hiệu lực, đã đi đúng hướng. Những bất cập phát sinh trên đường kể từ khi Nghị định có hiệu lực không xuất phát từ chính Nghị định.
Khi ý thức người dân được cải thiện nhưng ùn tắc và tai nạn vẫn xảy ra, nguyên nhân cần được đánh giá rõ ràng. Vấn đề hiện nay nằm ở hạ tầng giao thông, đòi hỏi quy hoạch bổ sung quỹ đất cho giao thông, bãi đỗ xe, và mở rộng các làn đường để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Một vấn đề quan trọng khác là phát triển giao thông thông minh và vận tải hành khách công cộng chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của người dân. Việc thu hút người dân chuyển từ sử dụng phương tiện cá nhân sang vận tải công cộng không chỉ giúp giảm ùn tắc mà còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, cần tổ chức giao thông hợp lý, rà soát và điều chỉnh các biển báo, đèn tín hiệu giao thông sao cho lắp đặt đúng vị trí, dễ nhìn, dễ quan sát. Những yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện giao thông và nâng cao ý thức, hành vi của người dân.
Người dân khi tham gia giao thông ai cũng muốn đi đúng làn đường quy định để đảm bảo an toàn, nhưng có những tình huống bất khá kháng, phát sinh khiến họ vi phạm giao thông. Muốn xây dựng văn hóa giao thông, cần phải xử lý được các bất cập, tồn tại.
Sắp tới các cơ quan quản lý cần làm những gì để văn hóa giao thông được nâng cao hơn nữa, thưa ông?
- Theo tôi, ý thức và văn hóa giao thông cần được duy trì liên tục và trở thành thói quen của mỗi người.
Như đã đề cập, cần tập trung phát triển hạ tầng giao thông từ các tuyến quốc lộ, cao tốc đến đô thị, đồng thời đẩy mạnh vận tải công cộng và quản lý hiệu quả nhu cầu giao thông.
Lực lượng chức năng cần thực thi pháp luật nghiêm minh, công bằng, minh bạch, có tình có lý để tạo sự đồng thuận và ý thức tự giác từ người dân. Bên cạnh đó, cần tăng cường sử dụng hệ thống giám sát bằng camera và áp dụng xử phạt nguội thông qua hình ảnh để đảm bảo tính răn đe và hiệu quả quản lý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.