Mua thêm 110 máy bay, Ấn Độ quyết "ăn thua đủ" với Trung Quốc

Thứ năm, ngày 12/04/2018 08:32 AM (GMT+7)
Không quân Ấn Độ đề xuất với New Delhi rằng, nước này cần thêm 110 máy bay chiến đấu mới để đối phó với khả năng “lưỡng đầu thọ địch” với Trung Quốc và Pakistan.
Bình luận 0

Ấn Độ từ lâu đã quan ngại khả năng “lưỡng đầu thọ địch” với Trung Quốc và Pakistan. New Delhi đang đẩy mạnh tốc độ hiện đại hóa quân đội để đối phó với sự lớn mạnh nhanh chóng, đặc biệt là của Trung Quốc. Theo Times of India, Không quân Ấn Độ (IAF) đang đề xuất kế hoạch mua hơn 100 máy bay chiến đấu mới trị giá hàng chục tỷ USD.

Theo đề xuất, 75% trong số 110 máy bay là loại một chỗ, còn lại là 2 chỗ. Ngoài ra, Ấn Độ muốn 15% máy bay được sản xuất tại quốc gia bán, số còn lại chuyển giao công nghệ để lắp ráp tại Ấn Độ. Đây là một phần trong kế hoạch “sản xuất tại Ấn Độ” mà chính phủ đã thông qua trước đây.

img

Ấn Độ muốn mua thêm 110 máy bay để thay thế MiG-21. Ảnh: Defense Update.

Theo Bloomberg, máy bay đầu tiên có thể chuyển giao cho Ấn Độ trong vòng 3 năm kể từ ngày ký hợp đồng. Tổng giá trị thương vụ này có thể lên đến 20 tỷ USD, đưa nó trở thành một trong những hợp đồng mua bán máy bay lớn nhất thế giới.

Các nhà thầu quốc phòng muốn tham gia chương trình phải phản hồi các yêu cầu của Không quân Ấn Độ trước ngày 6.7. Yêu cầu chính thức có thể được phê duyệt trong vòng 6-12 tháng kể từ khi nhận được phản hồi của nhà thầu.

Ấn Độ đã lên kế hoạch ngưng hoạt động 10 phi đội MiG-21 và MiG-27 vào năm 2022. Do đó, Không quân Ấn Độ cần thêm khoảng 400 máy bay chiến đấu mới trong thời gian tới. Không quân Ấn Độ đang vận hành 31 phi đội chiến đấu, mỗi phi đội có 18 máy bay. IAF muốn có ít nhất 42 phi đội để đảm bảo chống lại cuộc chiến tranh từ 2 phía.

New Delhi bắt đầu tìm kiếm máy bay chiến đấu mới từ năm 2007. Chương trình MMRCA dự định mua sắm tới 126 máy bay chiến đấu trị giá 11 tỷ USD. Tuy nhiên, chương trình này đã bị hủy bỏ vào năm 2015, vì quá trình đàm phán chuyển giao công nghệ với đối tác Pháp bất thành.

Ấn Độ sau đó chọn giải pháp mua 36 tiêm kích Rafale như một cứu cánh cho chương trình. Quá trình giao hàng sẽ diễn ra trong giai đoạn 2019-2022. Nhiều người lo ngại chương trình mua sắm 110 chiến đấu cơ mới có thể rơi vào vết xe đổ của chương trình MMRCA.

Quốc Minh (Kiến Thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem