Sáu đám cưới của thanh niên người Chứt với người Kinh vừa được tổ chức như sáu câu chuyện cổ tích của đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre. Sau gần 30 năm họ được Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đưa từ hang đá trên dãy núi Trường Sơn ở biên giới Việt-Lào về định cư ở bản Rào Tre dưới chân núi Ka Đay, xã Hương Liên.
Đám cưới của chàng trai người Chứt Hồ Sỹ và cô gái người kinh Nguyễn Thị Thành Vinh. Ảnh: H.A
Trên đường dẫn phóng viên vào bản, thiếu tá Nguyễn Văn Thiên-Tổ trưởng tổ công tác Rào Tre, Đồn biên phòng Bản Giàng (Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh) chia sẻ: “Dù nhiều năm ra sống hòa nhập với người Kinh nhưng người Chứt ở đây không biết tới những tác hại của hôn nhân cận huyết thống, họ vẫn “hồn nhiên” lấy nhau dù là anh em cùng trong họ tộc. Con sinh ra không được khỏe mạnh, thậm chí khuyết tật, họ vẫn cho là do ông trời”.
Nhưng hai năm lại nay câu chuyện hủ tục hôn nhân cận huyết ở bản Rào Tre đã có sự thay đổi. Những chàng trai của dân tộc Chứt đã vượt rừng về với “thế giới văn minh”. Còn thanh niên người Kinh dám vượt qua mọi định kiến những trăn trở của người thân để xây đắp hạnh phúc cùng thanh niên dân tộc Chứt. Chúng tôi đến thăm nhà ông bà Hồ Sen khi trong vườn những cây mận đã chớm nở nụ trắng phau.
Nhà Hồ Sen nhộn nhịp, đông vui hơn cả ngày Tết vì gia đình ông bà đón nàng dâu từ dưới xuôi về và có đông đủ quan viên hai họ. “Câu chuyện về chú rể Hồ Sỹ (con trai của ông bà Hồ Sen) kết duyên cùng cô gái Nguyễn Thị Thành Vinh ở thôn Chi Lệ, xã Sơn Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh như một câu chuyện cổ tích”-cô giáo tình nguyện cắm bản Nguyễn Thị Thanh Toàn-Trường tiểu học Hương Liên nói. “Năm nay Hồ Sỹ đã bước sang tuổi 41 nhưng mới lập gia đình. Chuyện lấy vợ của Sỹ cũng rất cực. Được học hành nên Sỹ biết nếu kết duyên với gái bản cùng họ hàng sẽ ảnh hưởng tương lai con cái, nhưng để “xé rào” không hề đơn giản. Nhiều lần Sỹ vượt rừng đi tìm hạnh phúc nhưng đành ôm “gối” về không. Sỹ là học trò của tôi nên biết tính cách cũng như nghị lực của em vì vậy tôi đã liên lạc với bạn bè ở TP.Hà Tĩnh tìm và xin cho Sỹ vào làm thợ tại một Trung tâm dạy nghề. Sau hơn một năm làm việc ở đây từ chuyến vượt rừng này Hồ Sỹ quen biết với chị Vinh. Họ đã tổ chức đám cưới trong niềm hân hoan, vui mừng của bà con bản làng.
Tộc người Chứt hồi sinh
Với những chàng trai, cô gái dân tộc Chứt bước ra làm dâu, rể lần đầu tiên sống cùng nhà với người Kinh. Chị Hồ Thị Kiên-Trưởng bản của đồng bào Chứt ở bản Rào Tre cho biết: “Cả bản có 42 hộ với 146 nhân khẩu, trong đó nữ chỉ có 69 người. Sự chênh lệch giới tính ở mức báo động, đặc biệt trước đây người Chứt chúng tôi ít học, không đi ra nên chủ yếu trong bản cùng họ hàng lấy nhau. Nhưng giờ đây có sự thay đổi lớn, người Chứt đã biết hòa nhập với thế giới bên ngoài để phát triển giống nòi khi thanh niên trong bản đã kết hôn với người Kinh”.
Cũng theo trưởng bản Hồ Kiên, khi mới về lập bản ở Rào Tre ngoài vấn đề hôn nhân cận huyết thì người Chứt vẫn còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu như tin vào thần linh, thầy mo, thầy cúng trong việc chữa bệnh, sinh nở...Tuy nhiên, nhờ có bộ đội Biên phòng đưa cả trạm Quân dân y lên thực hiện 4 cùng với dân bản (cùng ăn, ở, nói và cùng làm) đã xóa được các tập lạc hậu này.
Sau một ngày rong ruổi trên bản Rào Tre với những câu chuyển đổi thay, những gam màu tươi sáng chúng tôi chia tay bà con dân bản xuống núi khi mặt trời đã gác núi.
Nhưng hai năm lại nay câu chuyện hủ tục hôn nhân cận huyết ở bản Rào Tre đã có sự thay đổi. Những chàng trai của dân tộc Chứt đã vượt rừng về với “thế giới văn minh”. Còn thanh niên người Kinh dám vượt qua mọi định kiến những trăn trở của người thân để xây đắp hạnh phúc cùng thanh niên dân tộc Chứt.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.