Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa có báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 10.2017 với những thông tin lạc quan. Trong đó, chỉ số công nghiệp tháng 10 có mức tăng trưởng vô cùng ấn tượng, +17%, mức cao nhất 33 tháng và nếu loại trừ yếu tố mùa vụ thì đây là mức tăng cao nhất nhiều năm. Công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực chính kéo tăng trưởng chung với mức tăng +22.3%, cao nhất 8 tháng và gấp 2 lần tăng trưởng của cùng kỳ 2016.
Bên cạnh đó Khai khoáng quay lại tăng trưởng dương cũng là một nhân tố giúp đẩy cao tăng trưởng toàn ngành. Ngành Khai khoáng tăng +2,1% sau 22 tháng giảm nhờ Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên tăng +3.7%.
Sản lượng khai thác dầu thô tháng 10 ước tính đạt 1,12 triệu tấn, dù có tăng nhẹ so với tháng 9 nhưng vẫn giảm -5.1% so với tháng 10.2016. Sản lượng khai thác khí tháng 10 đạt 910 triệu m3, tăng mạnh +21.3% và đây là nguyên nhân chính giúp ngành Dầu khí có tăng trưởng dương.
Trong tháng 10, Bộ Công thương đã dừng thị trường phát điện cạnh tranh để ưu tiên sử dụng nhiệt điện khí, nhờ đó khai thác khí đã tăng mạnh. Khi thị trường điện cạnh tranh quay lại vận hành từ tháng 11, mức tăng trưởng cao của ngành dầu khí sẽ khó được duy trì.
“Trong báo cáo tháng 9 chúng tôi dự báo ngành Điện tử sẽ tiếp tục là trụ cột tạo tăng trưởng cao cho ngành Chế biến chế tạo. Thực tế tháng 10 tăng trưởng của ngành sản xuất điện tử đã lập đỉnh mới ở +70% nhờ các mặt hàng như Điện thoại và Tivi được tập trung sản xuất để xuất khẩu ra toàn cầu”, SSI cho biết.
Sản lượng điện thoại di động sản xuất trong tháng 10 đạt 19.4 triệu chiếc, dù giảm nhẹ so với tháng 9 (19,7 triệu chiếc) nhưng vẫn tăng +24.9%, tương tự sản lượng ti vi đạt 1,14 triệu chiếc, tăng +20.9%.
“Giá trị xuất khẩu điện thoại tháng 10 đạt kỷ lục 5 tỷ USD, trong khi đó giá trị nhập khẩu linh kiện điện thoại và điện tử duy trì xấp xỉ bằng tháng trước, hứa hẹn sản lượng sản xuất trong tháng 11 sẽ tiếp tục ở mức cao”, SSI nhận định.
Bên cạnh điện thoại và sản phẩm điện tử, một số mặt hàng công nghiệp khác cũng có tăng trưởng tốt như Sản phẩm cao su và plastic, Dệt, Hóa chất, Dược phẩm. Ngược lại, sản xuất xe có động cơ tiếp tục giảm sút.
Nếu như các ngành cao su, hóa chất, dược được hưởng lợi một phần từ giá dầu thì sự phục hồi của ngành Dệt là đáng chú ý. Chỉ số sản xuất ngành Dệt đã tăng lên 17% trong tháng 10, mức cao nhất kể từ đầu năm (không tính đến yếu tố mùa vụ). Cùng với đó chỉ số tồn kho tháng 10 tiếp tục giảm xuống dưới 0 tháng thứ 2 liên tiếp.
Khác với ngành Dệt, sản xuất kim loại có sự khởi đầu đầy hứng khởi vào đầu năm nhưng đà tăng đang chậm lại rõ rệt dù đã có thêm nhà máy thép mới của Formosa.
Chỉ số bán lẻ tháng 10 tiếp tục tăng lên 9,4%, mức cao nhất 21 tháng. Chỉ số bán lẻ có thể được coi là chỉ báo sớm cho tăng trưởng của ngành Bán buôn bán lẻ, ngành có tỷ trọng lớn nhất trong lĩnh vực Dịch vụ.
“Với chỉ số bán lẻ tăng cao, tăng trưởng quý 4 của ngành Bán buôn bán lẻ gần như chắc chắn sẽ bằng hoặc cao hơn quý 3, từ đó kéo tăng trưởng GDP nói chung. Dẫu vậy, chất lượng của chỉ số bán lẻ cũng như tăng trưởng của ngành Bán buôn bán lẻ vẫn là một vấn đề cần xem xét”, SSI bình luận.
Nhìn ở góc độ tích cực, chỉ số bán lẻ hồi phục cùng chỉ số sử dụng lao động cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh cải thiện đã tạo thêm công ăn việc làm và nhờ đó tăng sức cầu tiêu dùng.
Những ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng cao là Điện tử, Kim loại và May mặc. Với mức tăng 15%, ngành Điện tử là ngành có chỉ số sử dụng lao động lớn nhất.
Việc thu hút FDI đã thúc đẩy tăng trưởng từ cả phía cung lẫn phía cầu và vì vậy hiệu ứng lan tỏa từ phía cầu là một nhân tố cần cân nhắc khi đánh giá tác động của việc thu hút FDI trong thời gian qua cũng như trong tương lai.
Tổng hợp các số liệu vĩ mô tháng 10, SSI tiếp tục lạc quan với tăng trưởng của quý IV. Động lực tăng trưởng chính đến từ ngành Điện tử cùng với sự hồi phục của một số ngành công nghiệp, bao gồm cả khai khoáng. Mục tiêu 6.7% tưởng chừng như rất khó khăn nhưng sau 10 tháng theo chúng tôi đã trở nên rất gần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.