Bi hài chuyện cô dâu chú rể ghi luôn số tài khoản, in mã QR để khách dự cưới "quét" tiền mừng

Gia Khiêm Thứ sáu, ngày 30/09/2022 07:30 AM (GMT+7)
PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển cho rằng việc cô dâu, chú rể công khai số tài khoản, in mã QR làm mất đi sự tinh tế trong giao tiếp, ứng xử.
Bình luận 0

Bi hài chuyện cô dâu chú rể ghi luôn số tài khoản chuyển tiền mừng cưới

Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội đã lan truyền hình ảnh một số đám cưới có ý tưởng lạ lùng về cách thức nhận tiền mừng cưới. Theo đó, thay vì để khách mừng tiền bằng hình thức truyền thống như trước kia, một số cặp đôi cô dâu chú rể đã đặt mã QR ở cửa vào. Như vậy, khách mời chỉ cần vài thao tác là đã có thể hoàn thành việc mừng cưới. 

Bi hài chuyện cô dâu chú rể ghi luôn số tài khoản, in mã QR để khách dự cưới "quét" tiền mừng - Ảnh 1.

Việc các cặp đôi công khai số tài khoản khi báo hỷ nhận được sự quan tâm, tranh luận của nhiều người. Ảnh chụp màn hình.

Hay có trường hợp mời cưới trên Facebook nhưng đăng kèm cả số tài khoản ngân hàng. Việc mừng cưới theo phong cách "lạ" này nhận được sự quan tâm của dư luận cùng một số ý kiến trái chiều. Một số cộng đồng mạng hưởng ứng cách nhận tiền mừng cưới hiện đại "đỡ phải đếm đếm ghi ghi cho mệt mà cũng không tốn phong bì". Ngược lại, không ít người cho rằng việc dùng mã QR hay đăng công khai số tài khoản ngân hàng của cô dâu chú rể khiến việc mừng cưới bị biến chất, tăng tính thực dụng trong khi nhiều người còn từ chối nhận tiền mừng.

"Nếu người mừng có lòng họ sẽ tự động hỏi số tài khoản qua tin nhắn hoặc nhờ người khác gửi hộ. Tôi thấy việc đưa số tài khoản lên Facebook và 'để đây để mọi người ở xa tiện chuyển khoản' cứ thế nào ấy. Ăn cưới chuyển khoản là chuyện bình thường nhưng đưa hẳn số tài khoản lên Facebook, tôi cảm giác như ép buộc vậy…", chị Mai Loan một bạn đọc chia sẻ. 

Bi hài chuyện cô dâu chú rể ghi luôn số tài khoản, in mã QR để khách dự cưới "quét" tiền mừng - Ảnh 2.

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển. Ảnh: NVCC

Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, ông PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển cho rằng, đám cưới đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người, đem đến cho họ niềm vui và hi vọng. Mừng cưới là một hành động bày tỏ sự chúc phúc tới cô dâu, chú rể và gia đình của họ. Đây là một nét đẹp văn hóa đáng trân trọng đã có từ thời xưa bởi người Việt luôn chia sẻ với nhau mọi buồn vui trong cuộc sống. Niềm vui được chia sẻ đó là niềm vui được nhân đôi. 

Ông Đức cho hay, xưa nay việc mừng cưới luôn được người Việt thực hiện một cách ý nhị và tinh tế, gửi gắm qua những chiếc phong bì và lời chúc phúc bên ngoài. Theo thời gian, đám cưới có nhiều thay đổi trong các nghi lễ tổ chức, hình thức mời khách, mừng cưới. 

"Công khai số tài khoản cá nhân để mừng cưới tiện lợi quá, tiện lợi đến mức hơi thô thiển"

Có nhiều người không chỉ ghi số tài khoản trên trang cá nhân mà còn in thẳng vào thiệp mời. Ông Đức cho rằng, việc công khai số tài khoản cá nhân khi mời cưới là không nên. Làm như vậy là mất đi sự tinh tế trong giao tiếp, ứng xử.

Cô dâu, chú rể sẽ được nhận đồ lưu niệm hoặc những vật dụng thiết thực để chuẩn bị cho một tổ ấm hạnh phúc mới như chiếc khăn mùi xoa, bộ cốc chén, chiếc nồi nhôm… Sau này, khi kinh tế phát triển, nhu cầu của con người càng ngày càng cao hơn, nhiều người đã quy quà mừng thành phong bì. Tuy thay đổi về hình thức nhưng hành động này vẫn nhằm gửi lời chúc mừng tới với cô dâu, chú rể.

Bi hài chuyện cô dâu chú rể ghi luôn số tài khoản, in mã QR để khách dự cưới "quét" tiền mừng - Ảnh 3.

Cặp đôi in hẳn mã QR để khách đến mừng cưới. Ảnh: MXH

"Nếu thời kỳ bao cấp mọi người thường mừng cưới cô dâu chú rể bằng quà như chậu, phích, xoong, nồi, chăn, gối… sau này khi kinh tế phát triển có người thậm chí còn mừng xe máy hay vàng… biểu hiện tình cảm, trân trọng, thân tình thông qua những vật được mừng. Tất nhiên những quà mừng có giá trị kinh tế, tiêu dùng nhưng còn mang tính chất biểu tượng văn hoá, tình cảm đẹp giữa mọi người với những cặp vợ chồng trẻ, mong hạnh phúc đến với họ", ông Đức bày tỏ.

Theo ông Đức, sau này, khi kinh tế phát triển, nhu cầu của con người càng ngày càng cao hơn, nhiều người đã quy quà mừng thành phong bì. Tuy thay đổi về hình thức nhưng hành động này vẫn nhằm gửi lời chúc mừng tới với cô dâu, chú rể. Việc này về hình thức thể hiện sự trân trọng nhưng mang tính chất kín đáo chúc phúc cho các cặp đôi nên duyên vợ chồng. 

"Bây giờ cũng là tiền nhưng tôi thấy việc công khai số tài khoản cá nhân khi mời cưới hay mã quét QR công nghệ quá, tiện lợi quá, tiện lợi đến mức hơi thô thiển. Tôi cũng chưa tìm lấy điều gì xúc động hay rung động qua hình thức chuyển khoản. Tôi cảm thấy mất đi điều gì đó chân tình, quý trọng, tinh tế, tế nhị. Bên cạnh đó, giá trị tinh thần của việc này không nhìn thấy hay đong đếm được", ông Đức nêu quan điểm. 

Ngoài ra, ông Đức cũng nhận thấy, ngày nay nhiều người khi tổ chức đám cưới thì nảy sinh tâm lý tính toán, so đo. Nhiều người cảm thấy không vui khi nhận về khoản tiền mừng cưới đúng bằng số tiền cách đây nhiều năm mình đã mừng khách.

"Người mừng và người được mừng cũng nên tế nhị. Việc mừng lại cũng là quý nên chia sẻ với nhau. Hiện không ít đám cưới chạy theo thị trường làm mâm cao cỗ đầy, thừa thãi gây lãng phí. Theo tôi việc cưới xin nên phù hợp, tiết kiệm miễn sao mọi người đẹp lòng với nhau sẽ tốt hơn rất nhiều", ông Đức chia sẻ thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem