Muôn chiêu lách thuế của giới buôn bán hàng qua mạng
Muôn chiêu lách thuế của giới buôn bán hàng qua mạng
An Linh
Chủ nhật, ngày 07/08/2022 06:00 AM (GMT+7)
Kể từ khi cơ quan thuế rà soát các nghĩa vụ thuế đối với kinh doanh trên mạng hoặc nền tảng xuyên biên giới, nhiều chiêu thức và mánh khoé lách thuế của giới buôn hàng trên mạng đã được thực hiện.
Theo chị Nguyễn Anh Thư (Cầu Giấy, Hà Nội), trước đây khi đặt hàng khách hàng thường được thanh toán chịu ship, trả qua đơn vị giao nhận (hình thức ship COD). Tuy nhiên, hiện nay, khách hàng được yêu cầu trả tiền trước, giao hàng sau.
Điều này nhằm mục đích né truy thuế từ cơ quan thuế địa phương thông qua các đơn vị trung gian giao hàng, thu phí như bưu điện, giao hàng nhanh…
Ngoài ra, hiện nay người bán hàng qua các kênh thương mại điện tử như Facebook, Youtube, Zalo, Tiktok đều lập nhóm riêng hoặc lập ra các hội nhóm kinh doanh cùng mặt hàng, sau đó chia sẻ hoá đơn cho nhau…
Ngoài ra, tránh cơ quan thuế rà soát và thu của người bán hàng. Người bán hàng hiện còn mở nhiều tài khoản ở các ngân hàng khác nhau, thậm chí còn dùng tài khoản của người thân để nhận tiền hàng nhằm xé nhỏ đơn hàng, lách rà soát của cơ quan thuế.
Theo tìm hiểu, hiện rất nhiều nhóm kín kinh doanh các mặt hàng được lập ra để phục vụ mục đích share đơn hàng, bán chung để tránh sự nhòm ngó của cơ quan thuế địa phương.
Ngoài ra, các kênh live stream bán hàng cũng không đưa tài khoản ngân hàng lên ghim để cho khách hàng mua bán và chuyển tiền vào. Khách khi đặt đơn hàng, đều được yêu cầu inbox (nhắn tin riêng). Các tài khoản của người bán hàng sử dụng khác nhau, để tránh sự truy soát của cơ quan thuế.
Theo chuyên gia từ Hiệp hội tư vấn thuế, việc luồn lách các hình thức thanh toán có thể qua mặt được cơ quan chức năng trước mắt nhưng về lâu dài điều này khó có thể qua mặt được cơ quan chức năng khi mà các đơn vị Thuế địa phương đã liên kết với các ngân hàng, các tổ chức tài chính đề phối hợp rà soát.
"Việc cá nhân kinh doanh trên mạng sử dụng nhiều tài khoản của mình và cả tài khoản của người thân sẽ dễ bị phát hiện bởi cơ quan thuế sẽ rà soát nguồn đầu ra, đầu vào và khi phát hiện bất thường, có thể truy hành vi trốn thuế", chuyên gia của Hiệp hội tư vấn thuế nhấn mạnh,
Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, trong đó có 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài. Số lượng khách hàng truy cập các sàn trung bình mỗi ngày khoảng 3,5 triệu lượt.
Thực tế, để hạn chế việc các cá nhân bán hàng trên mạng lách thuế, cần chuyển thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) tại nguồn đối với các giao dịch thương mại điện tử.
Điều này có nghĩa là các chủ sở hữu sàn thương mại điện tử sẽ có trách nhiệm khai và nộp thuế thay cho người bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn. Đây cũng là đề xuất nhiều lần của Tổng cục Thuế và các đơn vị thuế địa phương về quản lý các trường hợp né thuế, lách thuế.
Để tăng tính thực thi, cần sửa đổi các chính sách liên quan, trong đó có Luật thuế GTGT, Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.