Công bằng mà không… công bằng
Từ mùa giải này, Liên đoàn Bóng đá châu Âu chính thức áp dụng luật Tài chính công bằng, một “phát minh” của chủ tịch Michel Platini. Đạo luật này nói một cách dễ hiểu là hạn chế tối đa việc các đội bóng nằm trong tầm kiểm soát của những cá nhân là tỉ phú mà M.C hay Chelsea là những trường hợp điển hình. Mục tiêu của Platini là tạo nên sự “bình dân hóa”, giúp các đội bóng nhỏ có thể vươn lên và san lấp khoảng cách với những đội áp dụng chính sách “lấy… tiền đè người”.
|
M.C sẽ bảo vệ thành công danh hiệu vô địch giải ngoại hạng Anh? |
Nhưng thực tế cho thấy, luật Tài chính công bằng chẳng thể mang lại sự công bằng như Platini mong muốn. Bằng chứng là ở giải ngoại hạng Anh, chỉ cần nhìn vào sự chuẩn bị nhân lực của các đội trong mùa hè là đủ thấy, có tiền vẫn khác. M.C mới chỉ có 1 sự bổ sung đáng kể ở tuyến giữa mang tên Jack Rodwell(đến từ Everton) nhưng đã tỏ ra quá mạnh so với phần còn lại. Trong khi các đội khác, dù có danh tiếng hay không cũng rất chi ly trong việc mua, bán cầu thủ dù đội hình của họ không có chiều sâu như Man “xanh”.
Không những vậy, do các đội bóng lớn không còn muốn phá giá trong thời kỳ suy thoái kinh tế, những đội cỡ trung bình khá trở xuống cũng mất cơ hội có được sự ổn định khi không còn ai đánh tiếng mua các ngôi sao tiềm năng của họ với giá cao. Bởi thế, giàu vẫn hoàn giàu mà nghèo vẫn cứ nghèo, khoảng cách đẳng cấp giữa các đội bóng rất khó san lấp.
M.C vô đối
Mùa hè này, ở giải ngoại hạng Anh, tích cực tăng cường lực lượng nhất là Arsenal khi họ mang về rất nhiều hảo thủ như Giroud, Podolski hay Cazorla. HLV Wenger dường như đã quá quen với việc bị “rút ruột” ở những mùa qua nên ông chuẩn bị kỹ cho việc chủ công kiêm thủ quân Van Persie ra đi. Và cuối cùng, Van Persie cũng đi thật bởi nếu anh có ở lại, Arsenal có lẽ cũng không còn cần anh nữa.
Manchester United (M.U) có được Van Persie để “chia lửa” cùng Rooney, nhưng điều đó là quá ít nếu họ đặt tham vọng lấy lại ngôi vương bởi trong một cuộc đua đường trường, việc tiếp tục tin dùng những lão tướng giàu kinh nghiệm nhưng yếu thể lực như Scholes, Giggs là vô cùng mạo hiểm. Không hiểu Sir Alex Ferguson nghĩ thế nào lại bổ sung lực lượng ít ỏi như thế bởi với nguồn nhân sự như vậy, việc chia sức ở các mặt trận quan trọng sẽ khiến M.U gặp vô vàn khó khăn.
Với những trụ cột như Aguero, Tevez, Nasri, Yaya Toure, Kompany, Hart…, cộng thêm lực lượng dự bị xứng đáng là siêu sao ở bất cứ đâu, M.C chưa cần đá đã khiến các đội khác phải lo lắng.
Sau khi đăng quang Champions League, ngỡ như Chelsea sẽ có bước đà để trở thành một đế chế mới như họ đã quyết tâm thực hiện cách đây một thập kỷ. Nhưng, rốt cuộc, gánh nặng của luật Tài chính công bằng khiến họ đắn đo trong những vụ chuyển nhượng tưởng như khá đơn giản.
Đã bán đi công thần Drogba và một số trụ cột luống tuổi khác, nhưng Chelsea vẫn rất chậm chạp trong việc theo đuổi các ngôi sao như Hulk hay Cavani. Những gì họ có thêm chỉ là 2 tân binh tương đối sáng giá: Oscar (người Brazil, đến từ CLB Internacional) và Hazard (người Bỉ, đến từ CLB Lille). Thất bại ở trận tranh Community Shields cuối tuần trước cho thấy, Chelsea không chỉ thiếu hụt lực lượng mà đẳng cấp của họ bây giờ đã ở dưới M.C một bậc.
Những đội còn lại, Liverpool, Tottenham hay Newcastle giỏi lắm cũng chỉ đạt đến cỡ “ngựa ô”. Vì thế, không có gì khó hiểu khi M.C được coi là ứng cử viên sáng giá nhất cho danh hiệu vô địch.
Long Nguyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.