Mường Thanh kiện Chủ tịch TP Đà Nẵng: Có hay không sự bất nhất trong các văn bản chỉ đạo?

Huyền Anh Thứ ba, ngày 31/12/2019 12:02 PM (GMT+7)
Mới đây, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) xây dựng số 1 Điện Biên đã gửi đơn đến TAND TP Đà Nẵng khởi kiện vụ án hành chính mà người bị khởi kiện là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Đối tượng khởi kiện là các Quyết định liên quan đến việc cưỡng chế tháo dỡ căn hộ cao cấp Sơn Trà thuộc Dự án Tổ hợp Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà.
Bình luận 0

DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên là chủ đầu tư Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà (quận Ngũ Hành Sơn).

Được biết, ngày 7/10, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký quyết định cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả đối với Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên - chủ đầu tư công trình trên. Dự án này có các vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép tại các tầng 2, 3, 4, 5, 35, 41, 42.

Đến ngày 29/11, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định trên.

Sự bất nhất trong các văn bản chỉ đạo của UBND TP. Đà Nẵng?

Đề cập tới việc chuyển đổi công năng từ tầng 2 đến tầng 5 của khối căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà, đại diện doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên – Chủ đầu tư dự án này cho biết, việc chuyển đổi công năng đã được các cấp chính quyền TP Đà Nẵng chấp thuận bằng chủ trương, thể hiện rõ tại nhiều văn bản.

Cụ thể: Các sở ban ngành thành phố Đà Nẵng đã cơ bản nhất trí chủ trương giao cho DNTN Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp nhà trẻ, công viên cây xanh phục vụ khuKhách sạn – Căn hộ Mường Thanh để được chuyển đổi công năng từ tầng 2-5 của Khối chung cư bằng các văn bản: Thông báosố 130/TB-UBND ngày 19/8/2016, Văn bản số 7097/SXD-QLKT ngày 24/8/2016, Văn bản 41/73/SGTVT-KH ngày 25/8/2016; Văn bản 1989/SKHĐT-KTN ngày 31/8/2016; Văn bản 1422/UBND-PQLĐT ngày 31/8/2016 của UBND Quận Ngũ Hành Sơn;2163/STNMT-QHĐĐBĐ ngày 31/8/2016 của Sở Tài nguyên và Môi trường.

img

Dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà

Cục Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng cũng đã có Văn bản 868/HĐXD-DA, trong đó đã khẳng định “ Những đề nghị của chủ đầu tư về điều chỉnh thiết kế công năng của một số tầng công trình là hợp lý, về nguyên tắc có thể chấp nhận được” ; Văn bản số 650/HĐXD ngày 14/8/2017 điều chỉnh TKCS trong đó đồng ý điều chỉnh công năng tầng 2,3,4,5 và khẳng định hồ sơ phù hợp với QĐ 6365/QĐ UBND và 8017/UBND của UBND thành phố Đà Nẵng.

Cục Cảnh sát PCCC &CNCH Bộ Công an có văn bản số 3829/PCCC&CHCN-P6 thẩm duyệt về PCCC đối với hồ sơ thiết kế điều chỉnh công trình Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà. Trong đó, đồng ý về PCCC đối với điều chỉnh bố trí công năng tầng 2,3,4,5 khối chung cư.

Tuy nhiên, khi chủ đầu tư tiến hành xin cấp Giấy phép xây dựng điều chỉnh thì lại gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại từ chính quyền trong khi đó trước đây chính quyền đã đồng ý chủ trương. Theo DNTN Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, điều này thể hiện sự bất nhất trong chủ trương của Chính quyền Đà Nẵng đối với dự án căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà.

Ngoài ra, sự bất nhất còn được thể hiện trong các văn bản xử phạt hành chính khi Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đã ra quyết định số 126/QĐ – XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với công trình sai phạm vào ngày 26/6/2016. Tuy nhiên, đến ngày 27/3/2019 tức là sau gần 3 năm, Sở Xây dựng lại ra quyết định 07/QĐ-HBXPVPHC hủy bỏ quyết định trên. “Điều này không đúng quy định pháp luật do hết thời hiệu”, DNTN Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên khẳng định.

Về phần mình, chủ đầu tư dự án này đã báo cáo và đề xuất phương án xử lý các tầng 1,2,3,4,5 khu căn hộ, dự án Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà cho thấy sự cầu thị của doanh nghiệp.

Theo đó, chủ đầu tư dự án đã cố gắng bố trí, sắp xếp hợp lý các khu vực tại Dự án để đảm bảo cơ bản diện tích đỗ xe, phòng tập gym, nhà trẻ, phòng sinh hoạt cộng đồng và các diện tích khác cho người dân Khối chung cư.

Đồng thời, doanh nghiệp cam kết đảm bảo cho người dân được sử dụng bể bơi cùng với khách sạn và sử dụng hội trường, phòng họp tại khách sạn để tổ chức những sự kiện lớn, trang trọng nếu người dân có nhu cầu.

Tuy nhiên, phương án xử lý của doanh nghiệp vẫn chưa được thành phố Đà Nẵng chấp thuận. “Điều đáng nói, là trong các quyết định của mình, TP Đà Nẵng thể hiện sự cứng nhắc, không tôn trọng kiến nghị, quyền lợi của Doanh nghiệp, ra các quyết định “lợi ít, hại nhiều” là một tiền lệ rất nguy hiểm, đi ngược lại chủ trương phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước, làm xấu đi môi trường kinh doanh ở Đà Nẵng”, Chủ đầu tư dự án này cho hay.

Chính quyền Đà Nẵng liên tiếp bị doanh nghiệp khởi kiện

Trường hợp khởi kiện của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên không phải là trường hợp cá biệt.

Công ty CP thép Dana - Ý khởi kiện UBND TP Đà Nẵng đòi đền bù thiệt hại gần 400 tỷ đồng là một minh chứng.

Điều đáng nói, vụ kiện của công ty thép Dana – Ý cũng thể hiện sự bất nhất trong chủ trương của chính quyền Đà Nẵng. Cụ thể, thép Dana – Ý cho rằng được cấp phép đầy đủ, việc không di dời được nhà dân cư quanh nhà máy không phải trách nhiệm của doanh nghiệp, mà là trách nhiệm của chính quyền khi vẫn cấp phép cho dân xây dựng. Doanh nghiệp không chấp nhận bị rút phép dừng nhà máy mà chính quyền phải đưa ra phương án phù hợp.

Trong khi đó, Công ty CP Hòn Ngọc Á Châu khởi kiện vì TP Đà Nẵng có quyết định điều chỉnh quy hoạch, thu hồi đất tại Dự án Khu du lịch Hòn Ngọc Á Châu (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) mà công ty này đã được giao đất và cho thuê đất.

Cụ thể, sau gần 10 năm giao đất và cho thuê đất nhưng công ty không triển khai dự án, cuối năm 2018 UBND TP Đà Nẵng có quyết định thu hồi 8,5 ha để phê duyệt quy hoạch xây dựng công viên công cộng phục vụ cộng đồng. Công ty CP Hòn Ngọc Á Châu cho rằng thu hồi đất như trên sẽ gây tổn thất nghiêm trọng cho chủ đầu tư.

Cũng trong năm 2019 giới đầu tư tại Đà Nẵng “dậy sóng” bởi trường hợp UBND TP Đà Nẵng hủy kết quả đấu giá đất của đơn vị mang tên Vipico cho dù doanh nghiệp này có đầy đủ giấy tờ, hồ sơ giải trình tính hợp lý và các bộ, sở ban ngành đều đồng thuận với các giải trình này.

Đáng chú ý là khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đà Nẵng gửi báo cáo lên trung ương, thì thành phố đã “lờ” đi hết tất cả các ý kiến đồng thuận của các bộ, ban ngành. Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1 diễn ra tuần qua, lãnh đạo thành phố ông Huỳnh Đức Thơ cũng khẳng định “sẵn sàng phương án ứng phó với trường hợp doanh nghiệp kiện”, khi đề cập đến việc các quyết định tiền hậu bất nhất đã gây thiệt hại như thế nào cho nhà đầu tư.

Kết quả, TAND TP Đà Nẵng tuyên án sơ thẩm với kết quả thắng kiện thuộc về công ty CP Vipico trong vụ kiện hành chính giữa công ty này và UBND TP Đà Nẵng. Sau đó, Vipico tiếp tục có đơn khởi kiện bổ sung yêu cầu UBND TP Đà Nẵng phải bồi thường thiệt hại là 115 tỷ.

Ngày 9/12, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã có thông báo cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên và các tổ chức, cá nhân có liên quan về việc chấp hành quyết định cưỡng chế của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả xây dựng trái phép tại dự án.

Theo đó, chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan đang sử dụng các căn hộ tại các tầng 2, 3, 4, 5, 35, 41, 42 của khối chung cư phải di chuyển người và toàn bộ tài sản của mình ra khỏi các căn hộ vi phạm để lực lượng cưỡng chế tiến hành thực hiện công tác tháo dỡ công trình vi phạm tại các tầng nêu trên.

Sau ngày 10/1/2020, nếu không chấp hành, UBND quận sẽ cưỡng chế theo quy định. Kể từ ngày 12/1/2020 sẽ ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước... tại các tầng, căn hộ vi phạm.

Từ ngày 24/2/2020 sẽ tổ chức cưỡng chế tháo dỡ các hạng mục công trình vi phạm, gồm cả 2 tầng kỹ thuật, tầng mái.

Chế độ hỗ trợ liên quan đối với các căn hộ bị cưỡng chế, di dời: hỗ trợ tiền thuê nhà ở tạm với mức 5 triệu đồng/tháng/căn hộ trong 4 tháng; di chuyển tài sản với mức 5 triệu đồng/căn hộ cho 2 lần di chuyển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem