Không cần trình độ, vốn liếng ban đầu chỉ là vài ba chục ngàn đồng mua chiếc lưỡi hái (lưỡi liềm), có sức khỏe tốt, chịu thương, chịu khó, cặm cụi “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” là thành thợ cắt lúa. Chẳng ai biết nghề cắt lúa mướn có từ khi nào nhưng đó là nghề mưu sinh của hàng triệu lao động nghèo ở ĐBSCL, hết đời này qua đời khác.
Những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình cắt lúa thuê thường phải lao động rất sớm.
Cha truyền con nối
Vào mùa thu hoạch lúa, đi dọc các vùng nông thôn, thi thoảng người đi đường bắt gặp những túp lều dựng tạm ven đường. Đó là những căn “nhà di động” của những người đi cắt lúa mướn. Gọi là di động vì cứ cắt hết lúa là họ lại dỡ đi, tìm những cánh đồng mới dựng lại.
Đặc điểm chung của những người sống bằng nghề này là gia cảnh nghèo, đông con, ít đất sản xuất. Họ thường tập hợp lại thành đoàn, có khi lên đến cả chục hộ gia đình, gồm anh em họ hàng ruột thịt hoặc chòm xóm láng giềng đi chung với nhau để vừa tiện sinh hoạt vừa có thể nhận cắt cả cánh đồng rộng lớn vài chục công. Từ Sóc Trăng, ông Tư Diễn (Danh Diễn) làm “trưởng đoàn” dẫn 5 hộ gia đình sang huyện Vị Thủy (Hậu Giang), hành nghề cắt lúa mướn.
Cả đoàn duy nhất ông Tư Diễn có xuồng máy nên mọi người bám đuôi, rồng rắn cùng đi. Theo đoàn còn có cả đám con nít nheo nhóc, trong đó có cả cháu nội, cháu ngoại của ông.
Tư Diễn tậm sự: “Tôi biết cắt lúa từ khi mới mười mấy tuổi đầu, do đi theo cha mẹ riết rồi quen. Đến các con tôi cũng vậy, chúng cũng lớn lên từ những chiếc lều đi cắt lúa mướn. Rồi lấy chồng, lấy vợ cũng nghèo, lại theo cái nghề cha mẹ đi cắt lúa mướn. Khổ nỗi, mỗi khi đi xa là cả nhà đóng cửa đi hết, có khi cả tháng mới về, nên mấy đứa cháu cũng phải đưa theo, cho chúng ở tại lều, đứa lớn trông đứa nhỏ, tự chăm sóc lấy nhau”.
Có theo chân những người thợ gặt ra đồng cắt lúa mới thấy hết sự cơ cực của nghề này: lội sình bùn, dầm mưa dãi nắng suốt cả ngày.
Nghề cắt lúa thuê phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”
Mới tờ mờ sáng, bà Thị Len (vợ ông Tư Diễn) đã thức dậy chụm củi đốt bếp lò nấu cơm cho mọi người ăn lót dạ để kịp ra đồng sớm cho đỡ nắng.
Ngoài dụng cụ hành nghề chính là chiếc lưỡi hái, mọi người còn lỉnh khỉnh mang theo bên mình nước uống và cơm nắm để ăn trưa rồi làm luôn buổi đứng cho kịp thời gian. Để cắt xong một công lúa (công lớn 1.300 m2), người thợ cắt giỏi phải cặm cụi trên đồng cả ngày, nếu lúa đổ sập nhiều thì có khi đến tối mịt mới xong.
Danh Sóc, một thợ cắt lúa đi chung đoàn với Tư Diễn, dù mới 25 tuổi nhưng cũng đã có gần chục năm theo nghề. Từ khi lên 9, lên 10, Sóc đã theo ra đồng phụ giúp người lớn, rồi dần dà ra nhận công đứng riêng và trở thành thợ cắt lúa lúc nào không hay.
Anh Sóc cho biết: “Cắt lúa nhìn đơn giản vậy nhưng không phải ai cũng có thể làm được, nhất là khi cắt liên tục hết ngày này qua ngày khác. Vì nếu không quen thì chỉ cắt được một lúc là đau lưng, do phải cúi lom khom suốt ngày. Có người mới đi cắt bữa trước bữa sau là bong gân tay, cả tuần mới hết đau. Rồi cắt nhanh không khéo là đứt tay. Đời thợ gặt lúa thuê trên tay ai cũng có vài vết sẹo do lưỡi hái rất bén, có người mất cả ngón tay”.
Theo Danh Sóc, gia đình anh đã có truyền thống ba đời làm nghề cắt lúa mướn. Ai cũng nghĩ cố làm vất vả để có tiền lo cho cái cái sau này đỡ khổ nhưng khổ nỗi nghề cắt mướn mướn nào có dư giả gì. Quần quật suốt mùa vụ may ra dư được vài triệu đồng, về nhà ăn không ngồi rồi một, hai tháng là sạch túi, tới mùa lại xách lưỡi hái đi kiếm miếng ăn qua ngày.
Nghề cắt lúa thuê ngày càng ít việc làm
Danh Sóc lấy vợ cũng là cô thợ cắt lúa mướn, 6 năm hai vợ chồng có với nhau 4 mặt con. Do mới sinh con nên anh Sóc để vợ ở nhà, còn bình thường thì cả nhà cùng đi cắt lúa mướn.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, cho biết, hiện nay diện tích lúa được thu hoạch bằng máy trên địa bàn tỉnh trung bình đạt khoảng 70%. Còn lại vẫn phải thu hoạch bằng tay, chủ yếu là những diện tích đất nhỏ, cơ giới hóa hoạt động gặp khó khăn hay lúa bị đổ ngả, bị ướt do mưa bão máy gặt chào thua. Lúc này chủ ruộng rất cần các thợ gặt vì không còn lựa chọn nào khác.
|
Không ít những đứa trẻ mà tôi gặp ở các lều đi cắt lúa mướn, lên 9, lên 10 đã phải nghỉ học để giữ em, nấu cơm, giặt giũ quần áo cho cả nhà. Em đói khóc thì cho uống nước cơm pha đường thay sữa do quá trưa mà mẹ chưa về kịp. Cũng lạ thay, vậy mà đứa nào cũng mạnh cùi cụi, nghịch đất, nghịch cát suốt ngày rồi lại nhẩy ùm xuống sông tắm mà chẳng đau ốm gì.
"Chỉ tội lớp nhỏ..."
Trước đây, nghề cắt lúa mướn rất thịnh hành nhưng từ khi chiếc máy gặp đập liên hợp xuống đồng, số người đi cắt lúa mướn giảm dần, do ít người mướn.
Rất đông thợ gặt đã phải bỏ nghề, lên các khu công nghiệp kiếm việc làm. Chỉ còn lại những người lớn tuổi hoặc vì hoàn cảnh không thể đi làm công nhân mới tiếp tục theo nghề cắt lúa thuê.
Tư Diễn nhớ lại: “Cách đây khoảng chục năm, đoàn của tôi đi có khi hơn chục hộ gia đình, lên đến vài chục người, một ngày có thể gặt 25-30 công ruộng là bình thường. Nhưng giờ chỉ còn hơn chục thợ, còn lại đi làm công nhân hết rồi. Mà nếu bây giờ có đi đông như vậy cũng chẳng có việc làm, vì máy cắt vừa nhanh, vừa rẻ. Chỉ những chỗ xương xẩu, máy không làm được người ta mới kêu đến tụi tui”.
Nếu như trời nắng, người đi cắt lúa thuê phải năn nỉ chủ ruộng để có việc làm thì ngược lại lúc trời mưa dầm chủ ruộng lại phải chạy đôn, chạy đáo kiếm thợ gặt.
Những ruộng lúa bị mưa bão làm đổ rạp, máy không thể thu hoạch, mời dành cho những người cắt lúa thuê
Từng có chuyện bi hài khi “sốt công cắt”, chủ ruộng chạy cả chục km ra đầu kênh kiếm thợ gặt, phải đón mãi mới gặp một tốp đi ngang. Sau khi thỏa thuận giá cả, chủ ruộng cho địa chỉ rồi về nhà ngồi chờ nhưng mãi cũng không thấy đâu. Sốt ruột, lại lấy xe chạy đi kiếm thì mới hay trên đường đi đã có người trả giá cao hơn để phỗng tay trên mất.
Tư Diễn bảo: “Đi làm thuê mình có việc làm thì mừng nhưng lại buồn cho chủ ruộng. Vì lúc này cả cánh đồng nằm rạp như chiếu trải, lúa ngập chìm trong nước, ướt sũng, cắt rất tốn thời gian. Nếu cắt máy, chủ ruộng chỉ tốn khoảng 300 ngàn cho một công thì lúc này phải tốn cả triệu đồng. Chỉ riêng tiền công cắt đã hơn gấp đôi so với làm máy, chủ ruộng còn phải tốn tiền kêu máy suốt…”.
Khi tôi hỏi mai này máy cắt nhiều thêm và có thể hoạt động cả khi lúa bị đổ ngả, thợ gặt tay không còn “đất sống” thì làm nghề gì? Tư Diễn gãi đầu, nói giọng trầm buồn: “Mình già rồi, còn đi cắt lúa được lúc nào hay lúc đó, khi nào không còn ai kêu nữa thì nghỉ chứ cũng chẳng biết đi đâu, xin việc gì khác. Chỉ tội cho lớp nhỏ, theo cha mẹ, ông bà đi cắt lúa riết, chẳng được học hành gì, không biết sau này xin đi làm công nhân ở các nhà máy họ có nhận không?”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.