Máy bay Boeing OC-135B Mỹ dùng để do thám theo hiệp ước.
Theo Sputnik, nguyên nhân khiến Bộ Quốc phòng Mỹ bất ngờ ra thông báo trên là vì “Nga ngày càng lợi dụng hiệp ước để làm công cụ tuyên truyền, hợp thức hóa những hành động gây hấn với các nước láng giềng và có thể có các hành động quân sự nhắm đến Mỹ và các đồng minh”.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh rằng “Nga liên tục vi phạm các điều khoản trong hiệp ước”.
Hiệp ước Bầu trời mở được ký năm 1992 và bắt đầu có hiệu lực vào năm 2002. Thỏa thuận cho phép các quốc gia tham gia công khai thu thập thông tin về các lực lượng vũ trang của nhau cũng như các hoạt động quân sự của các nước thành viên.
Sau khi gửi thông báo rút khỏi hiệp ước, Mỹ sẽ có 6 tháng trước khi chính thức rút khỏi hiệp ước.
Hôm 21.5, Vladimir Ermakov, người đứng đầu cơ quan Không phổ biến và Kiểm soát Vũ khí, thuộc Bộ Ngoại giao Nga, nói rằng nếu Mỹ rút khỏi hiệp ước thì đó là điều “rất đáng tiếc”.
“Nếu nó xảy ra, thực sự rất đáng tiếc. Không may rằng chính quyền Mỹ muốn tác động đến tất cả các thỏa thuận kiểm soát vũ khí. Hiệp ước bầu trời mở có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng niềm tin giữa các quốc gia ở châu Âu và trên quy mô lớn hơn thế”, ông Ermakov nói.
Ít nhất hai nghị sĩ Mỹ hiện đang cố gắng ngăn ông Trump rút Mỹ khỏi hiệp ước với lý do cần phải được quốc hội tán thành.
Nguồn tin từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, việc Mỹ rút khỏi hiệp ước bầu trời mở có nghĩa là ông Trump không muốn gia hạn hiệp ước về cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3). START-3 được Nga và Mỹ ký năm 2010, sẽ hết hiệu lực vào ngày 5.2.2021.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.