Mỹ cắt tiền, Nga - Trung tăng chi tiêu cho quân sự

Chủ nhật, ngày 21/04/2013 07:24 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2012 giảm, lần đầu tiên kể từ năm 1998. Điều này không có nghĩa thế giới bình yên hơn, mà do những thế lực lớn như Mỹ và châu Âu cắt giảm chi tiêu quân sự vì kinh tế khó khăn.
Bình luận 0

Chi tiêu quân sự toàn cầu giảm 0,5% trong năm ngoái xuống còn 1.750 tỷ USD, lần đầu tiêu giảm trong thực tế kể từ năm 1998, theo công bố của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI, tổ chức chuyên nghiên cứu về an ninh, vũ trang và giải giáp vũ khí toàn cầu).

img
Mỹ giảm chi tiêu quân sự nhưng vẫn là một thế lực siêu cường

“Những gì chúng ta đang chứng kiến có thể là khởi đầu sự thay đổi trong cán cân chi tiêu quân sự thế giới từ các nước giàu ở phương Tây sang các khu vực mới nổi”, theo Sam Perlo-Freeman, giám đốc Chương trình sản xuất vũ khí và chi tiêu quân sự của SIPRI.

Lầu Năm Góc bị cắt tiền

Chi tiêu quân sự của Mỹ - nước chi tiêu lớn nhất thế giới với ngân sách quốc phòng khoảng gấp 5 lần TQ - giảm 6% xuống còn 682 tỷ USD và chiếm chưa tới 40% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm ngoái, lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ cách nay hơn 20 năm. Mỹ đã rút quân khỏi Iraq hơn một năm nay và đang giảm bớt sự tham chiến ở Afghanistan theo kế hoạch rút quân hoàn toàn khỏi đó vào cuối năm 2014.

img
Nga có thể gia tăng gấp đôi chi tiêu quân sự

Trong năm nay, Mỹ có kế hoạch cắt giảm thêm 87 tỷ USD ngân sách quốc phòng. Điều này khiến Lầu Năm Góc lo lắng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đầu tháng này đã cảnh báo quân đội Mỹ sẽ phải đối mặt với sa sút sức mạnh do đợt thắt lưng buộc bụng mới.

Tuy nhiên, báo cáo của SIPRI cho rằng ông Hagel chỉ lo hão, vì những cắt giảm đó hầu như không tác động mạnh đến quyền lực quân sự của Mỹ. Trong năm 2012, Mỹ chi tiêu quân sự nhiều hơn 10 nước chi tiêu lớn kế tiếp cộng lại. Và dù nhiều nước tăng gần gấp 3 chi tiêu quân sự trong vòng 1 thập kỷ qua, như Algeria tăng 189%, Saudi Arabia tăng 110% kể từ năm 2003, nhưng quân đội của những nước đó so với Mỹ chỉ là con “kiến hôi”.

Và dù chi tiêu quân sự của Mỹ giảm còn 40% toàn cầu năm 2012, nhưng nó vẫn cao hơn 69% so với năm 2001. “Mỹ vẫn là thế lực quân sự đại siêu cường. Những nước khác chỉ đang lục tục theo đuôi”, theo Paul Burton, giám đốc dự báo không quân và quốc phòng của HIS Jane’s - một công ty tư vấn quốc phòng có trụ sở tại London.

Dù vậy, vị thế đại siêu cường của quân đội Mỹ cũng đang bị đe dọa. Theo IHS Jane’s cho biết: 5 lực lượng quân sự hàng đầu khu vực châu Á-TBD là Nhật Bản, TQ, Ấn Độ, Úc và Hàn Quốc có chi tiêu quân sự tổng cộng 285 tỷ USD trong năm 2011, tương đương 40% chi tiêu của Mỹ. Dự báo đến năm 2020, khoảng cách này sẽ thu hẹp lại còn 20%, theo Burton.

Đối với các nước châu Âu, khủng hoảng kinh tế khiến chi tiêu quốc phòng bị cắt giảm. Một số nước đã cắt giảm kế hoạch mua chiến đấu cơ của Mỹ để nâng cấp hệ thống phản lực ném bom đã đề ra trước đó, theo Siemon Wezeman, một nhà nghiên cứu cấp cao trong chương trình mua bán vũ khí của SIPRI.

Những nước như Ý, Canada và Hà Lan mới đây đã báo với nhà sản xuất chiến đấu cơ Lockheed Martin rằng họ cần xem lại kế hoạch mua máy bay. “Nhiều nước cho biết phải xem xét lại, vì tiền bạc lúc này không dồi dào”, Wezeman nói.

Các thành viên NATO đã cắt giảm chi tiêu quân sự thực tế 10%. “Tất cả nhân tố cho thấy chi tiêu quân sự có thể tiếp tục giảm trong 2-3 năm tới”, theo Perlo-Freeman. Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh vẫn chiếm đa số tổng chi tiêu quân sự toàn cầu. Các thành viên NATO chi tiêu hơn 1.000 tỷ USD vào năm ngoái.

Sự trỗi dậy của Nga, TQ

img
TQ ngày càng tăng chi cho quân sự

Trong khi đó, chi tiêu quân sự của các khu vực như châu Á và Đông Âu được đẩy mạnh, theo báo cáo của SIPRI. Nước có kinh tế lớn thứ 2 thế giới là TQ đã gia tăng chi tiêu quân sự trong năm ngoái, tăng 7,8% so với năm 2011 và tăng 175% so với năm 2003. TQ đã chi bạo để mua thêm nhiều tàu ngầm, chiến hạm, tên lửa, chiến đấu cơ tàng hình và tàu sân bay.

Bắc Kinh nhiều lần trấn an thế giới rằng không cần phải lo lắng trước chi tiêu quân sự của họ, nhưng các chính phủ từ Tokyo cho tới Mumbai đều không thể ngồi yên trước những biểu hiện được cho là ngày càng hiếu chiến của Bắc Kinh.

Trong vòng 6 tháng qua, xung đột giữa TQ và Nhật Bản về các hòn đảo không người ở biển Hoa Đông ngày càng gay gắt hơn, đã khiến người Nhật ngày càng lo lắng và gia tăng áp lực kêu gọi Tokyo sửa đổi hiến pháp hòa bình để đối phó với tình hình mới.

Cùng lúc, Philippines và các nước Đông Nam Á phản đối tham vọng kiểm soát biển Đông của TQ, vì đó là khu vực có thể giàu dầu mỏ và khí đốt. Không chỉ chi tiêu quân sự mạnh tay, TQ còn nổi lên là nhà xuất khẩu vũ khí lớn. Công bố của SIPRI hồi tháng 3 cho biết TQ đã vượt qua Anh để trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 5 thế giới trong giai đoạn 2008-2012.

Trong khi chi tiêu quân sự của Mỹ giảm vào năm ngoái, đối thủ chiến tranh lạnh của họ trước đây là Nga lại gia tăng 16%. Giới phân tích cho rằng TT Nga Vladimir Putin đang nỗ lực để lấy lại vị thế quân sự của nước này kể từ khi ông quay lại chiếc ghế quyền lực từ tháng 5-2012. Trong năm nay, chi tiêu quân sự của Mỹ sẽ giảm 15%, trong khi Nga ước tính tăng 60% từ năm 2012-2015, theo Viện Nghiên cứu chiến lược (ISS) có trụ sở ở London.

Theo đó, ông Putin có kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng của Nga từ 61 tỷ USD trong năm 2012 lên 97 tỷ USD vào năm 2015. Trước đó, năm 2010, ngân sách quốc phòng của Nga chỉ 42 tỷ USD. Nói cách khác, ông Putin được dự báo sẽ gia tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng chỉ trong 5 năm, và đã gia tăng 50% trong 3 năm.

Chi tiêu quân sự ở những nước thuộc khu vực Trung Đông và Bắc Phi gia tăng 8% trong năm ngoái. Hầu hết sự gia tăng đến từ các đồng minh của phương Tây như Saudi Arabia và Oman như là cách đối trọng với những thách thức từ Iran. Ở Bắc Phi, các nước như Algeria gia tăng chi tiêu quân sự do phải đối mặt với đe dọa của phiến quân.

Theo Thế giới & Hội nhập

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem