Trong quyển sách xuất bản cách đây vài năm nhan đề "The Sorrows of Empire" (tạm dịch: Những điều âu lo của đế chế), sử gia quá cố Chalmers Johnson đã dùng thuật ngữ "đế chế các căn cứ quân sự" (empire of bases) để chỉ hệ thống tất cả các căn cứ quân sự của Mỹ trên toàn thế giới. Johnson cho rằng "đế chế các căn cứ quân sự" là công cụ quan trọng hàng đầu, là biểu tượng rõ rệt nhất cho sự thống trị của Mỹ trên thế giới suốt hơn nửa thế kỷ qua. Nó là sản phẩm của Chiến tranh thế giới thứ II và tiếp tục phát triển trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Những con số rối mù
Tàu sân bay Mỹ.
Các con số thống kê được ra không thống nhất và hiện đang trở thành bài toán đố khiến nhiều người bối rối. Ngay cả người Mỹ cũng không biết chắc họ có bao nhiêu căn cứ và các đồn, trạm, điểm quân sự lẻ ở nước ngoài. Có người đưa ra con số 460 căn cứ, một tờ báo lại bảo là 507, còn cây bút Nicholas Kristof của tờ New York Times, trong một bài xã luận gần đây đã cho con số 560 căn cứ, một tờ báo khác lại nói 660 căn cứ. Trong quyển sách của mình, sử gia Johnson đã cho con số 761 căn cứ đang hoạt động ở nước ngoài. Một nhà báo New York Times khác từng đoạt Giải Pulitzer tiếp tục đưa ra con số hơn 1.000 căn cứ và con số thống kê còn có thể lên đến hơn 1.100.
Việc thống kê các căn cứ quân sự Mỹ đã bắt đầu từ những năm sau Thế chiến II. Năm 1955, tờ báo Chicago Daily Tribune đã cho đăng tải một điều tra quy mô lớn về các căn cứ Mỹ, có cả một bản đồ quân sự thế giới trên đó ghi chú cụ thể những địa điểm có căn cứ quân sự Mỹ được đánh dấu ngôi sao và hình tam giác, phần lớn tập trung ở châu Âu và vùng biển Thái Bình Dương. Tờ Chicago Daily Tribune viết: "Cờ Mỹ bay trên hơn 300 tiền đồn ở hải ngoại. Các doanh trại và căn cứ được đặt ở 12 vùng lãnh thổ và thuộc địa Mỹ. Các căn cứ ở nước ngoài thì hiện diện ở 63 quốc gia, hải đảo".
Còn ngày nay, trong Báo cáo BSR 2010 vừa được công bố, Lầu Năm Góc đã khẳng định rằng quân đội Mỹ hiện đang duy trì 662 cơ sở quân sự tại 38 nước khắp thế giới. Tuy nhiên, con số này cũng chỉ mang tính tương đối. Thực tế cho thấy con số có thể cao hơn nhiều.
Ngay chính báo cáo BSR 2010 cũng tự mâu thuẫn khi nói rằng "Mỹ đang duy trì hơn 750 cơ sở quân sự tại các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc Mỹ ở nước ngoài", không kể những cơ sở nhỏ có diện tích dưới 4 hécta hoặc có giá trị khí tài quân sự dưới 10 triệu USD. Có khi các cơ sở nhỏ này nếu ở cùng một quốc gia thì có thể gộp chung lại để tính thành một căn cứ.
Theo báo cáo của các nhà nghiên cứu, số quốc gia và vùng lãnh thổ thật sự có cơ sở quân sự Mỹ không dừng lại vài chục mà có thể khoảng 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cũng theo báo cáo BSR 2010, nếu tính luôn các căn cứ trong nước, ở hải ngoại và các vùng lãnh thổ Mỹ ở nước ngoài, thuộc đủ các binh chủng, thì con số tổng hợp là xấp xỉ 5.000 căn cứ và cơ sở các loại.
Hàng trăm căn cứ không nằm trong báo cáo
Đại tá Wayne Shanks, phát ngôn viên Lực lượng Hỗ trợ an ninh Quốc tế (ISAF) do Mỹ cầm đầu tại Afghanistan cho biết tại nước này có gần 400 căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh, bao gồm các doanh trại, căn cứ tiền tiêu và các tiền đồn tác chiến. Văn phòng Quan hệ Công chúng Bộ chỉ huy liên quân (JCPAO) thuộc ISAF đã xác nhận con số hơn 350 căn cứ tiền tiêu cộng với 3 căn cứ lớn là Bagram, Shindand và sân bay quốc tế Kandahar.
Đến cuối năm 2010, báo cáo cuối cùng của JCPAO cho biết các căn cứ quân sự Mỹ và đồng minh ở Afghanistan đã tăng lên con số 411, bao gồm các căn cứ lớn và các tiền đồn, cơ sở tiền tiêu. Không kể các doanh trại dã chiến từ cấp trung đội trở xuống. Như vậy, nếu lấy con số căn cứ ở Afghanistan cộng với các con số trong báo cáo BSR 2010 sẽ cho ra con số 1.073 căn cứ trên toàn cầu.
Đó là chưa kể hàng trăm căn cứ quân sự đủ loại, công khai lẫn bí mật, tại các nước khu vực Trung Đông đã không được báo cáo. Arập Xêút, Qatar, Kuweit và Jordan... hiện đều có các căn cứ hải quân, không quân và lục quân Mỹ, trong đó có những căn cứ lớn, quan trọng như các căn cứ Arifjan, Buering, Virginia, Ali Al Salem Air Base, Udari Range (Kuweit), Al Udeid Air Base (Qatar), Eskan Village Air Base (Arập Xêút).
Biểu tình phản đối căn cứ quân sự Mỹ ở Italia.
Riêng tại Iraq, thời điểm cao trào vào năm 2004 có tới 400 căn cứ, doanh trại quân sự Mỹ, nhưng từ khi Mỹ rút quân chiến đấu vào năm 2010, số căn cứ quân sự Mỹ tại quốc gia này cũng tụt giảm nhanh chóng. Hiện Mỹ vẫn còn duy trì 88 căn cứ và doanh trại với khoảng 50.000 quân tại Iraq, trong đó có một số căn cứ "lâu dài", nhằm mục đích hỗ trợ kỹ thuật và huấn luyện quân sự cho quân đội và cảnh sát Iraq.
Điều đáng nói là, các căn cứ quân sự ở Afghanistan và khu vực Trung Đông đã không được đưa vào các báo cáo đăng trên báo Mỹ và cả trong báo cáo BSR 2010 của Lầu Năm Góc. Sự thiếu sót này đã gây ra tình trạng rối mù về các con số thống kê các căn cứ quân sự Mỹ ở nước ngoài.
Ngoài ra, những cơ sở quân sự nhỏ, lẻ và các căn cứ, cơ sở, doanh trại quân sự bí mật của Mỹ tại nhiều nước, kể cả các căn cứ, doanh trại của nước sở tại cho quân đội Mỹ "tạm trú" nhằm phục vụ các hoạt động bí mật cũng không được báo cáo. Chẳng hạn, hoạt động oanh kích bằng máy bay không người lái của CIA tại Pakistan có một số xuất phát từ các căn cứ quân sự của nước sở tại. Và người ta không thể biết được Mỹ có bao nhiêu cơ sở thuộc loại này ở nước ngoài.
"Đế chế" sắp hết thời?
Theo báo cáo BSR 2010, Mỹ hiện đang kiểm soát gần 52.000 tòa nhà (gồm doanh trại, bệnh viện, nhà nghỉ...) và hơn 38.000 cấu kiện hạ tầng (như cầu cảng, phao bến tàu, bồn, bể nhiên liệu...), hơn 9.100 cấu trúc như đường băng sân bay, đường sắt, ống dẫn. Các con số thống kê này tại các vùng lãnh thổ thuộc Mỹ tương ứng là 6.300, 3.500 và 928.
Ngoài ra, một bộ phận không thể thiếu ở các căn cứ quân sự là các loại khí tài gồm xe tăng, xe bọc thép quân dụng, máy bay chiến đấu, tàu sân bay, chiến hạm, tàu ngầm, các loại vũ khí như tên lửa, đạn, pháo, bom và kể cả đầu đạn hạt nhân. Tất cả những thứ này tuy không được báo cáo minh bạch nhưng chúng nằm trong danh mục cung ứng và sử dụng, luân chuyển và bảo trì tại các căn cứ.
Để duy trì hoạt động hàng ngàn căn cứ như thế, mỗi năm Lầu Năm Góc phải chi ra hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ USD. Và đó đều là những đồng tiền do người dân Mỹ đóng thuế.
Cụ thể, theo Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Dorothy Robyn, trong năm 2010, chỉ riêng phần chi phí xây dựng cơ sở vật chất và thuê mướn nhà, đất cho các căn cứ quân sự Mỹ đã tiêu tốn hết 23,2 tỉ USD; còn chi phí bảo trì, sửa chữa ngốn thêm 14,6 tỉ USD nữa, cộng thêm hơn 4 tỉ USD tiền điện, chưa kể tiền chi phí sinh hoạt, quân nhu, quân dụng, lương bổng cho nhân sự đóng tại các căn cứ.
Mỗi năm, Lầu Năm Góc duy trì tại các căn cứ ở nước ngoài khoảng 253.288 quân nhân mặc đồng phục và cũng ngần ấy số nhân sự phục vụ và quan chức dân sự kèm theo, chưa kể trên 50.000 người bản địa được thuê phục vụ các công việc khác nhau trong các căn cứ. Cho nên, chi phí trả lương và chu cấp nhu cầu sinh hoạt cho lực lượng nhân sự này cũng sẽ không dưới vài chục tỉ USD mỗi năm.
Căn cứ Không quân Shindand của Mỹ ở tỉnh Herat, Tây Afghanistan.
Các căn cứ quân sự là biểu tượng cho sức mạnh Mỹ, cho sự thống trị của Mỹ trên thế giới. Nhưng trong một thế giới mới hậu Chiến tranh lạnh và có nhiều thay đổi, các căn cứ quân sự Mỹ ở nước ngoài dường như không còn nhiều lý do để tồn tại. Đó là chưa kể sự tồn tại của các căn cứ đó luôn đi kèm theo những hệ lụy bê bối, tệ nạn và sa đọa do binh sĩ Mỹ gây ra (như nạn nghiện hút, mại dâm, tình trạng binh sĩ Mỹ hiếp dâm phụ nữ bản xứ, giết người, gây tai nạn...), những tác hại đối với đời sống cư dân địa phương do hoạt động của căn cứ gây nên (như tiếng ồn máy bay, ô nhiễm không khí...). Tại các căn cứ quân sự Mỹ đóng ở nhiều nước, hoạt động quân sự còn đi kèm hoạt động gián điệp và hệ thống các "nhà tù đen" nhằm bí mật giam giữ và tra tấn các "nghi can khủng bố".
Tất cả những điều không hay này đã khiến cho người dân các nước sở tại cảm thấy không hài lòng, không muốn các căn cứ quân sự đó tiếp tục đóng tại quê hương mình nữa, và điều tất yếu là việc chống Mỹ, ghét bất cứ thứ gì thuộc về nước Mỹ cũng từ đó nảy sinh.
Đó là chưa kể các hoạt động quân sự tại những điểm nóng "chống khủng bố" của Mỹ trên toàn cầu còn gây nên những làn sóng chống đối kịch liệt từ người dân và cả giới cầm quyền sở tại, như ở Pakistan và Afghanistan. Còn theo ý kiến nhiều chuyên gia chống khủng bố thì chính hệ thống các căn cứ quân sự Mỹ và những hệ lụy bê bối kèm theo chúng là một trong những tác nhân kích hoạt làn sóng khủng bố bằng bom tự sát nhắm vào nước Mỹ và cả những đồng minh thân cận của Mỹ.
Giống như các "đế chế" xưa nay phát triển đến đỉnh điểm rồi thoái trào, "đế chế các căn cứ quân sự" của Mỹ rồi cũng vậy thôi. Hiện "đế chế" này đã đạt đỉnh điểm vào những năm giữa và cuối thập niên đầu thế kỷ XXI này. Số lượng các căn cứ, cơ sở quân sự Mỹ ở nước ngoài hiện đang giảm dần, nhất là kể từ khi Mỹ rút quân khỏi Iraq và sắp tới (tháng 7/2011) là rút quân khỏi Afghanistan.
Đó là chưa kể, trong tình hình kinh tế Mỹ đang gặp vô vàn khó khăn và thâm hụt ngân sách trầm trọng, Lầu Năm Góc còn đang tính chuyện cắt giảm quân số và số lượng các căn cứ ở nước ngoài nhằm giảm bớt chi tiêu ngân sách.
Có thể một căn cứ quân sự ở những nơi không thật cần thiết hoặc gặp phải sự chống đối quá gay gắt của cư dân địa phương (như căn cứ Futenma ở Okinawa, Nhật Bản, một số căn cứ ở các nước Hồi giáo như Arập Xêút, Jordan) sẽ phải đóng cửa hoặc sáp nhập với các căn cứ gần đó.
Trong tương lai, có thể từ năm 2015 trở đi, Mỹ sẽ bắt đầu thực hiện chính sách cắt giảm đó, đồng thời luân chuyển, tái cơ cấu các căn cứ quân sự trên toàn cầu nhằm tăng cường tính hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Nhưng ngay chính việc luân chuyển các căn cứ cũng đã rất tốn kém.
Theo tính toán của Lầu Năm Góc, nếu chỉ luân chuyển các căn cứ ở nước ngoài thôi cũng cần một khoản chi phí đến hơn 113 tỉ USD, còn luân chuyển toàn bộ gần 5.000 căn cứ, doanh trại, cơ sở lớn nhỏ thì số chi phí sẽ rất khổng lồ: đến 591,519 tỉ USD.
Nhưng dù sao đi nữa thì nước Mỹ cũng sẽ duy trì một số lượng căn cứ quân sự nhất định ở nước ngoài, tại tất cả các châu lục, vì "in dấu chân toàn cầu" là chiến lược không thể thay đổi, ít nhất là đến thời điểm hiện nay của nước Mỹ
Tiểu Khang - Q. Vương (An Ninh Thế Giới)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.