Yonhap đưa tin, 2 chiếc máy bay trên sẽ tới Căn cứ không quân Osan, cách thủ đô Seoul 70 km về phía Nam, và lưu lại đây trong vài ngày ngay trong tuần này, nhưng không nói cụ thể việc này sẽ diễn ra khi nào.
Trong khi đó, Người phát ngôn Kim Yong-kyu của các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc cho biết họ “không thảo luận về các vấn đề tác chiến”. Trước đây, phía Mỹ đã thực hiện một loạt các biện pháp đáp trả quân sự sau khi phía Triều Tiên thực hiện các hành động khiêu khích lớn.
Gần đây nhất, vào ngày 13.9 vừa qua, tức là 4 ngày sau khi phía Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ năm, phía Mỹ đã cho 2 máy bay ném bom tàng hình B-1B từ Căn cứ không quân Andersen tại Guam bay trên căn cứ Osan với sự hộ tống của 4 máy bay F-15K của Hàn Quốc và 4 máy bay F-16 của Mỹ.
Trước đó, ngày 10.1, 4 ngày sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân lần 4, Mỹ cũng đã điều máy bay ném bom B-52 đến Hàn Quốc.
Động thái điều máy bay B-52 của Mỹ đến Seoul có thể được hiểu là hành động răn đe đối với Bình Nhưỡng, tuy nhiên nếu chỉ răn đe suông như vậy, liệu Bình Nhưỡng có cảm thấy lo sợ? Hay đã đến lúc Mỹ không còn doạ nữa mà sẽ cho Triều Tiên một bài học thực sự?
Máy bay B-52 có thể được trang bị các loại tên lửa hạt nhân và bom phá boongke có thể phá hủy các cơ sở ngầm dưới đất được gia cố của Triều Tiên.
Trong khi đó, nhật báo “Rodong Sinmun”, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, ngày 20.9 tuyên bố hiện Triều Tiên đã có thể tấn công vào phần lục địa của Mỹ bằng tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân.
Báo này nhấn mạnh rằng vụ thử hạt nhân lần thứ 5 và cũng là vụ có sức công phá mạnh nhất mà Triều Tiên thực hiện ngày 9.9 vừa qua là “đỉnh cao” của tất cả các vụ thử hạt nhân trước đây của họ, đồng thời tuyên bố quân đội nước này có đủ khả năng tấn công bằng các loại tên lửa đạn đạo có gắn đầu đạn hạt nhân vào những hải cảng - nơi các tàu ngầm và tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ đang thả neo. Bài báo cho biết: “Phần lục địa và khu vực Thái Bình Dương của Mỹ, kể cả Hawaii và Guam, hiện nằm trong tầm bắn của chúng ta”.
Cũng theo Yonhap, ngày 20.9, Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhấn mạnh: “Việc Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển năng lực hạt nhân và tên lửa trong khi lại ngoảnh mặt lại với những người dân nước này đang phải chịu hậu quả của mưa lũ là rất tồi tệ”.
Trước đó, Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử động cơ tên lửa được nâng cấp của nước này khiến các nước phương Tây lo ngại về khả năng Triều Tiên tiếp tục phóng thử một quả tên lửa đạn đạo tầm xa trong những tuần tới. Tuy nhiên, Triều Tiên cho rằng, vụ thử động cơ tên lửa này chỉ nhằm đưa một vệ tinh quan sát Trái đất của nước này vào vũ trụ.
Mặc dù vậy, quan chức tại Bộ Thống Nhất Hàn Quốc cho rằng, để có thể đưa vệ tinh vào vũ trụ, tên lửa của Triều Tiên cần phải đạt độ cao 36.000km tức là gấp 3 lần khoảng cách từ Triều Tiên đến bờ Đông của Mỹ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.