Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam: Động thái lịch sử sau 40 năm

Thúy Đăng (tổng hợp) Thứ bảy, ngày 04/10/2014 06:54 AM (GMT+7)
Ngày 2.10 (theo giờ Mỹ), Mỹ đã chính thức tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, nhân dịp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đang ở thăm Mỹ.
Bình luận 0

Giúp Việt Nam đảm bảo an ninh hàng hải

Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã thông báo với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh rằng Mỹ thay đổi chính sách để cho phép việc chuyển giao thiết bị quân sự, bao gồm vũ khí sát thương, chỉ vì mục đích đảm bảo an ninh hàng hải. Hãng tin Reuters đánh giá quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm này là “động thái lịch sử sau 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam”. Mỹ bắt đầu áp đặt lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sát thương cho Việt Nam vào năm 1984.

Tuy thông báo của Mỹ không nêu rõ những loại vũ khí nào sẽ được dỡ bỏ cấm vận, song giới quan sát nhận định nhiều khả năng Washington sẽ cho phép xuất khẩu các loại khí tài như máy bay tuần tra P3C nhằm tăng cường năng lực giám sát trên biển cho Việt Nam.

Như vậy, lệnh cấm bán các loại vũ khí sát thương khác, ví dụ như xe tăng, vẫn sẽ tiếp tục tồn tại cho đến khi Mỹ và Việt Nam giải quyết được các vướng mắc và bất đồng còn lại.

Trong cuộc hội đàm, Ngoại trưởng John Kerry ca ngợi sự biến chuyển của Việt Nam trong hai thập kỷ qua là phi thường. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng John Kerry đều bày tỏ hài lòng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt- Mỹ thời gian qua, nhất là từ khi xác lập quan hệ Đối tác toàn diện tháng 7.2013; trao đổi các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước thời gian tới; nhất trí sẽ tăng cường phối hợp trong việc triển khai các hoạt động kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 2015 (1995-2015).

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với Mỹ, mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa hai nước; đề nghị Mỹ linh hoạt với Việt Nam trong đàm phán TPP và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong quá trình đàm phán và thực thi hiệp định, sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường; tăng cường hợp tác khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo với Việt Nam, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giải quyết hậu quả chiến tranh.

Cùng thảo luận về Biển Đông

Ngoại trưởng Kerry khẳng định Mỹ coi trọng vai trò của Việt Nam ở khu vực; mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực; ghi nhận và cho biết sẽ xem xét tích cực các đề nghị của Việt Nam; cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, trong đó có vấn đề chất độc da cam và bom mìn còn sót lại sau chiến tranh; thúc đẩy việc thành lập Trường Đại học Fulbright tại Việt Nam; nhất trí hai bên tiếp tục đối thoại nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau trong các vấn đề còn khác biệt. Ngoại trưởng Kerry cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam và các nước trong khu vực trong việc triển khai các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến hạ nguồn Mekong (LMI), trong đó có việc đảm bảo an ninh nguồn nước sông Mekong.

Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có tình hình ở Biển Đông; cho rằng các bên liên quan cần nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tránh các hành động có nguy cơ làm leo thang tranh chấp và bất ổn ở khu vực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Tại cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Cố vấn An ninh quốc gia Susan Rice, hai bên thảo luận về các biện pháp tăng cường quan hệ song phương và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm. Cố vấn An ninh quốc gia Susan Rice nhấn mạnh Mỹ tiếp tục cam kết triển khai chiến lược tái cân bằng ở khu vực; bày tỏ coi trọng quan hệ với Việt Nam; cam kết phối hợp đưa quan hệ đối tác toàn diện phát triển ngày càng thực chất và hiệu quả.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem