Mỹ, Đức 'nổi giận' với Ukraine, đe dọa cắt nguồn cung tên lửa Patriot

Minh Nhật (theo Bild) Thứ tư, ngày 29/05/2024 13:30 PM (GMT+7)
Theo Bild, Mỹ và Đức nổi giận với quân đội Ukraine vì họ đã tự ý sử dụng độc lập các hệ thống tên lửa Patriot do Đức cung cấp ít nhất một lần. Điều này làm dấy lên những lời đe dọa từ cả Đức và Mỹ nhắm vào Ukraine.
Bình luận 0
Mỹ, Đức 'nổi giận' với Ukraine, đe dọa cắt nguồn cung tên lửa Patriot- Ảnh 1.

Việc Ukraine tự ý sử dụng độc lập các hệ thống tên lửa Patriot do Đức cung cấp để tấn công lực lượng Nga được cho là đã khiến Washington và Berlin "nổi giận". Ảnh IT

Lực lượng vũ trang Ukraine được cho là đã sử dụng hệ thống Patriot do Đức cung cấp trong một cuộc tấn công độc lập nhắm vào Nga. Ngay sau đó, những cuộc gọi giận dữ từ Berlin và Washington đã được gửi đến Kiev. Mỹ và Đức đã đe dọa sẽ ngừng cung cấp tên lửa phòng không cho Ukraine nếu sự cố như vậy tái diễn.

Ukraine cũng bị cấm sử dụng các hệ thống phòng không do phương Tây sản xuất để chống lại các cuộc tấn công của máy bay Nga, buộc Kiev phải đợi cho đến khi máy bay Nga phóng tên lửa hành trình trước rồi mới được khai hỏa chống lại chúng trên không phận Ukraine.

Các nhà báo Đức nhấn mạnh, Nga hàng ngày tấn công khu vực Kharkov bằng hàng nghìn tên lửa và gần 5.000 quả đạn pháo. Tuy nhiên, Ukraine bị cấm đáp trả bằng bất kỳ loại đạn dược nào của phương Tây. Theo Bild, về mặt lý thuyết, nhiều căn cứ không quân của Nga nằm trong tầm bắn của vũ khí phương Tây cung cấp cho Kiev nhưng Ukraine bị cấm nhắm mục tiêu vào các căn cứ này. Ukraine cũng bị cấm sử dụng vũ khí phương Tây ngay cả khi loại vũ khí này có thể được sử dụng để loại bỏ máy bay Nga đang đậu trên mặt đất.

"Ukraine cũng bị cấm sử dụng các hệ thống phòng không của phương Tây để chống lại các cuộc tấn công từ máy bay Nga - nước này phải đợi cho đến khi máy bay ném bom của Nga phóng tên lửa hành trình và chúng ở trên lãnh thổ Ukraine mới được khai hỏa chống lại chúng", Bild lưu ý.

Trên thực tế, lệnh hạn chế của phương Tây gần đây đã được nới lỏng khi một số nguyên thủ quốc gia, bao gồm cả Thụy Điển tuyên bố cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ để chống lại các mục tiêu của Nga. Tuy nhiên, điều trớ trêu là nhiều loại vũ khí trong số đó sử dụng đạn dược của Mỹ. Hiện Washington cùng với Berlin vẫn phản đối các hoạt động như vậy.

Thủ tướng Đức Scholz đã chỉ trích kế hoạch được cho là của NATO nhằm thiết lập một "vùng cấm bay" trên bầu trời Ukraine. Hôm Chủ nhật, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã kêu gọi xem xét lại những hạn chế này vì ông cho rằng, Ukraine đang chịu quá nhiều hạn chế và điều đó đang trói tay các lực lượng vũ trang Ukraine.

"Quyền tự vệ bao gồm quyền tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp bên ngoài Ukraine. Đây là một phần của quyền tự vệ. Chúng tôi thấy rõ điều này trong các trận chiến ở Kharkov vì lực lượng Nga đang ở trên lãnh thổ Nga và tấn công lãnh thổ Ukraine gần biên giới", ông Stoltenberg nêu rõ.

Tuy nhiên, lập trường của Đức vẫn không thay đổi. Thủ tướng Olaf Scholz đã tuyên bố cuối tuần qua tại Berlin rằng có những quy tắc rõ ràng về quản lý và sử dụng vũ khí do Đức cung cấp đã được thống nhất với Ukraine. Mục đích cuối cùng của ông Scholz là ngăn chặn cuộc chiến này leo thang thành một cuộc xung đột lớn hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem