Mỹ kêu gọi đồng minh tăng cường thách thức Trung Quốc trên Biển Đông

Đông Dương Thứ hai, ngày 22/02/2016 16:34 PM (GMT+7)
Úc và các nước đồng minh nên ủng hộ các hoạt động nhằm khẳng định và củng cố “quyền tự do hàng hải” trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông của Hải quân Mỹ đồng thời đẩy mạnh việc tiến hành các hoạt động tương tự, Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ nhấn mạnh.
Bình luận 0

Đài ABC của Úc ngày 22.2 đưa tin, Phó Đô đốc Joseph Aucoin, Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ đang có mặt tại Úc để thảo luận với các quan chức quốc phòng nước này về những mối lo ngại xung quanh việc Trung Quốc đang mở rộng hoạt động quân sự trên Biển Đông.

Tại cuộc họp với giới chức quốc phòng Úc, Tư lệnh Mỹ nhấn mạnh, nếu Úc và các quốc gia khác cũng đẩy mạnh việc tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông, thì việc làm này sẽ rất giá trị và sẽ đem lại lợi ích tốt nhất cho cả khu vực. 

"Chúng tôi đang nỗ lực đảm bảo rằng tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ cũng có thể theo đuổi lợi ích dựa trên luật biển quốc tế và không bị đe dọa. Các tuyến hàng hải duy trì được sự tự do là điều có lợi cho tất cả chúng ta”, ông Joseph Aucoin tuyên bố.

img

Phó Đô đốc Joseph Aucoin, Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ.

Tuyên bố trên của Tư lệnh Mỹ được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông đang dậy sóng theo sau thông tin Trung Quốc đã âm thầm triển khai 8 bệ phóng tên lửa đất đối không cùng với một hệ thống radar trái phép tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 14.2.

Theo các ảnh chụp vệ tinh, Trung Quốc bị cho là đã triển khai tới đảo Phú Lâm hệ thống phòng không HQ-9 hiện đại có tầm bắn 200 km, tạo ra mối đe dọa cho mọi loại phi cơ, dù là dân sự hay quân sự, bay gần khu vực. Giới chức quân sự Mỹ đã xác nhận thông tin trên. Bắc  Kinh sau đó cũng đã thừa nhận triển khai vũ khí tới đảo Phú Lâm từ lâu.

Phó Đô Đốc Aucoin cáo buộc, việc Trung Quốc đưa tên lửa tới quần đảo Hoàng Sa là “nỗ lực gây bất ổn” khu vực của nước này. Ông thúc giục Bắc Kinh thể hiện sự minh bạch trong các hoạt động quân sự trên Biển Đông.

Khi phóng viên đặt câu hỏi, liệu hệ thống tên lửa của Trung Quốc có ảnh hưởng tới các hoạt động tuần tra trên không của Mỹ ở Biển Đông hay không, Phó Đô đốc Aucoin khẳng định là không.

“Chúng tôi sẽ điều phi cơ và tàu chiến hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp cho phép, bao gồm khu vực này”, ông tuyên bố.

Mới đây nhất, ngày 30.1, Mỹ đã điều khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường Mỹ USS Curtis Wilbur áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vốn đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, thách thức các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.

img

Khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường Mỹ USS Curtis Wilbur.

Trước đó, ngày 27.10.2015, khu trục hạm được trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ cũng tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh đá Xu Bi và đá Vành Khăn, hai trong số 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp, xây dựng phi pháp thành đảo nhân tạo.

"Chúng tôi chỉ cố gắng đảm bảo tự do hàng hải và thực hiện quyền của chúng tôi theo đúng luật pháp quốc tế. Điều này không nên được xem là hành động gây hấn”, ông Aucoin giải thích về chính sách tuần tra Biển Đông của Mỹ.

Về phần mình, chính phủ Úc không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng không và hàng hải tại khu vực này.

Tuần trước, người phát ngôn của đảng Lao động (đảng đối lập) của Úc, ông Stephen Conroy cũng đã kêu gọi Hải quân nước này triển khai các chuyến tuần tra xung quanh các đảo nhân tạo và đảo Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp, thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.

Cùng thời điểm đó, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cũng kêu gọi Trung Quốc không quân sự hóa Biển Đông.

Trung Quốc đã ngang ngược đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines…

Bất chấp sự phản đối của các nước có liên quan cũng như cộng đồng quốc tế, Trung Quốc còn tiến hành nhiều hoạt động cải tạo, bồi đắp phi pháp biến một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trở thành những hòn đảo nhân tạo có khả năng sử dụng cho các mục đích quân sự. Mỹ đã nhiều lần tuyên bố không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng lãnh hải quanh các đảo nhân tạo do nước này bồi đắp trái phép đồng thời cáo buộc động thái của Bắc Kinh đe dọa tự do hàng hải.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem