Mỹ khẩn trương xem xét việc công nhận quy chế kinh tế thị trường ở Việt Nam
Mỹ khẩn trương xem xét việc công nhận quy chế kinh tế thị trường ở Việt Nam
V.N
Thứ hai, ngày 11/09/2023 17:13 PM (GMT+7)
Việt Nam đã chính thức đề nghị Hoa Kỳ công nhận quy chế kinh tế thị trường. Hoa Kỳ hoan nghênh những bước tiến trong quá trình cải cách kinh tế dựa trên thị trường có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam.
Trong tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden công bố hôm 10/9, hai bên cho biết, mới đây, ngày 8/9/2023, Hoa Kỳ đã nhận được yêu cầu chính thức của Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường. Hoa Kỳ sẽ khẩn trương xem xét yêu cầu này của Việt Nam theo luật định.
"Hoa Kỳ hoan nghênh những bước tiến trong quá trình cải cách kinh tế dựa trên thị trường có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam, đồng thời khẳng định sự nhiệt tình và cam kết đối với quá trình phối hợp rộng rãi, mạnh mẽ, mang tính xây dựng và trên tinh thần ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và tiến tới công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam theo luật Hoa Kỳ" - Tuyên bố chung viết.
Theo đó, Hoa Kỳ cũng đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc tiếp tục hiện đại hóa và tăng cường hơn nữa tính minh bạch của khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam, thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Mong muốn có thêm bước tiến về IPEF
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là một trong những trụ cột của quan hệ hai nước. Thương mại hai nước đã tăng trưởng nhảy vọt, từ 35 tỉ USD năm 2013 khi hai bên thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, lên 132 tỉ USD năm 2022. Mỹ cũng là một trong những nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Việt thiết lập quan hệ đối tác chiến lước toàn diện được dự đoán sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế giữa hai nước, đặc biệt trong những lĩnh vực mới.
Tuyên bố chung cho biết, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư và tăng trưởng kinh tế bao trùm dựa trên đổi mới sáng tạo đóng vai trò nền tảng cốt lõi và động lực quan trọng của quan hệ song phương.
Hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi và mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa, dịch vụ của mỗi nước, mong muốn có thêm bước tiến đáng kể về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) trong thời gian tới.
Tuyên bố chung cho biết, hai nhà lãnh đạo ghi nhận tầm quan trọng của việc tôn trọng các quyền của người lao động được quốc tế công nhận dựa trên Tuyên bố về Nguyên tắc cơ bản và Quyền tại nơi làm việc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Hai Nhà Lãnh đạo cũng dự định thúc đẩy hợp tác về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hàng không. Hoa Kỳ cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam về sản xuất, phát triển hạ tầng vật chất và hạ tầng số chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng công bằng, nông nghiệp bền vững và thông minh, cũng như hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu rộng và bền vững vào các chuỗi cung khu vực và toàn cầu, trong đó có việc chú trọng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Vì mục đích đó, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) sẽ tiếp tục cung cấp tài chính cho các dự án thuộc khu vực tư nhân tại Việt Nam trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, khí hậu và sử dụng năng lượng hiệu quả, y tế và doanh nghiệp nhỏ, bao gồm các doanh nghiệp chú trọng yếu tố khí hậu và do phụ nữ làm chủ.
Với sự chứng kiến của ông John Kerry, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về Biến đổi khí hậu, ông Marc E. Knapper, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cùng các quan chức chính phủ Mỹ, hôm 10/9, DFC ký cam kết cung cấp khoản vay trị giá 100 triệu USD cho TPBank với kỳ hạn 7 năm để triển khai các khoản tín dụng trong các lĩnh vực nêu trên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.