Giới chức Indonesia cho nổ tung tàu cá nước ngoài bị bắt giữ vì đánh bắt trái phép ở vùng biển nước này. Ảnh: EPA
Hãng SCMP hôm 20/11 đưa tin, một số nhà phân tích nhận định, các động thái gần đây của Washington nhằm hạn chế tình trạng đánh bắt trái phép, không được kiểm soát và không khai báo (IUU) của đội tàu cá Trung Quốc, thông qua sự hiện diện hàng hải mạnh mẽ hơn ở châu Á, được nhiều nước hoan nghênh.
Tuy nhiên, cũng xuất hiện lo ngại từ các nước thuộc Hiệp hội quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi họ không muốn quân sự hóa việc thực thi pháp luật vì có thể châm ngòi cho các xung đột lớn hơn ở các vùng biển tranh chấp thuộc Biển Đông, theo các nhà phân tích.
Gilang Kembara, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Indonesia, cho biết Jakarta sẽ không hoan nghênh cách tiếp cận quân sự hóa của Mỹ nhằm kiềm chế hoạt động đánh bắt trái phép IUU.
"Tôi nghĩ sẽ là một điều tốt nếu Mỹ đề nghị Indonesia hợp tác với lực lượng tuần duyên của họ, vì đánh bắt IUU là một hoạt động trái phép và chúng tôi cần thực thi pháp luật để chống lại các hoạt động này.
Tuy nhiên, nếu Mỹ đề nghị Indonesia hợp tác với lực lượng Hải quân Mỹ, lúc này, vấn đề lại liên quan tới quân sự. Và cách tiếp cận này bị thổi phồng quá mức vì tôi không nghĩ hoạt động đánh bắt trái phép IUU là mối đe dọa hiện hữu với một quốc gia", ông Kembara nhận định.
Jay L. Batongbacal, giám đốc Viện các vấn đề Hàng hải và Luật biển của Đại học Philippines, cho rằng Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte cũng sẽ không hoan nghênh việc thực thi pháp luật chung với Mỹ.
"Nhưng Manila có thể sẽ hài lòng với việc chia sẻ thông tin về các hoạt động trên biển, và ít nhất trong 2-3 năm qua, chính phủ và đặc biệt là Cục Thủy sản, đã tận dụng triệt để thông tin có sẵn từ Mỹ về các hoạt động đánh bắt cá của nước ngoài ở vùng đặc quyền kinh tế của Philippines (EEZ)", ông Batongbacal nói.
Bình luận của các chuyên gia được đưa ra sau tuyên bố của Cố vấn An ninh Mỹ, Robert O’Brien, hồi tháng trước, nói rằng USCG sẽ triển khai các tàu phản ứng nhanh thế hệ mới nhất tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương để giám sát và thách thức hoạt động đánh bắt trái phép của đội tàu cá Trung Quốc.
Đầu tuần này, David Feith, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, phụ trách chính sách an ninh và các vấn đề đa phương tại Văn phòng Các vấn đề châu Á và Thái Bình Dương, chia sẻ với các phóng viên rằng, Washington sẽ mở rộng số lượng các thỏa thuận "cho thuê tàu" mà USCG đã có với các quốc gia ở Thái Bình Dương và giúp họ đối phó "các hành vi gây hấn" của Bắc Kinh trên biển.
Theo thỏa thuận "cho thuê tàu", cơ quan chức năng của một nước được phép lên tàu hoặc máy bay thực thi pháp luật của nước khác khi họ đang tuần tra.
"Ở một số khu vực, ví dụ như Bắc Thái Bình Dương, các đội tàu cá không có quốc tịch nhưng lại có các đặc điểm của tàu cá Trung Quốc. Ngoài ra, lực lượng dân quân hàng hải của Trung Quốc, ước tính bao gồm 3.000 tàu, chủ động thực hiện nhiều hành vi gây hấn trên biển và vùng biển thuộc chủ quyền của các quốc gia khác, ép buộc cũng như đe dọa các ngư dân được đánh bắt hợp pháp", ông Feith nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.