Trong cuộc đời của vua Càn Long, có tới 3 hoàng hậu lần lượt được lập và họ cũng được xem là những người nổi tiếng nhất trong lịch sử Đại Thanh. Ba vị hoàng hậu này đó là Hiếu Hiền Thuần Hoàng Hậu (Phú sát thị), Kế hoàng hậu (Ô Lạp Na Lạp Thị), Hiếu Nghi Thuần Hoàng Hậu (Ngụy Giai thị). Ngoài 3 vị hoàng hậu, Càn Long còn có rất nhiều phi tần, tuy nhiên cũng chỉ có 1 mỹ nhân khiến ông nhớ thương trong suốt 50 năm cuối của cuộc đời. Đó chính là Hiếu Hiền Thuần Hoàng Hậu.
Xuất thân hiển hách
Hiền Thuần Hoàng Hậu ( còn gọi là Phú Sát Thị) có xuất thân từ gia tộc Mãn Châu Tương Hoàng Kỳ. Tổ phụ của bà là Mễ Tư Hàn, bá phụ là Mã Tề, phụ thân là Lý Vinh Bảo đều là những trọng thần được các vị Hoàng đế Khang Hi – Ung Chính – Càn Long tín nhiệm.
Năm 16 tuổi, bà tham gia tuyển tú và được Ung Chính chỉ hôn cho hoàng tử thứ tư là Ái Tân Giác La Hoằng Lịch (sau gọi là vua Càn Long). Xét về tuổi tác, Càn Long hơn Phú Sát Thị 1 tuổi.
Sau khi Càn Long đăng cơ, bà lên ngôi hoàng hậu năm 25 tuổi. Hai năm sau, lễ phong tấn được chính thức cử hành. Bà là vị hoàng hậu được vua Càn Long cực kỳ sủng ái. Bà nổi tiếng là người dịu dàng, thục đức, đoan trang, thi hành tiết kiệm hợp lý. Không những thế, bà còn là tri kỉ, là hậu phương vững chắc của vua Càn Long, được hậu thế tán dương.
Số phận oan trái
Mặc dù tính nết dịu hiền, được nhà vua cực kì sủng ái nhưng số phận của bà cũng tránh khỏi những nỗi oan trái. Bà hạ sinh được 4 người con trai và các vị hoàng tử này đều được Càn Long hết mực yêu thương. Nhưng đáng tiếc rằng, những người con của bà đều qua đời từ rất sớm. Việc liên tiếp mất con đã làm tinh thần bà chịu đả kích rất lớn, sức khỏe bà dần suy yếu.
Vào tháng 2 năm Càn Long thứ 13 (1748), Hiếu Hiền Thuần Hoàng Hậu cùng Càn Long chu du Đông tuần. Trên đường về cung, Phú Sát Thị Hoàng Hậu đột ngột qua đời tại Đức Châu, Sơn Đông. Bà hưởng dương 37 tuổi. Càn Long đã đích thân hộ tống linh cữu hoàng hậu trở về và tổ chức đại tang cho bà. Sau đó 11 ngày, ông đã trực tiếp phong bà thụy hiệu Phú Sát Thị Hoàng Hậu.
Cái chết bí ẩn
Đa số các nguồn thông tin đều cho rằng Phú Sát Thị đột ngột qua đời do bị phong hàn trong chuyến đi Sơn Đông cùng Càn Long. Nhưng nhiều chuyên gia đã đưa ra các giả thuyết khác nhau về cái chết của bà. Vì thế, nguyên nhân cái chết của Hoàng Hậu Phú Sát được xem là một bí ẩn lịch sử khó lý giải.
Câu hỏi lớn nhất được đặt ra là: "Tại sao vị hoàng hậu tài sắc vẹn toàn của nhà Thanh lại đột ngột qua đời?". Trong sử sách không hề đề cập đến nguyên nhân, mà chỉ nhắc rằng "...Khi con thuyền đang ở Đức Châu, Hoàng đế đã mất Hoàng hậu…".
Đã có tin đồn cho rằng, lúc bấy giờ, vua Càn Long sủng hạnh và lén lút qua lại với phu nhân của Phó Hằng, em trai của Phú Sát Hoàng Hậu. Sau khi sự việc bại lộ, hoàng hậu vô cùng tức giận và trách mắng vua. Vào ngày ở trên thuyền đi Sơn Đông, hai người đã xảy ra xung đột.
Trong cơn thịnh nộ không kiểm soát được mình, vua Càn Long đã đẩy Hoàng hậu xuống sông. Cũng có người cho rằng, bà không chịu được đả kích này, nên trong lúc xảy ra xung đột đã nhảy xuống sông.
Dành 50 năm cuối đời để tưởng nhớ
Bất kể cái chết của Hoàng hậu là gì thì mọi người đều không thể phủ nhận rằng Hoàng đế Càn Long đã thực sự đau buồn sau khi bà qua đời.
Lễ tang của Hoàng hậu Phú Sát là một trong những tang lễ được tổ chức long trọng nhất của các triều đại nhà Thanh. Vua Càn Long đã ra lệnh cho mọi người phải giữ nguyên tất cả đồ vật của Hoàng hậu trong Trường Xuân Cung cho đến khi ông thoái vị. Không chỉ vậy ông còn làm tới hơn 100 bài để tưởng nhớ Hoàng hậu, trong đó, bài thơ nổi tiếng nhất có tựa đề là "Thuật Bị Phú". Niềm tiếc thương, day dứt vô cùng chân thành này của Càn Long đã được ghi vào sử sách và được truyền tụng mãi về sau.
Dù vẫn còn nhiều tin đồn xung quanh cái chết bí ẩn của Hoàng hậu Phú Sát nhưng rõ ràng rằng, vua Càn Long đã dành phần đời còn lại của ông để tưởng nhớ tới người vợ kết tóc của mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.