Ngày 31/3, một chỉ huy cấp cao của quân đội Mỹ cho hay Mỹ và Nhật sẽ tăng cường hợp tác quân sự chặt chẽ hơn nữa ở châu Á, đặc biệt là ở Biển Đông, sau nỗ lực thay đổi cách giải thích hiến pháp của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, cho phép quân đội Nhật được thực hiện quyền phòng vệ tập thể ở nước ngoài.
Đô đốc Robert Thomas, tư lệnh Hạm đội 7 của hải quân Mỹ cho hay trong thời gian tới, quân đội Mỹ và Nhật Bản sẽ mở rộng các hoạt động huấn luyện và tuần tra chung khắp châu Á, từ Nhật Bản tới khu vực Biển Đông, một trong những điểm nóng về tranh chấp chủ quyền hiện nay trong khu vực.
Đô đốc Robert Thomas, tư lệnh Hạm đội 7 của hải quân Mỹ
Theo hãng tin Reuters, mặc dù cả Mỹ và Nhật đều không đưa ra tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, song đây là một trong những khu vực hoạt động thường xuyên của Hạm đội 7, và việc Tokyo điều lực lượng phòng vệ biển xuống đây tuần tra có thể sẽ khiến Bắc Kinh tức giận.
Tuyên bố trên của Đô đốc Thomas được đưa ra trong bối cảnh Quốc hội Nhật Bản do đảng của Thủ tướng Abe chiếm đa số đang chuẩn bị thông qua cách diễn giải hiến pháp mới thừa nhận quyền phòng vệ tập thể (CSD) của Nhật Bản.
Đô đốc Thomas nói: “Việc CSD được Quốc hội Nhật Bản thông qua sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho Hạm đội 7 và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản diễn tập, hoạt động ở khắp khu vực Ấn-Thái-Á châu”.
Phát biểu trong một cuộc họp báo được tổ chức cùng với Đô đốc Eiichi Funada, Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, ông Thomas cho rằng hải quân Nhật “có đủ khả năng và năng lực hoạt động trên các vùng biển và không phận quốc tế ở bất kỳ đâu trên toàn cầu”.
Việc Nhật Bản tăng cường vai trò quân sự của mình trong khu vực rất được Mỹ hoan nghênh, trong bối cảnh Washington đang thúc giục các đồng minh ở châu Á như Úc, Nhật làm nhiều hơn nữa để chống lại ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.
Nhật sẽ tăng cường phối hợp với Mỹ tuần tra xuống Biển Đông trong thời gian tới. Ảnh minh họa
Mỹ và Nhật Bản đã tuyên bố rằng vào cuối tháng 6 này, họ sẽ công bố bộ quy tắc hướng dẫn mới cho mối quan hệ đồng minh giữa hai nước, để Tokyo có thể đóng một vai trò chủ động, tích cực hơn.
Đô đốc Thomas cho hay trong thời gian tới, hải quân hai nước sẽ tăng cường các hoạt động tuần tra và diễn tập tại nhiều địa điểm hơn để phát huy hơn nữa thế mạnh của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Hiện Hạm đội 7 của Mỹ vẫn là một đối trọng đáng gờm của hải quân Trung Quốc ở châu Á. Hạm đội này bao gồm khoảng 80 tàu chiến, 140 máy bay, 40.000 thủy thủ, tạo thành lực lượng hải quân hùng mạnh nhất ở khu vực tây Thái Bình Dương.
Hải quân Nhật Bản hiện nay có khoảng 120 tàu chiến, trong đó có hơn 40 tàu khu trục, và một lực lượng tàu ngầm hiện đại khoảng 20 chiếc có thể là đối thủ đáng gờm đối với lực lượng tàu ngầm 56 chiếc của Trung Quốc trên các vùng biển trong khu vực.
Trí Dũng (Theo Reuters)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.