Mỹ phẩm thiên nhiên: Thị trường rộng lớn và màu mỡ

Thứ hai, ngày 17/08/2020 13:31 PM (GMT+7)
Phân khúc mỹ phẩm sử dụng nguyên liệu các sản phẩm thiên nhiên như trái cây… không còn xa lạ với khách hàng Việt Nam. Với hàng ngàn sản phẩm của các thương hiệu "Tây - Ta" trưng bày tại các cửa hiệu, nhiều quý bà hoa mắt...
Bình luận 0

 Sân chơi của các "bà lớn"

Yves Rocher là nhà sản xuất tiên phong trong nhóm hàng mỹ phẩm khai thác nguồn gốc thiên nhiên từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Ngoài việc sở hữu viện nghiên cứu riêng, Yves Rocher còn đi trước các đối thủ bằng quy trình khép kín, từ khâu trồng cho đến nghiên cứu, rồi sản xuất thành phẩm. Tại thị trường Việt Nam, Yves Rocher có đầy đủ các sản phẩm chăm sóc da, trong điểm, chăm sóc tóc, body và nước hoa với mức giá từ 100.000đ - 2.000.000 đồng.

The Body Shop là cái tên quen thuộc với phái nữ xứ Việt trong vòng 10 năm trở lại đây. Hiện tại Việt Nam, The Body Shop cung cấp các sản phẩm về chăm sóc da, tóc, nước hoa, trang điểm và cả một số hương liệu dùng trong nhà như nến, tinh dầu. Riêng về dưỡng da, The Body Shop khá nổi tiếng với dòng sản phẩm dành cho da dầu mụn chiết xuất từ tràm trà, dòng vitamin E dành cho da khô, tảo biển dành cho da dầu, vitamin C làm sáng da... Các sản phẩm của The Body Shop có mức giá từ 100.000đ - 1.600.000 đồng.

Innisfree là một thương hiệu đến từ Amore Pacific (Hàn Quốc) lấy nguyên liệu từ thiên nhiên hòn đảo Jeju. Ngoài các sản phẩm chăm sóc da, tóc, body và trang điểm, thương hiệu này tiếng với các sản phẩm mặt nạ dưỡng da, đặc biệt là mặt nạ đất sét và chiết xuất từ trà xanh dành cho da dầu. Ngoài ra, Innisfree còn sở hữu các loại kem chống nắng dành riêng cho các loại da, chì kẻ mày, phấn phủ kiềm dầu… với thế mạnh là bao bì dễ thương và giá rẻ từ 100.000đ - 1.200.000 đồng. Là thương hiệu đến từ xứ kim chi nên Innisfree dễ dàng tiếp cận và được giới trẻ quen dùng.

The Face Shop xuất hiện năm 2003 với một cửa hàng nhỏ tại khu phố Myeodong (Hàn Quốc). Chỉ sau vài năm, The Face Shop trở thành thương hiệu mỹ phẩm đứng thứ 2 Hàn Quốc với các dòng sản phẩm được chiết xuất từ thiên nhiên. The Face Shop có thế mạnh về sản phẩm dưỡng da lẫn trang điểm. Mỗi dòng sản phẩm dưỡng da của The Face Shop sử dụng các tinh chất chiết xuất từ tự nhiên như sữa rửa mặt từ gạo, dưỡng da dầu được chiết xuất hạt chia… The Face Shop phù hợp với giới trẻ văn phòng khi có mức giá 150.000đ - 2.000.000 đồng.

Mỹ phẩm thiên nhiên: Thị trường rộng lớn và màu mỡ - Ảnh 1.

Thị trường mỹ phẩm Việt Nam hiện là một trong những thị trường mỹ phẩm tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á.

Thương hiệu L'Occitane được giới thiệu lần đầu tiên tại Provence, Pháp vào năm 1976. Đến nay, L'Occitane đã có 480 cửa hàng trên khắp thế giới. Thế mạnh của thương hiệu này là các công đoạn sản xuất đều được làm bằng phương pháp truyền thống, sử dụng các sản vật của vùng Provence như hoa Lavender, hạnh nhân... L'Occitance được giới nữ Việt Nam biết tên với các dòng sản phẩm chăm sóc thân thể, dưỡng da và tóc như bộ sản phẩm chiết xuất từ hạnh nhân gồm dưỡng thể, sữa tắm và tẩy tế bào chết. Là thương hiệu cao cấp nên sản phẩm của L'Occitance có mức giá khá cao, từ 300.000 - 4.500.000 đồng.

Andalou xuất hiện năm 1989 có các nhãn hàng nổi tiếng: Avalon Organics, Alba Botanica, Alba Hawaiian, Sonoma, Un-petroleum... Andalou kết hợp chiết xuất hữu cơ và công nghệ công nghệ tế bào gốc chiết xuất từ thực vật vào các sản phẩm dưỡng da được chia thành 5 dòng: da dầu mụn, nhạy cảm, làm sáng da, chống lão hoá và cấp ẩm. Andalou Naturals là một trong những hãng mỹ phẩm được công nhận là sử dụng thành phần không biến đổi gen. Hiện các sản phẩm của Andalou dao động với mức từ 200 - 700.000 đồng.

Botani cũng là hãng dược mỹ phẩm hữu cơ của Australia ứng dụng liệu pháp thiên nhiên theo hướng khoa học hiện đại, được Cục quản lý dược của Úc công nhận là thương hiệu dược mỹ phẩm đúng với khái niệm 100% nguồn gốc thực vật, là sản phẩm dành cho phụ nữ mang thai và những ai có làn da nhạy cảm. Các sản phẩm của Botani có mức giá cao, từ 450 - 1.500.000 đồng.

Thương hiệu Việt đang ở đâu?

Theo Niesel, mức chi của người tiêu dùng Việt Nam cho mỹ phẩm bình quân chỉ 4 USD/người/tháng, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Tuy vậy, thị trường mỹ phẩm Việt Nam hiện có doanh thu khoảng 15.000 tỷ đồng mỗi năm, là một trong những thị trường mỹ phẩm tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á. Theo báo cáo Insight handbook 2019 của Kantar World Planet, phân khúc lớn nhất của thị trường mỹ phẩm Việt Nam là sản phẩm dưỡng da.

Thế nhưng, các doanh nghiệp mỹ phẩm Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% thị trường. Mỹ phẩm Việt hoàn toàn đủ sức thuyết phục người tiêu dùng bởi lợi thế lớn về nguồn nguyên liệu thiên nhiên là thảo mộc để cạnh tranh với các nước. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện trụ được ở phân khúc giá rẻ, phù hợp với túi tiền người Việt và xuất khẩu sang một số thị trường lân cận. Theo quan sát, hiện các dòng mỹ phẩm thương hiệu Việt "sống khỏe" ở các tỉnh hoặc các quận ngoại thành của các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM…

Sao Thái Dương được thành lập vào năm 2000, đang được coi là một trong những thương hiệu quen thuộc với người dùng Việt Nam với các sản phẩm có nguồn gốc từ các loại thảo dược như: kem nghệ, bộ mỹ phẩm Tây Thi, kem chống nám…

Đại Việt Hương được biết đến với nhiều sản như: E100, dầu gội Dermylan, Biona…, các sản phẩm mỹ phẩm của Đại Việt Hương được chiết xuất 100% từ thiên nhiên

Thorakao (thành lập năm 1961) có một số mặt hàng truyền thống, thuyết phục nhóm khách hàng lớn tuổi như: kem dưỡng da, dầu gội đầu, nước bóng tóc... với các nguyên liệu của thiên nhiên: bồ kết, lúa mì, bưởi, cam, dầu, ô liu, hướng dương, dâu tằm, cám gạo, sâm Ngọc Linh… với nhiều sản phẩm như: sữa rửa mặt nghệ, kem thoa da dưa leo, dầu gội dâu tằm, kem trân châu… Không chỉ bán trong nước, nhiều sản phẩm của Thorakao còn bán sang Singapore, Đài Loan, Campuchia…


Nguyên Hạnh (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem