Mỹ “ra giá” với Triều Tiên

Chủ nhật, ngày 14/04/2013 11:35 AM (GMT+7)
Dân Việt - Mỹ cho biết sẵn sàng nghiên cứu nối lại viện trợ cho Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và không gây thêm những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay.
Bình luận 0

Trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc của ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Seoul và Washington đã ra tuyên bố chung, trong đó có đề cập đến vấn đề nêu trên.

Tuyên bố chung cho biết, nếu Triều Tiên từ chối chương trình hạt nhân, Mỹ và Hàn Quốc sẽ sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ phù hợp với tuyên bố chung hỗ trợ Bình Nhưỡng đạt được trong đàm phán sáu bên. Washington và Seoul cũng cho rằng: "Bình Nhưỡng phải chứng minh sự nghiêm túc thực thi bổn phận quốc tế".

Tại cuộc họp báo chung với người đồng nhiệm Hàn Quốc Yoon Se Ben, Ngoại trưởng Kerry khẳng định sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên về chương trình hạt nhân. Ông Kerry cũng cảnh báo Triều Tiên không tiến hành các thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Theo ông, động thái phóng tên lửa sẽ chứng tỏ Chủ tịch Kim Jong Un bỏ qua ý kiến của cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, ông Kerry cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên cần nhận thấy hiện thực thất bại nếu để xảy ra xung đột trên bán đảo Triều Tiên.

img
Thế giới đang chờ đợi xem Bình Nhưỡng sẽ làm gì tiếp theo

Các phương tiện truyền thông trước đó đã đưa tin Triều Tiên có kế hoạch thử nghiệm tên lửa đạn đạo trong tương lai gần. Lầu Năm Góc xác nhận thông tin Triều Tiên đã đặt ít nhất một tên lửa Musudan vào bệ phóng.

Tuy nhiên, đến ngày 13.4, phương tiện truyền thông Hàn Quốc cho biết, không có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên sắp thử tên lửa như dự đoán trước đó là vào khoảng trước hoặc trong ngày 15.4.

Theo nhiều nhà phân tích, trong trường hợp xung đột vũ trang trên bán đảo Triều Tiên xảy ra, Triều Tiên sẽ bị chiến dịch không quân lâu dài của Mỹ tấn công, đặc biệt là để phá hoại hệ thống phòng không, làm tê liệt hệ thống giao thông và hệ thống quản lý, phá hủy dần dần của các đơn vị cơ giới và cuối cùng Bình Nhưỡng thất bại là điều không thể tránh khỏi.

Đồng thời, Triều Tiên cũng sẽ có thể gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế và gây tổn thất dân sự cho Hàn Quốc và Nhật Bản.

Triều Tiên có số lượng lớn các hệ thống pháo tự hành và pháo kéo, hầu hết trong số đó tập trung ở khu phi quân sự và các vị trí có thể tấn công Seoul. Đó là những thiết bị thô sơ nhưng rất mạnh, chẳng hạn như súng tự hành 170-mm "Koksan" có thể giáng đòn mạnh mẽ đến các khu vực đông dân cư của Hàn Quốc, trước khi chúng bị không quân đối phương tiêu diệt.

Tuy nhiên, để xảy ra chiến tranh, Triều Tiên sẽ khiến cho đất nước bị thiệt hại và tàn phá, còn đối với Mỹ và đồng minh của họ, sẽ có hàng ngàn nạn nhân từ dân thường thiệt mạng và thiệt hại hàng tỷ USD cho nền kinh tế, cũng như một chiến dịch lâu dài tốn kém về kinh tế và tổn thất về chính trị để tấn công Triều Tiên.

Khi tiến hành một chiến dịch như vậy chắc chắn cũng sẽ gây căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh ở một bên và giữa Trung Quốc và Nga ở bên khác. Nga và Trung Quốc không thể để cho Triều Tiên chuyển sang khu vực ảnh hưởng của Mỹ và sẵn sàng sử dụng các công cụ chính trị khác để ngăn chặn điều đó.

Nhận thức được những hậu quả này, ngoài Triều Tiên, các bên liên quan còn lại đang nỗ lực hết sức để làm dịu tình hình. Tổng thống Mỹ Obama từng khẳng định, không ai muốn có chiến tranh với Triều Tiên, nhưng sẽ làm tất cả những gì có thể để tự vệ. Mỹ cũng hối thúc Trung Quốc và Nga tích cực hơn nữa trong việc gây ảnh hưởng với Triều Tiên.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm châu Á, ngày 13.4, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì tuyên bố hai ông ủng hộ mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trong cuộc gặp này, ông Dương Khiết Trì cho biết Trung Quốc sẽ làm việc với Mỹ và các quốc gia khác để đóng một vai trò chủ yếu trong việc nối lại các cuộc đàm phán 6 bên đã bị đình trệ về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Theo VOR, AP

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem