Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Phát biểu về chiến lược quốc phòng Mỹ tại Viện Hoover ở Washington DC, ông Carter nói: “Khẩu hiệu của lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc là ‘chiến đấu ngay tối nay’, đó không phải là điều chúng ta muốn làm nhưng chúng ta có thể và sẵn sàng làm. Vì đây không phải là trò chơi”.
Tuyên bố của ông Carter đến hai tuần sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần 5. Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã “sở hữu đầu đạn hạt nhân thu nhỏ, nhẹ hơn và sức công phá lớn hơn”.
Hiện Mỹ duy trì khoảng 25.800 quân ở Hàn Quốc, đóng vai trò răn đe, ngăn chặn đợt tấn công từ Bình Nhưỡng. Ông Carter nhấn mạnh tầm quan trọng về việc các đồng minh quốc tế giúp đỡ nhau nhằm đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực.
“Chúng ta có lực lượng mạnh mẽ ở đó. Đồng minh Hàn Quốc ngày càng vững mạnh hơn”, ông Carter phát biểu. “Thật đáng tiếc, bức tranh ngoại giao đang hết sức ảm đạm. Washington đang nỗ lực để ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Nga, Trung Quốc nhưng thật khó dự đoán những gì xảy ra trong tương lai. Chúng ta phải thể hiện khả năng răn đe mạnh mẽ”.
Tên lửa đạn đạo Triều Tiên phóng thử nghiệm từ tàu ngầm.
Trong thông điệp ngày 9.9, Tổng thống Mỹ Barack Obama lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, nhấn mạnh “mối đe dọa cho an ninh khu vực và hòa bình, ổn định quốc tế”. Ông Obama nói Triều Tiên là quốc gia duy nhất còn thử hạt nhân trong thế kỷ này”.
Tổng thống Mỹ chỉ trích Bình Nhưỡng coi thường các quy tắc và chuẩn mực quốc tế. “Các hành động khiêu khích gây mất ổn định của Triều Tiên càng làm quốc gia này bị cô lập, khiến cho người dân đứng trước nhiều khó khăn”.
Hội đồng Quan hệ Ngoại giao (CFR) – tổ chức nghiên cứu độc lập ở Mỹ chỉ trích chính quyền Obama “quá kiên nhẫn” với Triều Tiên. “Bình Nhưỡng tiếp tục theo đuổi con đường này đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia Mỹ và đồng minh”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ mô tả khó khăn trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên, trong bối cảnh Mỹ phân tán nguồn lực cho cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay các vấn đề từ Nga, Iran. Ông Carter cho rằng, phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa là cách duy nhất để tiếp tục chủ động trong mối đe dọa hạt nhân.
“Phòng thủ tên lửa là một điều khó khăn. Khi nói đến mối đe dọa hạt nhân lớn như của Nga, chúng ta biết rằng mình không có cách nào bảo vệ bản thân ngoại trừ răn đe. Nhưng chúng ta không chấp nhận điều đó với Triều Tiên. Chúng ta phải chủ động bảo vệ chính mình để tiếp tục chiếm ưu thế trước những gì Bình Nhưỡng đang phát triển”, ông Carter phát biểu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.