Mỹ tăng cường phòng vệ thương mại: VN "vạ lây"

Thứ năm, ngày 30/09/2010 14:51 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa đưa ra các biện pháp tăng cường phòng vệ thương mại. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào Mỹ.
Bình luận 0
img
Sản phẩm cá tra của một số doanh nghiệp Việt Nam đang bị Mỹ áp mức thuế sơ bộ lên tới 136%.

"Vạ lây"...

Tại cuộc tọa đàm do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức về vấn đề này hôm qua (29-9), ông William H. Barringer - Luật sư hàng đầu về chống bán phá giá (CBPG), trợ cấp, tự vệ của Mỹ cho biết, chính sách "khó chịu" này của Mỹ chủ yếu nhằm vào Trung Quốc nhưng không may cho Việt Nam bị “vạ lây”.

Theo ông Barringer, Việt Nam đang bị Mỹ coi là mối nguy cơ tiềm tàng trong tương lai vì Trung Quốc đang đầu tư nhiều nhà máy sản xuất tại VN để xuất hàng sang Mỹ.

Thực tế là sau những vụ kiện chống lại Trung Quốc, Mỹ thấy có sự chuyển hướng sản xuất của Trung Quốc sang Việt Nam như đồ gỗ, mắc áo... làm cho xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam tăng vọt. Việt Nam cũng bị "vạ lây" bởi các vụ kiện chống Trung Quốc bằng phép "cộng dồn", tức là nguyên đơn có thể kiện nhiều nước để tránh việc một nước bị kiện chuyển sang một nước khác tương đồng để sản xuất hàng hóa bị kiện đó.

Trung Quốc hiện đang được coi là trọng tâm của các vụ kiện của Mỹ vì bị cho là đã định giá thấp đồng tiền. "Gói" tăng cường luật phòng vệ thương mại của Mỹ là nhằm đến các nền kinh tế phi thị trường và chủ yếu là Trung Quốc. Vì cũng là một nước bị coi là "phi thị trường" nên nhiều chính sách của luật này sẽ ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với Mỹ.

"Tính không xác định" cũng là điểm quan trọng, gây tác động lớn trong các vụ kiện. Mỹ thường đưa ra mức thuế ước tính để doanh nghiệp phải đặt cọc khi xuất khẩu hàng hóa bị kiện vào Mỹ và sau đó, sẽ có một đợt rà soát hành chính, lúc đó mức thuế mới được tính, lúc ấy mức thuế có thể tăng vọt so với đặt cọc của doanh nghiệp vì không có "trần" nào cho mức thuế này hàng năm.

Ông Barringer nói: "Điều này rất nguy hiểm và khó khăn cho doanh nghiệp của nước xuất khẩu. Trong vụ kiện cá tra hiện nay, trong đợt rà soát hành chính lần thứ 6 Việt Nam đã bị áp điều này và Mỹ đã đưa ra mức thuế sơ bộ cho doanh nghiệp Việt Nam lên tới 136%".

Mỹ cũng tăng cường sử dụng biện pháp "chọn mẫu ngẫu nhiên" trong việc lựa chọn các bị đơn bắt buộc thay vì dựa trên các nhà xuất khẩu lớn nhất của sản phẩm bị điều tra, điều này sẽ dẫn tới nếu chọn phải doanh nghiệp nhỏ, không có đủ năng lực theo kiện doanh nghiệp đó sẽ bỏ kiện khiến Mỹ áp thuế cao, ảnh hưởng tới xuất khẩu cả ngành hàng bị kiện. Trong vụ kiện túi nhựa PP của Việt Nam vừa qua, hai doanh nghiệp Việt Nam được Mỹ chọn để điều tra đã bỏ kiện vì không có năng lực theo kiện và nhỏ bé đã khiến Mỹ áp thuế cho ngành sản xuất túi PP của Việt Nam tới 160%...

Doanh nghiệp không nên quá hoảng sợ

Trả lời câu hỏi của NTNN về việc làm thế nào để Mỹ chọn Bangladesh làm "giá trị thay thế để tính thuế" thay vì Philippines trong vụ kiện cá tra của Việt Nam hiện nay, ông Barringer nói: "Phía Mỹ hoàn toàn có thể quay lại lấy Bangladesh nếu luật sư bảo vệ cho doanh nghiệp Việt Nam có bản đệ trình tốt, khẳng định được việc chọn Bangladesh là phù hợp hơn Philippines. Đây hoàn toàn là vấn đề kỹ thuật".

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hội đồng tư vấn phòng vệ thương mại-VCCI thừa nhận: Việc Mỹ tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại, cụ thể là kiện chống bán phá giá/chống trợ cấp sẽ ảnh hưởng nhiều tới doanh nghiệp Việt Nam. Theo bà Loan, nguy cơ doanh nghiệp Việt Nam bị kiện sẽ tăng lên. Doanh nghiệp cũng sẽ khó phòng chống vì Việt Nam còn bị Mỹ coi là nền kinh tế phi thị trường.

"Sẽ không chỉ những ngành xuất khẩu có kim ngạch lớn hoặc tăng trưởng nhanh của Việt Nam sang Mỹ có nguy cơ bị kiện mà những mặt hàng kim ngạch xuất khẩu không lớn sang Mỹ cũng có thể bị kiện vì bị "vạ lây" bởi một nước nào đó" - bà Loan nói.

Ông Barringer cho rằng, "gói" tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ sẽ hấp dẫn các nguyên đơn, khuyến khích họ kiện nhiều vụ hơn tới đây. Các nước có nền kinh tế phi thị trường sẽ khó khăn hơn, bị áp thuế cao hơn và bị kiện nhiều hơn. Song không phải vì thế mà chúng ta không phát triển. “Bị kiện là chứng tỏ Việt Nam đã có nhiều thành công, Việt Nam đã mạnh hơn" - ông Barringer nhấn mạnh.

Theo ông Barringer, Việt Nam hiện cũng đã có nhiều chuyên gia hiểu biết về chống bán phá giá, hoàn toàn có thể tư vấn cho doanh nghiệp; do vậy doanh nghiệp Việt Nam không nên hoảng sợ, mà cần nghe tư vấn của các chuyên gia sau đó bình tĩnh đối phó với vụ kiện.

Ông Barringer cũng cho biết thêm: "Giá trị thay thế để tính thuế" rất quan trọng trong vụ kiện, do vậy, doanh nghiệp phải đầu tư cho điều này nhiều hơn. Vụ cá tra Việt Nam bị phía Mỹ chuyển từ Bangladesh sang Philippines để làm "giá trị thay thế để tính thuế" là nhằm áp thuế cao cho Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam phải tập trung lại với nhau để giải quyết vấn đề này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem