Mỹ tăng thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam: Có thể kiện lên WTO

Thứ năm, ngày 16/09/2010 14:04 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đối phó việc Mỹ tăng mức thuế chống bán phá giá cá tra VN thế nào? Ngày 15-9, NTNN đã trao đổi vấn đề này với bà Nguyễn Chi Mai - Trưởng Ban chống bán phá giá, trợ cấp, tự vệ (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương).
Bình luận 0

Bà Mai cho biết: “Tại thời điểm này, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) chưa công bố chính thức về việc áp thuế chống bán phá giá mặt hàng cá tra, basa của VN xuất khẩu sang Mỹ. Những thông tin mà doanh nghiệp VN và chúng tôi có được là do phía luật sư bảo vệ cho các doanh nghiệp VN cung cấp. Do vậy, chúng tôi đang nghiên cứu để đưa ra những lập luận, phản bác lại quyết định này của DOC". 

img
Việc DOC tăng thuế bán phá giá đối với mặt hàng cá tra, basa là vô lý và áp đặt

Theo các luật sư thì VN chỉ có 6 tháng để có thể thay đổi quyết định của DOC. Theo bà, chúng ta có đủ thời gian để đối phó?

- Đây là vụ kiện liên quan đến các doanh nghiệp. Do vậy, bản thân các doanh nghiệp VN phải sớm có sự chuẩn bị đối phó trước. Cụ thể, các doanh nghiệp cần chứng minh được, mình xuất bán sản phẩm với giá nào, nhập nguyên liệu ở đâu, rồi điều kiện cạnh tranh, giá cả...

Tất cả những vấn đề đó cần phải sớm chuẩn bị đầy đủ thông tin để đối phó. Chúng tôi cũng cần doanh nghiệp cung cấp các thông tin này để có thể đưa ra các phương án chuẩn bị đối phó cụ thể và tốt hơn.

img Theo tôi, mức thuế chống bán phá giá cao, không chỉ các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra VN chịu lỗ nặng, mà người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một khi DOC áp dụng quyết định này, xuất khẩu cá tra của VN sang Mỹ sẽ khó khăn hơn. img

Bà Nguyễn Chi Mai

Luật sư tư vấn rằng, các doanh nghiệp VN chịu sức ép quá lớn từ thị trường Mỹ, nên rất cần có những tác động từ cấp cao hơn như Chính phủ, Bộ Công Thương đến DOC. Bà nghĩ sao?

- Đây là vấn đề hoàn toàn mang tính chất kỹ thuật. Do vậy, kiến nghị Chính phủ tác động là rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu phía DOC đưa ra phán quyết về một mức thuế cao không hợp lý thì chúng tôi sẽ nghiên cứu, xem xét các thông tin từ doanh nghiệp để có những lập luận phản bác.

Những lần xem xét trước đây, DOC thường lấy nước thứ 3 là Bangladesh để so sánh chi phí của các doanh nghiệp VN. Vậy tại sao lần này họ lại chọn Philippines?

- Mục tiêu của DOC là ép doanh nghiệp VN không thể cạnh tranh được, do vậy họ muốn áp thuế càng cao càng tốt. Họ dự kiến chọn Philippines cũng là vì mục đích này. Làm như thế là không phù hợp, nên doanh nghiệp của VN phải đấu tranh. Doanh nghiệp VN phải chứng minh được là việc phía Mỹ chọn Philippines để so sánh với VN là không hợp lý.

Trên thực tế, Philipines không có ngành công nghiệp cá. DOC chọn Philippines, một nước có sản lượng cá thấp (chỉ có 36 ao nuôi với sản lượng 12.000 tấn/năm-PV), chi phí giá thành cao để so sánh với VN, nước phát triển mạnh về cá tra, có đầu tư lớn từ vùng nuôi, từ chế biến đến xuất khẩu là không tương đồng với VN và rất vô lý. Chúng ta cần phải đấu tranh để bảo vệ quan điểm này.

Trong vụ kiện chống bán phá giá với mặt hàng tôm, chúng ta cũng đã kiện lên WTO để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp VN. Lần này chúng ta có thể kiện lên WTO không, thưa bà?

- Chúng ta phải nghiên cứu xem các điều khoản của họ có vi phạm các quy định của WTO không đã, rồi lúc đó mới có thể kiện lên WTO được. Chúng tôi cũng đang tập trung nghiên cứu theo hướng này. Khi DOC có công bố chính thức thì lúc đó chúng tôi sẽ có phản ứng cụ thể.

Xin cảm ơn bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem