Mỹ thừa nhận đã do thám “quá xa”

Thứ bảy, ngày 02/11/2013 06:38 AM (GMT+7)
Ngày 1.11, Mỹ bất ngờ thừa nhận, chương trình nghe lén của họ trong một vài trường hợp đã đi quá xa. Tuyên bố trên được đưa ra khi căng thẳng với các đồng minh lâu đời của Mỹ ở châu Âu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Bình luận 0
Sau 10 ngày căng thẳng với các đồng minh châu Âu về bê bối nghe lén, hôm 31.10 (giờ Mỹ), tại một hội nghị tổ chức ở Anh qua cầu truyền hình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry công khai thừa nhận: “Đúng là trong một số trường hợp, việc do thám đã vượt giới hạn một cách không thích hợp. Chúng tôi đang đảm bảo rằng điều này sẽ không xảy ra trong tương lai”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Đây là lần đầu tiên, giới chức Mỹ thừa nhận việc làm vượt giới hạn của các cơ quan tình báo nước này. Trong bài phát biểu của mình, ông Kerry biện hộ rằng, các hành động do thám của Mỹ là để “đối phó với khủng bố”. Ông dẫn các vụ tấn công khủng bố ở Mỹ (11.9.2001) và các vụ đánh bom đẫm máu ở London (Anh), Madrid (Tây Ban Nha)… để tranh cãi rằng, Mỹ và các đồng minh đã phải phối hợp với nhau nhằm chống lại chủ nghĩa cực đoan trên thế giới.

Ngoại trưởng Mỹ một mặt thừa nhận, những hành động quá giới hạn đã làm vẩn đục quan hệ với các đồng minh thân cận, như Đức. Song ông cũng nhấn mạnh rằng, việc thu thập thông tin là cần thiết. Ông Kerry cho hay các hoạt động nghe lén của Mỹ đã giúp lực lượng an ninh biết trước kế hoạch để có thể ngăn chặn được các vụ đâm máy bay, đánh bom tòa nhà hay ám sát.

"Tôi đảm bảo với quý vị, những người dân thường không bị quấy rối bởi quá trình do thám”- ông Kerry nói. Ngoại trưởng J.Kerry bác bỏ những thông tin trên báo chí về việc có khoảng 70 triệu người đang bị nghe lén trong chương trình do thám của Mỹ. Tuyên bố của Ngoại trưởng Kerry được đưa ra trong bối cảnh có thêm những tiết lộ mới nhất về chương trình nghe lén điện tử của Mỹ, liên quan đến các nước châu Á.

Tiết lộ trên tờ Sydney Morning Herald của Australia cho biết, đại sứ quán và các cơ quan ngoại giao của Australia ở Jakarta (Indonesia), Bangkok (Thái Lan), Hà Nội (Việt Nam), Bắc Kinh (Trung Quốc), Dili (Đông Timor), Kuala Lumpur (Malaysia) và Port Moresby (Papua New Guinea) đóng vai trò là nơi chứa các thiết bị phục vụ chương trình nghe lén của Mỹ ở Châu Á.

Sáng 1.11, Indonesia đã triệu hồi Đại sứ Australia để yêu cầu giải thích. Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa tuyên bố, Chính phủ nước này không chấp nhận và cực lực phản đối việc đặt các thiết bị nghe lén của Đại sứ quán Australia ở Jakarta. “Nếu như thông tin này được khẳng định thì hành động đó không chỉ vi phạm an ninh mà còn vi phạm nghiêm trọng các quy tắc ngoại giao”- ông Marty nhấn mạnh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying cho hay, Trung Quốc yêu cầu Mỹ phải giải thích về vụ việc, đồng thời yêu cầu các đại sứ quán nước ngoài tại Bắc Kinh tuân thủ Công ước Vienna.

Ngoại trưởng Malaysia cũng ra tuyên bố cho biết đang chờ đợi sự xác nhận từ Mỹ và nhấn mạnh, an ninh và chủ quyền lãnh thổ của Malaysia cần được tôn trọng.

Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia từ chối bình luận về vụ việc. Thủ tướng nước này, ông Tony Abbott tuyên bố rằng "mọi cơ quan chính phủ và quan chức Australia đều hoạt động theo khuôn khổ của pháp luật”.

Minh Đăng (Minh Đăng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem