Sự kiện này đã được cả thế giới hoan nghênh, đặc biệt là tại châu Mỹ và châu Âu. Từ năm 1961, Washington đã cắt đứt quan hệ với Havana khi Cuba trở thành một đồng minh thân cận của Liên Xô cũ. Tình trạng thù địch giữa đôi bên lên cao với các cuộc khủng hoảng về gián điệp, người tỵ nạn, và vụ khủng hoảng tên lửa tháng 10.1962...
Xích lại gần nhau ngoạn mục
Ngày 17.12 (theo giờ Cuba), trong thông điệp gửi tới toàn thể nhân dân Cuba, Chủ tịch Raul cho biết quyết định trên là kết quả của một loạt các cuộc đàm phán bí mật ở cấp cao, trong đó có cuộc điện đàm trực tiếp giữa ông và Tổng thống Barack Obama, cùng với sự trung gian của Tòa thánh Vatican và Giáo hoàng Francis. Người dân Cuba đổ ra đường ăn mừng sau bài phát biểu của Chủ tịch Raul Castro. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người tỏ ý dè dặt trước thay đổi bất ngờ này.
Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro gặp nhau tại lễ tang cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela năm 2013. AP
Động thái bình thường hóa quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa Mỹ và Cuba là một phần của thoả thuận mới nhất giữa hai bên, trong đó có việc phía Cuba sẽ thả nhà thầu Mỹ Alan Gross – người 5 năm bị giam ở nhà tù nước này để đổi lấy sự tự do của 3 người Cuba bị giam trong một nhà tù ở Florida, Mỹ. Tổng thống Obama cũng cho hay nước này đang xem xét để mở đại sứ quán tại Havana, thủ đô Cuba trong vài tháng tới.
Tổng thống Obama cũng thừa nhận các chính sách trừng phạt, bao vây cấm vận chống Cuba đã lỗi thời và nhiều thời điểm chính nước Mỹ lại bị cô lập ở khu vực và quốc tế vì mối quan hệ với Cuba khiến cho khả năng tạo ảnh hưởng của Washington ở Tây bán cầu bị hạn chế. Tuy vậy, ông Obama sẽ phải cần đến sự phê chuẩn của Quốc hội hiện do phe Cộng hòa kiểm soát để xóa bỏ lệnh cấm vận Cuba. Và trong bối cảnh một số nghị sĩ cốt cán của Đảng Cộng hòa vẫn phản đối bất kỳ sự tan băng nào dù là nhỏ nhất trong quan hệ với Cuba, ông Obama khó có thể kỳ vọng sẽ sớm có được sự hợp tác từ Quốc hội. Do ông Obama sẽ không ra tranh cử nhiệm kỳ nữa, nên thỏa thuận của ông với Cuba sẽ được để lại cho người sẽ kế nhiệm ông vào năm 2016 hoàn tất.
Nhà trung gian hoàn hảo
Một trong những người đã góp phần làm nên sự kiện này là Đức Giáo hoàng Francisco. Mùa hè vừa qua, Giáo hoàng đã viết thư cho Chủ tịch Cuba và Tổng thống Mỹ, đề nghị hai nước giải quyết những vấn đề nhân đạo hiện nay như tù nhân Guantanamo và việc Cuba trả tự do cho công dân Mỹ Alan Gross và Mỹ thả các điệp viên Cuba. Trong các bức thư này, Giáo hoàng Francisco đã kêu gọi Chủ tịch Cuba Raul Catro và Tổng thống Mỹ Barack Obama hãy tạo ra một thời kỳ mới trong quan hệ giữa hai nước. Trong một thông báo của Tòa thánh Vatican viết: “Nhờ có Đức Giáo hoàng và những cộng sự thân cận của ngài, như cựu đại diện của Giáo hoàng tại Cuba hay Quốc vụ khanh, Hồng y Pietro Parolini, một nhà ngoại giao lão luyện tinh tế, mà hồi tháng 10 vừa qua, Vatican đã kín đáo tổ chức và đón tiếp một cuộc gặp mang tính chất quyết định giữa đại diện chính quyền Mỹ và Cuba”.
Ngay sau khi tuyên bố lịch sử được cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba đưa ra, Giáo hoàng Francisco là người đầu tiên lên tiếng hoan nghênh quyết định lịch sử này.
Dư luận thế giới cũng đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của các nhà lãnh đạo Mỹ, Cuba. Thủ tướng Canada Stephen Harper hoan nghênh Washington và La Habana về cuộc đối thoại và các cuộc đàm phán giữa hai bên, cho phép dẫn đến bình thường hóa quan hệ. Đại diện các nước châu Mỹ Latin đang tham gia họp Thượng đỉnh nhóm Mercosur tại Achentina cũng đã hoan nghênh bước “tiến đến hòa bình” tại châu lục này.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, tỏ ý hy vọng là sự xích lại gần nhau giữa Mỹ và Cuba sẽ nhanh chóng dẫn đến việc bãi bỏ lệnh cấm vận của Mỹ đối với La Habana.
Việt Nam hoan nghênh tuyên bố lịch sử: Chiều 18.12, trả lời câu hỏi quan điểm của Việt Nam về việc Cuba- Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, Việt Nam hoan nghênh việc Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng tống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ nối lại quan hệ 2 nước sau 53 năm gián đoạn. “Việt Nam tin tưởng rằng các tuyên bố mang tính lịch sử này là bước khởi đầu cho việc tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa 2 nước, đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân Cuba và Mỹ”- bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.