Mỹ và kế hoạch "Chim kền kền" cứu Pháp ở Việt Nam (Kỳ 3): Bất lực ở Điện Biên Phủ

Thứ tư, ngày 10/07/2019 18:33 PM (GMT+7)
Navarre đã trả lời rõ ràng dứt khoát. Ông ta nói một sự can thiệp của Mỹ bằng không quân như thế sẽ tiêu diệt được pháo binh và pháo phòng không của địch và sẽ làm cho tình hình của tập đoàn cứ điểm được ổn định lại.
Bình luận 0

Nhưng trên thực tế, trong ba ngày trước đó, tình hình Điện Biên Phủ đã xấu đi một cách nghiêm trọng. Việt Minh lại mở một đợt tấn công mới vào ngày 30/3 và đã phát triển rất nguy hiểm dọc theo sườn phía đông của quân Pháp. Từ các tiền đồn mới chiếm được, hỏa lực của Việt Minh khống chế hoàn toàn sân bay. Thương binh không thể nào sơ tán được – chiếc máy bay cuối cùng đã rời khỏi sân bay từ ngày 26/3 – Điện Biên Phủ chỉ còn được tiếp tế bằng dù. Hỏa lực phòng không của Việt Minh càng ngày càng làm cho các chuyến thả dù thêm mất chính xác.

img

Pháp bất lực trong việc cứu vãn tình hình ở Điện Biên Phủ.

Đại tá Brohon rời Đông Dương trong ngày. Khi ông ta vừa về đến Paris vào tối chủ nhật 4/4 là có ngay một cuộc họp của Ủy ban Chiến tranh. Lần này thì phải có quyết định. Chính phủ cho rằng họ không có quyền từ chối bất cứ hành động nào có thể cứu được Điện Biên Phủ. Ngay các bộ trưởng thường có cương vị thuận lợi nhất để đánh giá nguy cơ của những vấn đề phức tạp trong tình hình quốc tế cũng cảm thấy không thể chống lại đề nghị yêu cầu Mỹ giúp nếu như không có cách nào khác để cứu được Điện Biên Phủ đang bị vây hãm. Mọi người đều tin – có thể trong một lúc thiếu cân nhắc – rằng một chiến dịch hoạt động giới hạn như thế này sẽ không dẫn tới mở rộng chiến tranh. Tất cả những người dự cuộc họp đều nhất trí rằng chiến dịch sẽ có khả năng phá được vòng vây hoặc ít ra cũng hỗ trợ cho quân chiếm đóng một mức độ quan trọng. Cùng lặp lại những từ của Navarre đã dùng, họ đều nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất là hoạt động can thiệp phải làm ồ ạt và không chậm trễ.

Cuộc họp vừa đạt được sự nhất trí là vội giải tán ngay để cho Maurice Schumann (một chính trị gia nổi tiếng của Pháp) kịp mời Đại sứ Mỹ Douglas Dillon tới khách sạn Matignon vào 11 giờ 30 phút ngay trong đêm đó. Dillon được Laniel tiếp với sự có mặt của Bidault. Thay mặt chính phủ Pháp, Thủ tướng Laniel đề nghị đại sứ Mỹ Dillon yêu cầu chính phủ Mỹ can thiệp bằng máy bay ném bom hạng nặng, có thể ném loại bom 2 tấn hoặc nặng hơn để cứu Điện Biên Phủ. Đại sứ Dillon nói theo ý ông ta thì còn phải xin ý kiến Quốc hội, nhưng ông hứa sẽ chuyển lời yêu cầu đến chính phủ Mỹ không chậm trễ.

Washingtontrả lời khá nhanh. Ngày hôm sau Dillon trao cho Bidault một bức điện ông vừa nhận được của Dulles. Bức điện viết Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ đã giải thích cho tướng Ely, có cả Đô đốc Radford cùng dự, là nước Mỹ không thể tiến hành hoạt động chiến tranh ở Đông Dương khi chưa có sự thỏa thuận chính trị với nước Pháp và các nước khác và chưa có sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ. Sau khi đã tham vấn ý kiến ở cấp cao nhất, bây giờ ngoại trưởng phải khẳng định thái độ này. Hoa Kỳ sẽ làm mọi việc trong phạm vi quyền lực của mình, trong phạm vi giới hạn của hiến pháp để làm thuận lợi hành động phối hợp ở Đông Dương. Tuy nhiên, hành động đó sẽ không thể có chừng nào chưa hình thành được một sự liên kết trong đó có sự hợp tác tích cực của Khối Thịnh vượng chung Anh quốc. Trong lúc chờ đợi, mọi việc đều có thể thực hiện, ngoại trừ hành động chiến tranh.

Như thế là chính phủ Mỹ đã bác bỏ yêu cầu của chính phủ Pháp, và ý tưởng về việc Mỹ tiến hành oanh kích Điện Biên Phủ bị gác lại, trong bất cứ trường hợp nào vào lúc này.

Tình hình đã diễn ra như thế nào mà đi đến kết cục như thế? Rất đơn giản là ở Washington, Đô đốc Radford không thể thành công trong việc thuyết phục chính phủ Mỹ như Ely đã thuyết phục được Pháp ở Paris. Radford và Dulles đã nghiên cứu những tác động về chính trị, quân sự oanh kích như kế hoạch đã đề nghị, cả hai ông đều thấy cần phải làm cái gì đó để ngăn một sự thất bại của Pháp trước khi có hội nghị Gèneve, và phục hồi quyết tâm, tinh thần tự tin của chính phủ Pháp, nhưng họ cũng không có ảo tưởng nào về việc Mỹ không muốn bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Quốc hội và dư luận công chúng Mỹ còn có thái độ quá miễn cưỡng trong việc này và không còn nghi ngờ gì nữa là họ sẽ coi việc tiến hành hoạt động oanh kích bằng không quân Mỹ vào Điện Biên Phủ là bước khởi đầu dẫn tới một sự cam kết lớn của Mỹ vào Đông Dương. Bởi vậy trước khi tiến hành bất cứ hành động nào cần phải có sự chuẩn bị của dư luận và thăm dò ý kiến của Quốc hội và năm đó (1954) lại là năm bầu cử của Mỹ. Còn lời cảnh báo như đã được bàn bạc nhất trí thì cũng phải chuyển cho Trung Quốc biết. Tất cả mọi chuyện đó đòi hỏi phải có thời gian và mặc dù Radford lập luận rằng vì lý do quân sự nên tốc độ thực hiện là vấn đề thiết yếu, nhưng Dulles lại đòi phải coi trọng việc tranh thủ hậu thuẫn chính trị.

Ngoại trưởng Mỹ mở màn hoạt động của mình bằng một bài diễn văn đọc ở Câu lạc bộ báo chí Hải ngoại tại New York vào buổi tối ngày 29/3-/1954. Ông ta tố cáo sự viện trợ của khối Cộng sản cho Việt Minh và sự có mặt của 2000 sĩ quan Trung Cộng đang làm việc tại các cơ quan tham mưu của bộ chỉ huy cấp cao, ở cấp sư đoàn, và đặc biệt tại các binh chủng như thông tin, pháo binh, vận tải. Ông ta nhắc lại lời cảnh cáo của mười sáu nước đã tham chiến ở Triều Tiên đối với Trung Quốc phát đi từ ngày 7/9/1953, rằng bất cứ hành động nào của Trung Quốc cũng sẽ gây ra một sự phản ứng không nhất thiết là chỉ giới hạn trong lãnh thổ Triều Tiên. Ông ta nói: Cũng cần phải nói rõ hơn nữa lập trường của Hoa Kỳ. Trong tình hình hiện nay, việc áp đặt chế độ chính trị của Nga Xô và của đồng minh của họ là Trung Cộng lên vùng Đông Nam Á, dù bất cứ bằng cách nào, cũng sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với toàn bộ khối cộng đồng tự do. Hoa Kỳ cho rằng không thể chấp nhận tình hình đó một cách thụ động mà phải đối phó lại bằng hành động thống nhất. Nó có thể gây ra những nguy cơ nghiêm trọng, nhưng những nguy cơ đó vẫn còn nhẹ hơn nhiều so với những gì sẽ xảy ra đối với chúng ta nhiều năm sau này nếu như hôm nay chúng ta không tỏ rõ quyết tâm chống lại những nguy cơ đó.

Bài diễn văn của Dulles đã gây náo động lớn trong các giới chính trị và ngoại giao ở Washington. Các vị đại sứ muốn biết ý nghĩa thực sự của nó là gì. Các nghị sĩ quốc hội thì tỏ ra lo lắng và các quan chức chính quyền phải tìm lời trấn an họ. Bộ Ngoại giao thanh minh rằng bài diễn văn trước khi đem ra công khai đã được các nhà lãnh đạo của hai đảng đọc trước và đoạn nói đến hành động phối hợp cũng đã được thông báo trước cho hai chính phủ Anh, Pháp. Không có ai nêu một ý kiến phản đối nào cả.

Quang Doãn (Quân đội Nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem