Mỹ vướng vào các cuộc khủng hoảng địa chính trị lớn trên thế giới

Thứ tư, ngày 29/11/2023 21:35 PM (GMT+7)
Mỹ đang bị lôi kéo vào các cuộc khủng hoảng và căng thẳng địa chính trị ở ba nơi xa xôi trên thế giới, khiến Washington phải đối đầu với những cường quốc có ảnh hưởng lớn.
Bình luận 0
Mỹ vướng vào các cuộc khủng hoảng địa chính trị lớn trên thế giới - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc gặp ở New York, Mỹ, ngày 20/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bình luận của kênh CNN mới đây, bất chấp thỏa thuận dừng bắn tạm thời và thỏa thuận con tin giữa Israel và Hamas, các lực lượng Mỹ vẫn đang phải cảnh giác ở Trung Đông.

Quân đội Mỹ đã trở thành mục tiêu của hàng chục cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa từ các nhóm vũ trang ở Iraq, Syria và Yemen. Tại Đông Âu, về cơ bản, Mỹ đang tham gia vào một cuộc chiến ủy nhiệm với Nga liên quan đến xung đột ở Ukraine.

Tác giả của bài bình luận trên CNN, ông Christopher McCallion, cho rằng trong bài phát biểu tại Nhà Trắng vào tháng trước, Tổng thống Joe Biden lập luận tất cả các điểm nóng này là những mặt trận có mối liên hệ với nhau và Mỹ là quốc gia không thể thiếu trong đó, đồng thời lưu ý sự lãnh đạo của Mỹ giúp gắn kết thế giới lại với nhau. Ông Biden khẳng định thêm rằng đảm bảo Israel và Ukraine thành công là điều quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Trong một bài đăng trên tờ Washington Post cuối tuần trước, ông Biden nhắc lại rằng Mỹ là quốc gia thiết yếu.

Tuy nhiên, việc Mỹ vướng vào những cuộc khủng hoảng này chỉ càng làm căng thẳng quá mức khả năng của mình, gây ra những rủi ro không cần thiết, tạo ra sự thù địch ở những khu vực đó và tiêu tốn nguồn lực của Mỹ. Thật vậy, người dân Mỹ ngày càng phản đối dự luật viện trợ quân sự vô thời hạn cho các cuộc xung đột ở nước ngoài. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy sự ủng hộ của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đối với Israel cũng như Ukraine ngày càng giảm.

Việc Mỹ duy trì chính sách "bạn bè và kẻ thù vĩnh viễn" kéo dài hàng thập kỷ ở Trung Đông đã phản tác dụng đối với sự ổn định trong khu vực. Trong những năm gần đây, Mỹ đã chống Iran với chiến dịch trừng phạt kinh tế gây áp lực tối đa và thực hiện ám sát Tướng quân sự chủ chốt của Iran Qasem Soleimani. Trong khi đó, Mỹ đã vô tình tăng cường ảnh hưởng trong khu vực của Tehran bằng cách lật đổ chính phủ Saddam Hussein ở Iraq và sau đó cung cấp vũ khí cho các lực lượng chống Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến ở Syria, điều này cuối cùng đã trao quyền cho các lực lượng được Iran hậu thuẫn.

Sự ổn định trong khu vực cũng không được thúc đẩy bởi các đồng minh và đối tác của Mỹ, những nước đã và đang tự do hành động với với sự hỗ trợ vô điều kiện từ Washington. Mỹ đã liên tục ủng hộ Israel bất chấp việc nước này vẫn tiếp tục xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây bị chiếm đóng và phong tỏa Gaza, góp phần tạo nên cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đang đe dọa nhấn chìm khu vực Trung Đông.

Cùng với đó, Mỹ đã ủng hộ cuộc chiến của Saudi Arabia nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen, cuộc xung đột đã tạo ra khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, với khoảng 377.000 người thiệt mạng và khoảng 80% người dân Yemen cần viện trợ nhân đạo.

Mỹ vướng vào các cuộc khủng hoảng địa chính trị lớn trên thế giới - Ảnh 2.

Mỹ đang tham gia vào cuộc chiến ủy nhiệm ở Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, không có dấu hiệu nào cho thấy các đồng minh có hiệp ước với Mỹ mất niềm tin vào độ tin cậy trong cam kết phòng thủ chung của Washington. Chi tiêu quốc phòng thấp của các quốc gia có năng lực như Nhật Bản và Đức cho thấy các đồng minh của Mỹ vẫn tự tin rằng họ có thể tiếp tục chuyển "gánh nặng" phòng thủ cho Washington. Nếu Mỹ giảm cam kết quốc phòng, Nhật Bản và Đức gần như chắc chắn sẽ tăng cường năng lực vì nhu cầu tự bảo vệ.

Hiện tại, sự liên kết an ninh ngày càng tăng giữa Trung Quốc, Nga và Iran phần lớn dựa trên mối đe dọa chung từ Mỹ. Vì vậy, theo ông McCallion, Mỹ nên áp dụng một đại chiến lược kiềm chế hơn, một chiến lược sẽ đặt ra các ưu tiên hợp lý hơn liên quan đến các lợi ích ở nước ngoài, gây ra ít rủi ro, vướng mắc hơn, ít có xu hướng khiêu khích các đối thủ ở xa cũng như phù hợp hơn với các nguồn lực và nhu cầu trong nước của Mỹ.

Mỹ cũng nên chuyển gánh nặng quản lý các mối đe dọa khu vực sang cho các đối tác ở đó, đặc biệt là ở Trung Đông và châu Âu. Tình trạng thiếu đạn dược do xung đột ở Ukraine và Gaza chỉ là một minh chứng cho thấy nguồn lực của Mỹ là hữu hạn.

Ngoài ra, việc giảm bớt sự hiện diện quân sự quá mức của Mỹ sẽ khuyến khích các quốc gia có năng lực trong khu vực quan tâm đến việc tự bảo vệ mình, tập hợp lực lượng để đối trọng với các mối đe dọa của họ. Việc chuyển gánh nặng sang các đối tác trong khu vực cũng sẽ giảm thiểu nguy cơ Mỹ bị kéo vào một cuộc chiến tranh lớn và giảm chi phí đáng kể cho việc duy trì lực lượng ở nước ngoài.


Báo Tin tức (baotintuc.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem