Dù dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt, nhưng hệ lụy và ảnh hưởng mà nó để lại, vẫn đang hiện hữu đối với các ngân hàng. Nợ xấu, trích lập dự phòng, rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp,... là những vấn đề mà các ngân hàng cần phải giải quyết trong năm 2021…
Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng vừa ban hành, các chuyên gia của SSI Research đã chỉ ra những thách thức mà các nhà băng Việt phải đối mặt trong thời gian tới. Đồng thời, dự báo triển vọng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2021 của toàn ngành.
Rủi ro tín dụng phụ thuộc vào sự phục hồi chung của nền kinh tế
Theo ước tính của SSI Research, ở kịch bản cơ sở, nợ xấu nội bảng sẽ không đổi so với năm 2020. Nhưng tỷ lệ trái phiếu VAMC trên tổng dư nợ cho vay sẽ giảm 39 điểm cơ bản xuống 0,17%, do BID, CTG, HDB, LPB và MSB đã xử lý hết trái phiếu VAMC trong năm 2020.
Tổng nợ xấu và trái phiếu VAMC các ngân hàng (NH) trong phạm vi nghiên cứu sẽ giảm còn 1,98% vào năm 2021 (từ mức đỉnh 4,69% vào năm 2015). Song, tỷ lệ này có thể cao hơn tại nhóm các ngân hàng nhỏ hơn trong năm 2021.
"Cấu trúc vốn được cải thiện, cho phép các NH có bộ đệm vốn hợp lý cho rủi ro tín dụng. Hệ thống NH đang ở vị thế tốt hơn so với chu kỳ tín dụng trước đây, khi hầu hết các NH đã giải quyết hết hoặc gần hết tài sản có vấn đề.
Theo ước tính của chúng tôi, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tài sản có vấn đề đã cải thiện từ 2,48 lần và 2,30 lần trong năm 2015 và 2016, lên 6,67 lần vào năm 2020. Nếu chúng tôi coi nợ tái cấu trúc là tài sản có vấn đề, tỷ lệ này giảm còn 2,6 lần, tương đương năm 2017", chuyên gia SSI Research, bình luận.
Cũng theo SSI Research, khả năng cần bơm vốn ngay lập tức của các NH trong phạm vi nghiên cứu là thấp. Tuy nhiên, trong dài hạn, những thách thức về vốn hóa vẫn tồn tại, vì toàn bộ hệ thống đang nỗ lực tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.
Các dự thảo và văn bản sửa đổi quy định gần đây đã đã làm dấy lên hi vọng trong việc giải quyết bài toàn về vốn của các ngân hàng quốc doanh, cụ thể là Nghị định 121 và Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 58.
"Năm 2021, chúng tôi ước tính LNTT trung bình của nhóm NH sẽ tăng trưởng +21,0% so với cùng kỳ. Các NHTM quốc doanh ước tính đạt tăng trưởng LNTT cao hơn (+ 30%) so với NHTM cổ phần (+17,2%) do LNTT 2020 của các NHTM quốc doanh ở mức thấp (-6% so với 2019)", SSI Research, dự báo.
Đâu là động lực tăng trưởng LNTT chính trong năm 2021?
SSI Research cho rằng, năm 2021 tăng trưởng thu nhập lãi thuần mạnh mẽ hơn, nhờ mở rộng tín dụng và NIM cải thiện nhẹ. Cụ thể, ước tính thu nhập lãi thuần sẽ tăng 15% trong khi tăng trưởng tín dụng là 12-13% so với cùng kỳ. NIM tại nhiều NH sẽ cải thiện với NIM trung bình tăng 10 điểm cơ bản lên 3,56%, nhưng vẫn thấp hơn -3 điểm cơ bản so với trung bình năm 2019.
Tiếp đến, chi phí vốn ước tính giảm. Lãi suất huy động giảm từ 2-2,5% vào năm 2020 và mức giảm mạnh diễn ra trong nửa cuối năm 2020. Theo đó, lãi suất huy động bình quân năm 2020 thấp hơn năm 2019 từ 1,0-1,35%.
Vì thế, các chuyên gia của SSI Research dự báo, lãi suất huy động sẽ dao động trong biên độ hẹp trong nửa đầu năm 2021 và tăng nhẹ (30-50 bps) trong nửa cuối năm 2021 do tín dụng tốt hơn. Do đó, lãi suất huy động trung bình năm 2021 có thể thấp hơn năm 2020 từ 75 đến 85 bps. Môi trường lãi suất huy động thấp này sẽ tiếp tục giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí vốn.
Ngoài ra, các NH còn khả năng tối ưu hóa tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR). Năm 2020, tỷ lệ LDR của toàn hệ thống giảm từ mức 87-89% (2019) xuống mức 72% -75%. Theo số liệu của NHNN, tại thời điểm cuối tháng 10/2020, tỷ lệ LDR của các ngân hàng TMCP nhà nước và tư nhân lần lượt là khoảng 82% và 72%, vẫn còn xa mức trần 85%. Nhờ vậy, các ngân hàng có khả năng gia tăng tỷ lệ này để tối ưu hóa NIM.
Về thu nhập ngoài lãi, dự kiến năm 2021 tiếp tục tăng trưởng bền vững (+8,7% so với cùng kỳ), do thu nhập thuần từ phí phục hồi (+19,2% so với cùng kỳ). Trong đó, thu nhập kinh doanh ngoại hối kém thuận lợi.
Nguồn cung ngoại tệ sẽ vẫn tương đối dồi dào vào năm 2021, nhưng việc NHNN ngừng mua ngoại tệ giao ngay và chuyển sang mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng có hủy ngang sẽ khiến các NHTM chịu gánh nặng rủi ro ngoại hối lớn hơn và tỷ giá có thể biến động nhiều hơn. Do đó, giá trị giao dịch ngoại hối có thể vẫn cao, nhưng thu nhập ngoại hối của các NH có thể giảm vào năm 2021.
Riêng với thu nhập từ kinh doanh và đầu tư chứng khoán có thể kém khả quan. Lợi suất trái phiếu chính phủ giảm mạnh (100-130 điểm cơ bản) vào năm 2020, tạo điều kiện sinh lời cho kinh doanh và đầu tư chứng khoán. Với mức lợi suất thấp lịch sử, khả năng giảm tiếp trong năm 2021 rất thấp. Ngoài ra, biến động mạnh trong năm 2020 khó có thể tái diễn. Do đó, ước tính thu nhập từ kinh doanh và đầu tư TPCP có thể thấp hơn năm 2020.
Tuy nhiên, dịch vụ thanh toán hồi phục nhờ cả hoạt động thanh toán trong nước và quốc tế. Hoạt động ngoại thương phục hồi mạnh mẽ sau Covid, vì thế ước tính tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 sẽ tăng 13,3% so với cùng kỳ (so với mức tăng 4% của năm 2020).
Do đó, thu nhập từ thanh toán quốc tế và dịch vụ L/C có thể sẽ tăng. Thanh toán trong nước cũng tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2019. So với cùng kỳ, tổng giá trị thanh toán trong nước tăng +27,2% năm 2019 và +22,3% trong 9 tháng đầu năm 2020.
Đặc biệt, Bancassurance vẫn vị trí vững chắc hơn trong thu nhập tài chính ròng của các ngân hàng.
Trích lập dự phòng rủi ro tạo nên sự phân hóa triển vọng ngân hàng
Thông thường chi phí tín dụng biến động cùng chiều với việc hình thành nợ xấu. Đối với năm 2021, do kỳ vọng nền kinh tế phục hồi, sự hình thành nợ xấu sẽ giảm so với năm 2020. Các NHTM quốc doanh có thể hưởng lợi nhiều hơn từ xu hướng này, vì đã xóa phần lớn tài sản có vấn đề (bao gồm trái phiếu VAMC) trong năm 2020.
Ước tính, chi phí tín dụng cho NHTM quốc doanh và tư nhân trong năm 2021 lần lượt là 1,36% và 1,57% (so với 1,67% và 1,63 % vào năm 2020).
Trong đó, các ngân hàng TCB, VCB, BID, MBB và ACB đã tích cực trích lập dự phòng đến hết 9 tháng 2020. Do đó, ở các nhà băng này, do chi phí tín dụng giảm có thể thúc đẩy lợi nhuận năm 2021.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.