Nam Bộ quay cuồng trong nắng hạn

Hoàng Công - Lộc Hưng Thứ tư, ngày 18/03/2015 15:34 PM (GMT+7)
Theo ghi nhận của phóng viên NTNN, những ngày này, các tỉnh Nam Bộ từ Ninh Thuận tới Bình Dương, Bình Phước... đang trong tình trạng khô hạn nghiêm trọng, cuộc sống của người dân và sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Ninh Thuận nắng… nung người

Sáng 17.3, gặp phóng viên, lão nông người Raglai Chamaléa Hâu ở thôn Tham Dú, xã Phước Trung, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) than: “Hơn 30 năm sống ở vùng đất này, đây là lần đầu tiên tui mới thấy sự khốc liệt của nắng hạn đến mức như vậy”. Quả đúng như lời của lão nông này, những ngày đầu tháng 3, dòng suối ở thôn Tham Dú khô khốc trơ cả đáy. Giữa đáy suối ấy, dưới nắng nóng như rang, gần 20 người dùng cuốc xẻng quần thảo với đất đá. Sau mỗi gầu đất đá được xúc lên, mọi người lại chăm chú tìm xem có dấu hiệu nguồn nước nào không.

img

Mặc dù nước có mất vệ sinh nhưng người dân thôn Đồng Dày (xã Phước Trung, Bác Ái, Ninh Thuận) vẫn phải sử dụng.

Đứng cạnh dòng “suối đất đá” ấy, ông Trương Quý Dương- Chủ tịch UBND xã Phước Trung tất bật đốc thúc tốp thợ đào giếng cứu khát cho dân, trong tiếng đá vỡ lẫn tiếng máy réo inh ỏi. “Dê, bò đói khát đã đành, chỉ lo cho gần 1.000 người của địa phương từ mấy tháng nay phải chạy đôn chạy đáo mua nước sinh hoạt. Những gia đình nghèo không có tiền mua nước phải sử dụng nước ao tù rất mất vệ sinh. May mà tỉnh đã trợ giúp mỗi ngày 4 xe bồn khoảng 100m3 nước sạch cho dân ăn uống, nếu không thì bà con chẳng biết phải sống ra sao...” - ông Dương nói.
 

Cũng theo chia sẻ của ông Dương, đàn gia súc của toàn xã có gần 5.800 con, song do khô hạn kéo dài, đồng cỏ biến mất, thức ăn không còn, nhu cầu nước uống của gia súc càng tăng... nên xã và cả bà con đang lo dịch bệnh trên đàn gia súc, rất có thể sẽ lây lan sang người.

Ông Katơr Nhi - già làng Rã Giữa (xã Phước Trung) vừa kêu trời vì khát, vừa nói: “Cây xương rồng sống không nổi thì con người làm sao chống chọi được”. Thiếu nước sinh hoạt, đồng bào Raglai ở 4 thôn Rã Giữa, Giá Trung, Đồng Dày, Tham Dú rủ nhau đi khắp nơi tìm nước. Dân làng đã đào đi, đào lại… lòng suối cạn, chắt gạn từng ca nước đục ngầu. Nước ấy có lẫn nhiều lá mục với phân bò nhưng vẫn phải sử dụng, còn hơn chịu khát.

Mất trắng hàng nghìn ha hoa màu

Theo thống kê của Sở NNPTNT Ninh Thuận, do nắng hạn gay gắt nên tổng lượng nước ở 20 hồ thủy lợi trong toàn tỉnh hiện còn chưa đến 40 triệu m3, chỉ bằng 20% tổng dung tích thiết kế. Hầu hết các tuyến kênh mương nội đồng đã trơ đáy từ nửa năm qua. Không có nước tưới, hàng ngàn ha hoa màu của bà con Raglai ở 2 huyện miền núi Bác Ái, Ninh Sơn bị thất thu, nguy cơ mất trắng. “Nước để sản xuất cạn kiệt, vài nơi còn chút ít thì dành cho gia súc. Vì thế, chúng tôi khuyến cáo người dân không xuống giống vụ đông - xuân 2015” - lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Ninh Thuận cho biết.

Để tập trung chống hạn, ông Trần Xuân Hòa - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Hiện Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi phải duy trì mức xả nước từ Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, trong đó ưu tiên hàng đầu nguồn nước phục vụ dân sinh, nước uống cho đàn gia súc, nước tưới cho số diện tích gieo trồng trong kế hoạch. Nếu tháng tới thời tiết khô hạn còn tiếp tục thì các huyện cần vận động người dân có giải pháp di dời đàn gia súc đến nơi thuận lợi về nguồn nước, thức ăn”.

Nguy cơ cháy vườn cao su

Nhiều tỉnh thuộc khu vực Nam Bộ cũng đang rơi vào tình trạng hạn nặng, trong đó lo nhất là tỉnh Bình Dương khi gần 130.000ha cao su lá rụng đầy gốc có nguy cơ cháy bất cứ lúc nào. Như tại các nông trường của Công ty Cao su Dầu Tiếng và Phước Hòa, hàng nghìn ha cao su có lá rụng dày từ 5-10cm trong lô vườn. Công ty Cao su Dầu Tiếng đã phát huy “sáng kiến” dùng máy cắt cỏ cải tiến gắn thêm cánh quạt cỡ lớn để thổi lá khô khỏi gốc cây cao su, đề phòng hỏa hoạn.

Anh Nguyễn Văn Lục - đội bảo vệ Nông trường Long Hòa, Công ty Cao su Dầu Tiếng cho biết, mặc dù đang trong giai đoạn ngừng khai thác mủ, nhưng công tác canh trực phòng chống cháy tại nông trường rất căng thẳng trong mùa cao điểm nắng nóng khô hanh kéo dài. Chỉ một chút bất cẩn, cả lô cao su có thể thành tro bụi.

Cùng vì nắng nóng kéo dài chưa có mưa, nên tất cả các vườn cây cao su của nông dân ở Bình Dương đang ngừng khai thác. Ông Phan Văn Bé ở xã Long Nguyên, huyện Bàu Càng cho biết: “Năm nay, nắng nóng đến sớm và kéo dài, trời chưa có chút mưa nào. Hiện bà con quá lo việc canh phòng cháy cho lô cao su để đợi khi có mưa mới khai thác mủ được. Năm vừa rồi, mủ cao su rớt giá thê thảm, nông dân trồng cao su như tôi thua lỗ nặng. Nhiều nơi ngừng cạo mủ vì không đủ trả tiền công”.

Hiện nay cánh rừng vào Núi Cậu - Dầu Tiếng buộc phải đóng cửa, cấm mọi người vào rừng hái củi, bắt ong để đề phòng bị cháy. Ông Võ Thành Long - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cho biết: “Theo dự báo năm nay nắng hạn rất gay gắt ở miền Đông Nam Bộ, trong đó địa bàn Bình Dương nắng nóng kéo dài từ nay đến tháng 5 tháng 6 vẫn chưa dứt. Vì vậy, tình hình phòng chống cháy rừng đang hết sức cam go”.

Nắng nóng ở Nam Bộ còn kéo dài

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, hiện khu vực Nam Bộ đang bước vào thời kỳ cao điểm của mùa khô. Nhiệt độ tại TP.HCM và các tỉnh thuộc Đông Nam Bộ luôn duy trì ở mức cao, phổ biến từ 34 – 36 độ C. Vào cuối tháng 3 và tháng 4, có nơi nhiệt độ sẽ đạt mức 39 độ C. Tình trạng nắng nóng sẽ tiếp tục xuất hiện trên diện rộng vào các tháng 4-5 với nhiệt độ cao nhất ngày đạt từ 36 – 38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Do đó, cơ quan này khuyến cáo nông dân cần chủ động ứng phó bảo vệ cây trồng.                        

Nguyễn Hữu
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem