Nuôi ba ba la liệt từ trong nhà cho đến ngoài ao, ông nông dân tỉnh Nam Định là tỷ phú giàu nhất
Nam Định: Nuôi ba ba la liệt từ trong nhà ra tới ao, một nông dân thu tiền tỷ mỗi năm
T. Nam - L. Hồng
Chủ nhật, ngày 14/11/2021 13:07 PM (GMT+7)
Với quy mô hơn 12ha với gần 50 ao nuôi, trung bình mỗi năm trang trại nuôi ba ba của gia đình anh Lương Minh Cường (xã Hợp Hưng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) cung ứng ra thị trường hàng chục tấn ba ba thương phẩm, thu về cả tỉ đồng mỗi năm.
Sau khi UBND xã Hợp Hưng có chủ trương chuyển đổi đất 2 lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, anh Lương Minh Cường đã đứng lên đấu thầu lại đất ruộng của người dân để xây dựng trang trại nuôi ba ba.
Thầu ruộng làm ao nuôi ba ba
Qua 5 năm cải tạo liên tục, anh Cường đã "biến" vùng ruộng trũng thành trang trại ba ba "khủng" với quy mô lớn nhất tỉnh Nam Định. Toàn bộ trang trại nằm xa khu dân cư, được xây dựng kiên cố. Các ao nuôi được đánh số chi tiết, giúp công nhân dễ dàng quản lý ao.
Anh Cường chia sẻ, năm 2015, trang trại bắt đầu đi vào hoạt động sau nhiều năm cải tạo, xây dựng. Thời gian đầu, anh chủ yếu chăn nuôi ba ba xanh. Nhờ nắm chắc kĩ thuật nên ba ba phát triển đồng đều, sinh trưởng tốt.
Thành công ở lứa nuôi đầu tiên, trang trại đẩy mạnh phát triển thêm đa dạng các chủng loại ba ba khác nữa như ba ba gai, ba ba Mỹ, ba ba sông Hồng… Trong đó, ba ba xanh vẫn là chủ lực, chiếm gần 80%.
Đến nay, sau gần 10 năm gây dựng, anh Cường đang sở hữu 49 ao nuôi ba ba liên hoàn, được liên kết chặt chẽ với nhau. Diện tích ao nuôi dao động từ 700 - 1.000m2/ao. Trong ao có bãi cho ba ba lên ăn, phơi nắng và được lắp đặt hệ thống tiêu, thoát nước hiện đại.
Ngoài ao nuôi, trang trại còn có những khu vực riêng cho ba ba sinh sản, khu ấp trứng, khu nuôi dưỡng ba ba mới nở, khu ương ba ba giống…
"Vua ba ba" đất Vụ Bản
Dẫn chúng tôi đi tham quan 1 vòng trang trại, ông Hoàng Văn Quế - Quản lý trang trại cho hay: Hiện nay, trang trại đã gây dựng được hơn 1.000 con ba ba bố mẹ các loại.
Với số lượng đàn bố mẹ lớn, trung bình mỗi năm trang trại sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 2 vạn con giống và trên 30 tấn ba ba thương phẩm. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong và ngoài tỉnh.
Giá bán ba ba dao động từ 300.000 - 600.000 đồng/kg, tùy vào từng loại. Cụ thể: Ba ba xanh 300.000 đồng/kg, ba ba gai 450.000 đồng/kg, ba ba Mỹ 600.000 đồng/kg...Sau khi trừ tất cả chi phí, trang trại thu về cả tỉ đồng.
Vừa cầm con ba ba khỏi mặt nước, ông Quế vừa nói: Nuôi ba ba tuy vất vả, nhưng hiệu quả kinh tế cao. Ba ba có sức đề kháng tốt, ít nhiễm dịch bệnh; thi thoảng mắc bệnh bã đậu, bệnh gan, song đây là 2 bệnh rất dễ xử lý nếu phát hiện sớm.
"Để chăn nuôi thành công, trước mỗi vụ nuôi cần xử lý sạch ao nuôi; khử trùng bùn và nước bằng vôi bột, chế phẩm sinh học. Đặc biệt, con giống phải khỏe mạnh, không dị dạng…", ông Quế thổ lộ.
Chỉ tay về ao nuôi ba ba bố mẹ, ông Quế bật mí, ba ba mẹ đẻ trứng quanh năm, nhưng chủ yếu là mùa hè; Trung bình mỗi năm đẻ 7 - 8 lứa, mỗi lứa dao động 200 - 250 quả. Tuy nhiên, tỉ lệ nở ấp chỉ đạt khoảng 70%.
Ông Quế cho hay: Sau khi ba ba đẻ trứng vào ban đêm thì sáng hôm sau phải nhặt trứng đưa vào nhà ấp và xếp thành hàng, phủ kín cát. Ấp khoảng 50 - 60 ngày ở nhiệt độ 27 - 30°C thì trứng ba babắt đầu nở con.
Khi ba ba được 1 ngày tuổi thì đưa vào bể nuôi dưỡng không có bùn. Hàng ngày phải thay nguồn nước ít nhất 1 lần/ngày và nguồn nước phải được xử lý sạch bằng thuốc tím trước khi dẫn vào bể nuôi dưỡng.
Sau 1 tháng nuôi dưỡng, khi ba ba đạt trọng lượng khoảng 0,5 lạng/con thì đưa ra bể ương giống; dưới đáy bể có bùn non với độ dày khoảng 20cm và duy trì mực nước trên 70cm. Mục đích, cho ba ba làm quen môi trường tự nhiên.
Đủ 2 tháng nuôi trong bể ương, ba ba được chuyển ra ao to nuôi với mật độ mỗi ao từ 400 - 500 con.
Theo ông Quế, mỗi loại ba ba cho thời gian thu hoạch khác nhau. Cụ thể, ba ba xanh nuôi 2 năm đạt 1 - 1,5kg/con; ba ba gai nuôi 3 năm đạt khoảng 5kg/con; ba ba Mỹ nuôi 3 - 5 năm đạt 7 - 10kg/con.
Cũng theo ông Quế, thức ăn chính của ba ba chủ yếu là cám công nghiệp và cá tạp nghiền nhỏ. Ngày cho ăn 2 lần, sáng và chiều tối. Vào mùa đông, ba ba không cần ăn uống, mà chúng sẽ ngủ đông nhiều tháng trời. Nhờ vậy, tiết kiệm được 1 phần chi phí thức ăn.
Hiện nay, trang trại nuôi ba ba của gia đình anh Lương Minh Cường đang tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng và 10 lao động thời vụ với ngày công 200.000 đồng/người/ngày.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.