Năm giờ giải cứu nạn nhân cháy cao ốc EVN

Thứ năm, ngày 15/12/2011 17:29 PM (GMT+7)
Dân Việt - Sau gần 5 tiếng đồng hồ cứu hộ, lửa tại tầng hầm đã được dập tắt hoàn toàn và không còn ai mắc kẹt trong cao ốc EVN 33 tầng ở Hà Nội. Cho tới cuối ngày 15.12, chưa phát hiện nạn nhân nào tử vong.
Bình luận 0

Khoảng 16h30 chiều nay, 15.12, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại tòa nhà 33 tầng của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) ở 11 Cửa Bắc. Khói đen lan rộng bao trùm cả vùng trời, mùi khét ở khắp nơi.

Có mặt tại hiện trường 5 phút sau đó, phóng viên Dân Việt ghi nhận thấy khói bốc mù mịt từ tầng hầm của tòa tháp cao 33 tầng này. Ở tầng hầm và tầng 1 tòa nhà, những ánh lửa lan ra ngày một lớn dần. Khói đen cuồn cuộn bốc lên trên nền trời đang dần tối thẫm.

Sau khi đám cháy xảy ra, hơn 10 xe chữa cháy của Sở Cảnh sát PCCC đã được huy động đến hiện trường, khu vực xung quanh đám cháy được phong tỏa.

img 
Khói bốc mù mịt dữ dội từ tòa nhà của Tập đoàn điện lực

Phóng viên tiếp xúc với anh Nguyễn Văn Lung (Nông Công, Thanh Hóa) - một trong những thợ sơn sàn vừa chạy thoát khỏi tầng hầm của tòa tháp đang bốc khói dữ dội. Anh Lung, mặt đen sạm vì khói bụi bám, vẫn còn khó thở do phải hít nhiều khói độc, đang ngồi trấn tĩnh ở vỉa hè phía bên kia tòa tháp, kể lại: Lúc đó, tốp thợ sơn sàn chúng tôi gồm 6 người đều ở Nông Công (Thanh Hóa) đang tiến hành sơn sàn nhà dưới tầng hầm 1 thì bỗng thấy khói đèn cuồn cuộn từ trên lừng lững tràn xuống tầm hầm. Sợ quá, anh em cùng hò nhau nín thở chạy vượt qua đám khỏi khổng lồ và thoát ra phía ngoài.

Anh Lung cho biết ở những tầng trên vẫn còn rất nhiều thợ đang thi công và bị kẹt khi tòa tháp của Tập Đoàn Điện lực VN bốc cháy. 5 phút sau đó, xe cấp cứu có mặt và đưa anh Lung cùng 1 đồng nghiệp nữa tới bệnh viện Saint Paul cấp cứu trong tình trạng bị sốc hô hấp.

 img
 Khu vực xảy ra cháy được nhận định xuất phát từ khu tầng hầm của tòa nhà. Khi xảy ra vụ cháy, rất nhiều nhân viên và công nhân đang làm việc tại đây cuống cuồng tìm cách thoát thân bằng cầu thang bộ.
 img
 Toàn bộ tòa nhà bị bao phủ bởi khói đen dày đặc, nhiều nhất vẫn là tầng 6 đến tầng 10.

Trao đổi với phóng viên, nhiều người dân sống ở khu vực xung quanh hiện trường cho biết khói bắt đầu xuất hiện vào khoảng gần 17h chiều. Tòa tháp của Tập đoàn Điện lực VN cao 33 tầng, được khởi công vào 2 năm trước tại số 11 Cửa Bắc và đang trong giai đoạn hoàn thiện. Một điều khiến nhiều người dân lo lắng, nhiều gia đình phải đi sơ tán gấp là việc toàn bộ tòa nhà được làm bằng kính và rất có khả năng khi lửa bốc cao, nhiệt tăng sẽ khiến kính bị nứt vỡ ra rơi xuống phía dưới...

Theo quan sát của phóng viên Dân Việt, có khoảng 30 người mắc kẹt phía trong tòa nhà. Lực lượng cứu hộ đã triển khai đưa thang lên để tiếp tục cứu thoát những người còn lại.

img

Ở khu vực tầng thứ 20, nhiều công nhân giơ tay, dùng điện thoại để báo hiệu cầu cứu. Tuy nhiên, lực lượng cứu hộ vẫn chưa tiếp cận được họ.Hiện tại điện lưới của toàn bộ khu nhà đã bị cắt. Lực lượng cứu hộ gặp nhiều khó khăn khi phải tiếp cận hiện trường trong bóng tối. Một số công nhân bị mắc kẹt đã tiếp tục được đưa ra khỏi tòa nhà. Số người bị nạn hiện đang phân tán ở nhiều nơi, trong đó nhiều người đã nhanh trí trèo lên khu sân thượng của tòa nhà.

Hơn 18h, lực lượng cứu hộ bắt đầu tiến vào điểm cháy tại tầng hầm của tòa nhà - nơi được cho là xuất phát vụ cháy.

Một nhóm cứu hộ khác theo cầu thang bộ tiến lên khu vực nhiều công nhân đang mắc kẹt tại tầng 20, song do khói độc quá dày đặc, rất có thể họ sẽ phải quay xuống.

Ở khu vực tầng hầm, đám cháy cơ bản đã được khống chế.

Về nguyên nhân của vụ cháy, Ban quản lý tòa nhà cho biết, rất có thể lửa bốc lên từ hộp kỹ thuật của tầng hầm 1 thuộc tòa nhà tháp A.

Lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được với một số người mắc kẹt ở tầng 19-20. Trong khi đó, tời bắt đầu được đưa lên để cứu các công nhân ở tầng thượng của tòa nhà. Tại tầng 25-26, vẫn còn một số công nhân gặp nạn.

Tính đến thời điểm 18h30, vẫn còn gần 20 người chưa được đưa ra khỏi tòa nhà.

Lúc này, lực lượng cứu hộ bắt đầu đưa những công nhân đầu tiên trên tầng thượng của tòa nhà xuống. Trong khi đó, nhiều công nhân mắc kẹt đã điện thoại và yêu cầu chuyển nước uống lên, số khác tiếp tục giơ ánh đèn điện thoại ra dấu hiệu cầu cứu.

Một đội cứu hộ tiếp tục được cử đến hỗ trợ hiện trường.

Đến 19h, 5 công nhân đầu tiên mắc kẹt tại tầng 28 đã được đưa xuống. Họ đều trong tình trạng khó thở và lập tức được đưa đi cấp cứu. Sau khi đưa được 5 công nhân đầu tiên từ tầng 28 xuống, tời cứu hộ tiếp tục được đưa lên tầng thượng cùng với nước uống.

Thang cứu hộ tiếp theo được đưa lên. Trong khi đó, ở khoảng tầng 4-5, lực lượng cứu hộ bắt đầu phá kính cứu nạn nhân.

Lãnh đạo Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội và lãnh đạo Ban quản lý tòa nhà đang tìm ra phương án thích hợp nhất để dập tắt hoàn toàn đám cháy. Tuy nhiên, do tòa nhà này chưa đi vào hoạt động nên chưa có nguồn nước, gây khó khăn cho công tác chữa cháy.

Đến 19h30, tời cứu hộ tiếp tục đưa được thêm 6 công nhân trên tầng thượng của tòa nhà xuống.

Ông Dương Đình Thêm (59 tuổi, ở Nông Cống, Thanh Hóa) - một công nhân vừa được đưa xuống cho biết, hiện tại vẫn còn 15 người nữa đang ở trên tầng thượng. Sức khỏe của ông Thêm khá tốt. Ông Thêm kể lại: “Tôi cùng các công nhân đang làm việc ở tầng 32 thì khói bốc lên nghi ngút. Sau đó chúng tôi phải lên tầng thượng để chờ sự cứu giúp của lực lượng cứu hộ”.

Hiện tại, tòa tháp B của khu nhà đã được sơ tán toàn bộ, công tác cứu hộ tiếp tục được triển khai ở tòa tháp A. Tại khu vực tầng hầm, lực lượng cứu hộ không ngừng phun vòi nước để làm mát máy biến áp, tránh nguy cơ nổ lớn.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Duy Kỷ Long, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Minh Long - đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ khu nhà cho biết, thời giam xảy ra đám cháy chính xác là vào lúc 16h10. Ngay khi phát hiện đám cháy, ông Long đã yêu cầu các nhân viên bảo vệ hiện trường và mở ngay cửa thoát hiểm cho các công nhân đang làm việc trong khu nhà.

Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho biết, tính đến khoảng 19h50, hơn 20 công nhân mắc kẹt đã được đưa ra ngoài, còn lại 12 người đang chờ cứu hộ.

Những người được đưa xuống sức khỏe khá ổn định, một số người bị sốc hô hấp và bỏng nhẹ đã được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Saint Paul.

20h, cùng với 2 thành viên thuộc Ban quản lý khu nhà, một tốp cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã thâm nhập vào tầng 3-4 của tòa nhà B để kiểm tra xem liệu đám cháy có lan ra hay không.

Trong khi đó, tại khu vực tầng hầm, lửa vẫn le lói chưa tắt hẳn. Lực lượng cứu hộ phải cố gắng phun nước vào máy biến áp.

Đến 20h15, 2 công nhân kẹt tại tầng 19 đã được đưa ra khỏi hiện trường. Khói ở tòa nhà A đã giảm đi nhiều, vì thế, 10 người còn lại trên sân thượng được yêu cầu di chuyển theo cầu thang bộ xuống tầng 15 để lực lượng cứu hộ dễ tiếp cận. Tại đây, tời cứu hộ tiếp tục được đưa lên. Để dễ nhận biết, lực lượng cứu hộ kêu gọi các công nhân bật hết các thiết bị có ánh sáng.

Đúng 20h30, số công nhân mắc kẹt còn lại đã xuống tới mặt đất an toàn. Trong số 10 công nhân còn lại trên tầng thượng, có 5 người đã tự đi cầu thang bộ từ tầng 33 xuống, số còn lại được lực lượng cứu hộ giải thoát bằng tời. Không còn ai bị mắc kẹt trong khu nhà. 

Với những nỗ lực không mệt mỏi, cuối cùng, lửa tại tầng hầm đã được dập tắt hoàn toàn, không còn lo ngại việc máy biến áp phát nổ vì lửa bốc lên.

Sau hơn 4 tiếng đồng hồ, công tác cứu hộ đã kết thúc. Tuy nhiên, Ban quản lý tòa nhà vẫn tiếp tục cho người kiểm tra và rà soát kỹ mọi tầng. Qua kiểm đếm tại các tầng, cho tới thời điểm này, chưa phát hiện bất cứ nạn nhân nào tử vong.

Tòa tháp Điện lực Việt Nam (Electricity of Vietnam Tower) là một trong 10 tòa tháp đẹp nhất Việt Nam hiện đang trong quá trình hoàn thiện. Là biểu tượng của ngành năng lượng đất nước, sau khi hoàn thành, tòa nhà này sẽ trở thành trụ sở văn phòng làm việc cao cấp của Tập đoàn Điện lực với các tiện nghi sử dụng và trang thiết bị hiện đại bậc nhất tại Việt Nam.

Mặt đứng công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện phong cách kiến trúc của một cao ốc hiện đại và sang trọng. Tòa nhà gồm hai khối nhà tách biệt nhau từ tầng 5, bảo đảm được nhu cầu chiếu sáng cho cả 4 mặt. Electricity of Vietnam Tower gồm 3 tầng hầm, khối đế 4 tầng, 2 tòa tháp 33 tầng và 29 tầng tọa lạc tại số 11 Cửa Bắc, Quận Ba Đình.

Tháng 6.2007, Ban Quản lý Dự án Xây dựng Dân dụng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trao hợp đồng thi công xây dựng phần thô và hoàn thiện công trình này cho liên danh ba đơn vị là Vinaconex JSC, Công ty Xây dựng bảo tàng Hồ Chí Minh và Công ty Bachy Soletanche Việt Nam (BSV), với tổng trị giá hơn 570 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào năm 2010.

Trong công trình này, BSV sẽ đảm trách việc thi công toàn bộ phần móng cọc barrette, tường vây và hệ neo trong đất cho việc thi công tầng hầm. Đây là công trình thứ hai tại Việt Nam áp dụng kỹ thuật neo trong đất tiên tiến của BSV. Công trình đầu tiên sử dụng kỹ thuật neo trong đất đã được BSV thực hiện thành công là Toà tháp VietcomBank tại Hà Nội vào năm 1997.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem