Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngày 7/7 là ngày đáng nhớ của Vũ Bảo Đức, học sinh lớp Toán 1, Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, quận Hà Đông, Hà Nội, khi em được mời gặp các thí sinh trúng tuyển sớm tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ngay từ khi còn học lớp 11, Vũ Bảo Đức đã đạt thành tích ngưỡng mộ là điểm SAT tuyệt đối 1600, IELTS 8.0. Điều đó có nghĩa, chỉ cần chờ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được công bố tới đây, Đức sẽ chính thức ghi danh vào ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (ITE10) – một ngành quy tụ của toàn "siêu cao thủ".
Nam sinh đạt điểm SAT 1600 và IELTS 8.0: Không coi tiếng Anh là môn học
Trao đổi với PV báo Dân Việt, Vũ Bảo Đức chia sẻ kế hoạch giành chứng chỉ ngoại ngữ SAT 1600 và IELTS 8.0 từ lớp 11: "Mục tiêu của em là chọn cho mình một con đường đơn giản và dễ dàng nhất để vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Nói như vậy không có nghĩa là em phải học quyết liệt, dốc hết sức mà đó là thêm một cơ hội".
Được biết, để đạt IELTS 8.0, Đức đã ôn thi trong khoảng 1 năm và thi vào tháng 8 năm học lên lớp 11. Theo Đức, đây là thời điểm hợp lý sử dụng điểm thi để xét tuyển đại học. Còn với SAT, Đức ôn thi trong khoảng 8-9 tháng để đạt mức điểm tuyệt đối 1600/1600 sau đó không lâu.
Đức cho hay, may mắn em được tiếp xúc với tiếng Anh từ năm lớp 1. Nam sinh không coi tiếng Anh là một môn học ép buộc mà là một ngôn ngữ. Hàng ngày Đức xem phim, nghe nhạc đều bằng tiếng Anh. "Ngữ pháp và từ vựng em không cặm cụi ngồi học chuyên sâu. Với em tiếng Anh là cả một quá trình, cứ dần dần sẽ bồi gốc dần lên chứ không nhất thiết phải viết ra một cấu trúc ngữ pháp cụ thể hay phải nhớ cụm từ. Đơn giản là sự tiếp xúc giúp cho mình có được ngữ cảnh để từ đó phát triển vốn từ vựng giống như việc học tiếng Việt", Đức nói.
Cách đây 3 năm, Đức đã xuất sắc trúng tuyển lớp chuyên Toán, chuyên Tiếng Anh của Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ; lớp chuyên Tin của Trường THPT Chuyên Sư phạm Hà Nội và Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên.
Tiết lộ thêm về việc làm bài thi SAT và IELS, Đức nói: "Em cũng khá căng thẳng, áp lực nhất định bởi đây là một bài thi để mình sử dụng cho mục đích tương lai. Em chỉ nghĩ rằng mình không nên học tủ, học chỉ để thi. Mục đích của người làm ra kỳ thi này là đánh giá học sinh, giúp học sinh phát triển tư duy ngôn ngữ. Nếu mình làm theo mục tiêu ấy, sau khi thi xong mình có thể quên thủ thuật làm bài nhưng kiến thức thì mình đã nâng lên bậc cao hơn và tư duy logic hơn để giải quyết vấn đề. Nếu học đúng cách thì chứng chỉ ngoại ngữ sẽ mang lại giá trị lâu dài".
Đây cũng là quan điểm của Đức trước việc các chứng chỉ ngoại ngữ đang khiến dư luận cho rằng bị "lạm dụng": "Em nghĩ rằng các chứng chỉ này qua thời gian sẽ ngày càng phổ biến hơn, là một con đường để vào đại học. Mọi người bảo "cuồng" chứng chỉ ngoại ngữ cũng chưa đúng vì vốn dĩ chúng sinh ra để đánh giá học sinh và dùng nó để bảo chứng cho việc học".
Nói về quyết định không đi du học mà chọn học trong nước, Đức vui vẻ chia sẻ: "Em không tiếc vì đã không chọn đi du học. Em thấy chất lượng đào tạo đại học trong nước đảm bảo, môi trường năng động và đặc biệt đồ ăn ở Việt Nam rất ngon".
Cũng theo cựu học sinh Chuyên Nguyễn Huệ, quyết định chọn chương trình Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo bởi ngành này đi vào sâu xử lý phân tầng các loại dữ liệu, có sự tinh tế vì từ dữ liệu thô qua các thuật toán và các mô hình có thể đưa ra phán đoán. Đây như là một phép thuật.
Là một ngành học ở ngôi trường quy tụ toàn các siêu cao thủ của cả nước, Đức cho hay: "Ngày gặp mặt sinh viên trúng tuyển sớm, em gặp áp lực lắm. Thấy các bạn đều có thành tích đáng nể, các anh chị đi trước thì đã thành công trên thế giới. Có chị tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Hardvard nên càng là gây áp lực cho thế hệ sau. Em nghĩ áp lực là một phần tất yếu và mình phải lấy áp lực để trở thành động lực cho mình.
Sắp tới, sau khi biết điểm thi, em sẽ dành 1-2 ngày đi du lịch đâu đó, gặp gỡ bạn bè. Sau đó em sẽ làm quen với các môn học đại cương và làm quen với môi trường đại học để khi chính thức nhập học không bị... choáng".
Ngoài thời gian dành cho học tập, Đức còn tích cực chơi cầu lông và tự học thêm tiếng Đức để cân bằng cuộc sống. Đặc biệt, nam sinh này còn đam mê đọc sách.
Bảo Đức cho hay: "Điều tự hào về bản thân em có lẽ là giữ thói quen đọc sách từ nhỏ đến lớn, dù 12 năm học bài tập khá nhiều. Mỗi ngày em dành 30 phút - 1 tiếng để đọc sách ở bất kể nơi nào như trên xe bus hay ở nhà. Sách bồi đắp giúp tâm hồn em rộng mở".
Được biết, không chỉ giỏi Tiếng Anh, Toán, Tin, Đức còn học đều tất cả các môn. Điểm Văn của Đức những năm cấp 3 cũng luôn đạt 9,0 trở lên. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Đức làm bài thi khá tốt và em cũng không thi thêm kỳ thi nào.
Để đạt được thành tích ngày hôm nay, Đức cảm ơn bố mẹ luôn tạo mọi điều kiện, hậu thuẫn kinh tế và tinh thần: "Em được tự do quyết định phương thức, tiến độ học, lựa chọn trường nên hầu như không có áp lực nào. May mắn em gặp nhiều người thầy tận tâm nên con đạt được có phần thành công hơn các bạn".
Từ kinh nghiệm bản thân, Đức chia sẻ với các bạn học sinh về việc định hướng nghề nghiệp: "Khoảng thời gian định hướng nghề nghiệp tốt nhất là sau khi thi xong lớp 9 lên 10. Em làm việc đơn giản là mua 1 cuốn sách hướng nghiệp trong đó giới thiệu tất cả các ngành nghề khác nhau từ sáng tạo nghệ thuật, IT, nhân văn…
Em mở mục lục ra đọc từng ngành nghề một. Nghề nào thích thú em sẽ ghi lại và quan sát về bản thân mình có điểm chung nào. Sau khi tìm hiểu, cân nhắc, xử lý dữ liệu, em giữ lại khối ngành Kỹ thuật và đặt mục tiêu ngành muốn theo học. Em tiếp cận ngành này bằng cách học thử ngôn ngữ lập trình, cách xây dựng thuật toán, xử lý dữ liệu... Em kết luận mình yêu thích ngành này và quyết định chọn trường theo học".
Trao đổi với PV báo Dân Việt, PGS. Huỳnh Thị Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội nhận xét: "Bạn Đức là học sinh chuyên Toán, THPT chuyên Nguyễn Huệ. Kết quả thi SAT và IELTS một lần nữa khẳng định Đức rất xuất sắc. Học sinh xuất sắc quyết định sẽ học ở Đại học Bách khoa Hà Nội cho thấy sự tin tưởng của phụ huynh, học sinh đối với chất lượng đào tạo của Trường. Tiếp xúc với Đức, tôi cảm nhận bạn rất ngoan, hiền lành, khiêm tốn".
Thành tích của Vũ Đức Bảo cũng khiến PGS.TS. Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, phải dành lời khen tặng: "Với điểm số IELTS, SAT đạt được, Đức đủ điều kiện điểm chuẩn vào bất kỳ đại học nào trên thế giới, kể cả Viện Công nghệ Massachusetts - MIT, Đại học Stanford hay Đại học Harvard... Thế nhưng Đức đã chọn không đi du học mà theo học tại Trường. Giấc mơ du học chắc chắn em sẽ đạt được, nhưng từ bệ phóng này vào thẳng các chương trình đào tạo tiến sĩ (học bổng toàn phần thêm sinh hoạt phí) là một lựa chọn... hoàn hảo. Em là mầm tinh hoa thật sự".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.